BỆNH VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG
VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
BỆNH VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG LÀ GÌ?
Bệnh võng mạc tiểu đường hay Bệnh lý võng mạc do đường huyết cao là tên gọi chung của những bệnh lý trong đó tổn thương xảy ra ở võng mạc bởi căn bệnh tiểu đường và là một nguyên nhân dẫn đến mù lòa. Nó ảnh hưởng đến 80% người bị tiểu đường trong khoảng 20 năm hoặc nhiều hơn. Khoảng 90% trường hợp mới mắc có thể thuyên giảm nếu nhận được sự theo dõi và điều trị mắt phù hợp. Nếu một người mắc bệnh tiểu đường càng lâu, nguy cơ phát triển bệnh võng mạc tiểu đường càng cao. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa đối với những người từ 20 đến 64 tuổi.
NGUYÊN NHÂN
Bệnh đái tháo đường gây nên tổn thương các mạch máu của toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, biểu hiện rõ ở các vi mạch máu. Tại mắt, do tổn thương các mao mạch võng mạc, làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương vào võng mạc gây phù nề. Khi mao mạch bị phá hủy gây tắc và làm thiếu máu võng mạc, khi đó cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra các yếu tố kích thích sự phát triển các mạch máu mới (tân mạch) để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Tuy nhiên những mạch máu này mỏng manh dễ vỡ gây ra các biến chứng xuất huyết dịch kính, xơ hóa gây co kéo bong võng mạc.
BIỂU HIỆN
Bệnh lý Võng mạc tiểu đường thông thường không có biểu hiện, triệu chứng cụ thể ở giai đoạn đầu mà thường có những dấu hiệu sau khi bệnh trở nặng:
- Nhìn thấy các vật thể trôi nổi
- Nhìn mờ
- Thị lực thay đổi, lúc nhìn mờ lúc rõ
- Nhìn thấy điểm tối hoặc vùng tối
- Thị lực kém về đêm
- Rối loạn sắc giác, nhìn màu sắc bị nhạt hoặc nhòe
- Mất thị giác
- Các biểu hiện trên thường ở cả hai mắt.
CÁC GIAI ĐOẠN CỦA BỆNH LÝ VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG
Bệnh lý võng mạc tiểu đường không tăng sinh:
Đây là giai đoạn sớm của biểu hiện tiểu đường tại mắt. Nhiều bệnh nhân tiểu đường ở giai đoạn này.
Các biểu hiện bao gồm những tổn thương như phình mao mạch võng mạc, xuất huyết nhẹ, ứ đọng các chất tiết trong võng mạc, phù võng mạc.
Phù võng mạc là nguyên nhân chính gây giảm thị lực ở bệnh nhân võng mạc tiểu đường.
Bệnh nhân có thể cảm thấy các bất thường về thị giác như nhìn thấy các điểm đen trước mắt, hoặc cảm giác về màu sắc thay đổi…
Bệnh lý võng mạc tiểu đường tiền tăng sinh:
Tổn thương ở võng mạc giai đoạn này gây nên bởi sự bất thường cung cấp máu cho võng mạc, dẫn đến các tổn thương thiếu máu cục bộ, xuất huyết, xuất tiết và phù võng mạc. Nếu các tổn thương này chưa xâm phạm đến vùng hoàng điểm thì bệnh nhân chưa nhận thấy giảm thị lực. Do vậy, mặc dù các tổn thương trên võng mạc đã khá nặng nề mà bệnh nhân vẫn chưa nhận biết thấy nên thường không đi khám và điều trị.
Bệnh lý võng mạc tiểu đường giai đoạn tăng sinh:
Bệnh lý giai đoạn này gây ra bởi sự tăng sinh các tân mạch bất thường, gây xuất huyết tái diễn liên tục, gây tổ chức hóa và co kéo dịch kích võng mạc. Hậu quả là tổn thương nặng võng mạc, rách hoặc bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Một hậu quả khác thường gặp là gây nên thể bệnh glôcôm tân mạch, đau nhức trường diễn, cực kỳ khó điều trị.
BỆNH LÝ VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?
Khám tầm soát: Tất cả bệnh nhân đái tháo đường nên được khám tầm soát để phát hiện sớm bệnh, ít nhất 6 tháng đến 1 năm / 1 lần.
Quy trình khám bao gồm:
- Thử thị lực
- Khám tổng quát để đánh giá chức năng chung của mắt
- Nhỏ thuốc giãn đồng tử, giúp bác sĩ soi kiểm tra đáy mắt
- Chỉ định chụp OCT hay chụp mạch huỳnh quang đáy mắt hỗ trợ nếu cần thiết tùy từng giai đoạn của bệnh và tổn thương của võng mạc mà bác sỹ sẽ cho chỉ định điều trị hoặc theo dõi định kỳ.
- Song song với việc thăm khám mắt thường quy, bệnh nhân cần được điều trị tích cực bệnh đái tháo đường, đưa lượng đường huyết trở về ngưỡng bình thường
ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?
Liệu trình điều trị cho bạn được dựa trên những kết quả thăm khám mắt của bác sĩ. Các hình thức điều trị có thể bao gồm:
- Điều trị nội khoa: Kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp có thể ngăn ngừa giảm thị lực. Thực hiện chế độ ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng. Dùng thuốc tiểu đường thường xuyên. Đôi khi, kiểm soát đường huyết tốt thậm chí có thể giúp phục hồi thị lực.
- Thuốc: Thuốc ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (anti-VEGF) giúp làm giảm phù hoàng điểm, nguyên nhân chính gây giảm thị lực và có thể cải thiện thị lực. Thuốc này được tiêm trực tiếp vào mắt. Thuốc giảm viêm steroid là một lựa chọn khác, cũng được tiêm vào mắt giúp giảm phù hoàng điểm.
- Điều trị laser: Laser giúp điều trị các bất thường mạch máu võng mạc, giảm phù võng mạc và hoàng điểm, ngăn ngừa sự phát triển của tân mạch. Thường phối hợp với các phương pháp điều trị khác.
- Phẫu thuật dịch kính võng mạc: Nếu bạn được chẩn đoán bệnh lý võng mạc tiểu đường tăng sinh, có thể bạn được chỉ định phẫu thuật dịch kính võng mạc. Tuy nhiên, ở những giai đoạn cuối thường không mang lại kết quả tốt đối với chức năng thị giác.
PHÒNG NGỪA MẤT THỊ GIÁC DO BỆNH LÝ VÕNG MẠC TIỂU ĐƯỜNG
- Nếu bạn bị tiểu đường, cần khám chuyên khoa nội tiết để kiểm soát đường huyết.
- Bạn có huyết áp cao hoặc bệnh lý về thận không? Nếu có, hãy đi khám và điều trị các bệnh lý trên.
- Đi khám mắt thường xuyên nếu bạn bị tiểu đường. Có thể bệnh lý võng mạc tiểu đường được phát hiện trước khi bạn nhận thức ra mình có vấn đề về thị giác.
- Nếu nhận thấy thị lực kém hơn ở một hoặc hai mắt, đi khám mắt ngay lập tức.
- Cần điều trị bệnh lý võng mạc tiểu đường càng sớm càng tốt. Đây là cách tối ưu để ngăn ngừa mất thị lực.
KẾT LUẬN
- Mức đường huyết cao có thể ảnh hưởng đến võng mạc và hoàng điểm, dẫn đến mất thị giác. Trong những giai đoạn sớm, bệnh lý võng mạc tiểu đường thường không biểu hiện triệu chứng. Nhưng một khi tiến triển hơn, mắt bị ảnh hưởng có thể dẫn đến mất thị giác.
- Điều trị bệnh lý võng mạc tiểu đường có thể bao gồm thuốc uống, tiêm thuốc vào mắt, laser và phẫu thuật.
- Đi khám mắt thường xuyên để kiểm tra phát hiện sớm các tổn thương do bệnh lý võng mạc tiểu đường.
NHỮNG THUẬT NGỮ VỀ MẮT DÀNH CHO BẠN
- Võng mạc: Lớp tế bào thần kinh mỏng, lót thành trong phía sau của mắt. Lớp võng mạc cảm thụ ánh sáng và gửi các tín hiệu này đến não giúp chúng ta nhìn thấy môi trường bên ngoài.
- Hoàng điểm: Vùng rất nhỏ nằm gần trung tâm võng mạc, đóng vai trò tối quan trọng. Bạn cần hoàng điểm khỏe mạnh để nhìn chi tiết các vật thể phía trước.
- Phù hoàng điểm: Phù do rò rỉ mạch máu. Phù hoàng điểm gây mất thị giác.
- Dịch kính: Là chất gel trong suốt chiếm trọng không gian giữa của mắt.
Đơn nguyên Mắt BUH hứa hẹn là điểm đến đáng tin cậy trong việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh trên địa bàn tỉnh nói riêng và các khu vực lân cận nói chung. Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực và không ngừng phát triển để đem lại dịch vụ tốt cho tất cả khách hàng.