Vào ngày 27/04, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã thực hiện thành công vá lỗ thông bất thường trong tim bệnh nhân nam (72 tuổi) bằng phương pháp can thiệp bít lỗ thông liên nhĩ qua da. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật can thiệp tim mạch này được triển khai ngay tại khu vực Tây Nguyên. Hiện tại người bệnh hồi phục sức khỏe tốt và đã được xuất viện. 

Ngày 27/04/2023 vừa qua, BUH tiếp nhận bệnh nhân T.H.N (72 tuổi) đến thăm khám trong tình trạng mệt nhiều, khó thở (tăng khi gắng sức), phù hai chân dưới. Các bác sĩ Khoa Tim Mạch đã tiếp nhận và tiến hành siêu âm kiểm tra thì phát hiện trong tim bệnh nhân tồn tại lỗ thông bất thường ở vách ngăn giữa 2 tâm nhĩ với kích thước ước tính khoảng 2,7cm. Đối với trường hợp này, theo đúng các khuyến cáo đang được áp dụng trên toàn thế giới, bệnh nhân được chỉ định can thiệp bằng phương pháp bít lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da.

Sau 2 ngày phẫu thuật, BN vui mừng chia sẻ: “Tôi nhập viện trong tình trạng mệt và không thở nổi. Các Bác sĩ kiểm tra thì phát hiện có lỗ thông lớn trong tim cần được vá lại. Nhờ các bác sĩ giỏi mà giờ tôi đã khỏe lại, thở đều và ăn uống tốt. Tôi khỏi bệnh và sinh hoạt được như người bình thường, không còn ảnh hưởng tới con cháu, đây quả thật là một điều vô cùng may mắn, tôi rất biết ơn các Bác sĩ Khoa Tim Mạch”.

ThS.BS. Thái Bình Dương – Phụ trách Khoa Nội Tim Mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột thông tin thêm: “Thông liên nhĩ (ASD) là một lỗ thông bất thường ở vách liên nhĩ, vốn chỉ tồn tại trong thai kỳ, và dần tự khép lại sau khi trẻ được sinh ra. Việc xuất hiện lỗ thông này một cách dai dẳng cho đến tận tuổi trưởng thành là một bất thường bệnh lý, gây nên tình trạng quá tải thể tích buồng tim phải. Đây là một dị tật bẩm sinh thường gặp, chiếm 5-10% tất cả bệnh tim bẩm sinh, và là dạng bệnh tim bẩm sinh phổ biến nhất ở người trưởng thành. Các triệu chứng của bệnh có thể rất mơ hồ, có thể biểu hiện rất sớm ở những năm đầu đời, nhưng thường sau 20 tuổi với các triệu chứng: khó thở khi gắng sức, mệt mỏi, và loạn nhịp tim…”

Đối với bệnh lý tim mạch này, để lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp, các bác sĩ cần đánh giá kỹ lưỡng triệu chứng cơ năng, thực thể, kích thước lỗ thông và thể trạng người bệnh. Hiện nay, có 2 phương pháp can thiệp điều trị gồm: phẫu thuật tim hở và bít thông liên nhĩ qua da. Trong đó, phương pháp bít thông liên nhĩ qua da là kỹ thuật hiện đại, điều trị xâm lấn tối thiểu. Nói tối thiểu là vì, trong phương pháp này, tất cả dụng cụ đóng lỗ thông đều được đưa vào cơ thể đến tim để vá lỗ thông chỉ thông qua một vết chọc kim nhỏ trên da. Phương pháp này được ưu tiên lựa chọn điều trị ở hầu hết các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch với những ưu điểm: 

  • Phương pháp mang tính thẩm mỹ cao hơn so với phương pháp mổ hở với đường mổ dọc giữa xương ức kinh điển, điều này đặc biệt có ý nghĩa với phụ nữ.
  • Giảm sang chấn, ít đau, ít chảy máu.
  • Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện, nhanh hồi phục sức khỏe, thời gian nằm viện được giảm xuống đáng kể.
  • Tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ được giảm thiểu.

Trước đây, phẫu thuật này chỉ thực hiện được tại các bệnh viện tuyến trung ương tại Tp. HCM hoặc Hà Nội. Đến nay, các Bác sĩ Khoa Tim Mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã làm chủ kỹ thuật và triển khai thực hiện hiệu quả. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì đã tạo ra cơ hội điều trị kịp thời, hiệu quả cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch tại địa phương. Đặc biệt, kỹ thuật này đã được BHYT chấp nhận thanh toán khi điều trị tại BUH, giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng ngay ở tuyến tỉnh, giảm thiểu rất lớn gánh nặng về chi phí đi lại. 

Với mục tiêu phát hiện sớm – chẩn đoán chính xác – điều trị kịp thời các bệnh lý tim mạch và nguy cơ dẫn đến các bệnh tim mạch, Khoa Tim Mạch định hướng sẽ thực hiện các kế hoạch hỗ trợ sàng lọc cho trẻ sơ sinh và các bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện để có hướng điều trị và can thiệp kịp thời cho người dân. Qua đó cũng đã khẳng định được năng lực học tập, ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu của đội ngũ y bác sĩ Khoa Tim Mạch BUH nhằm điều trị hiệu quả các bệnh lý hiểm nghèo, phức tạp, đóng góp tích cực vào mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày một tốt hơn.

Trả lời