BUH ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG MẤT VỮNG KHỚP ĐỘI – TRỤC
BẰNG KỸ THUẬT MỔ BẮT VÍT CỐ ĐỊNH C1 – C2 PHÍA SAU
Mất vững khớp đội trục thường không có triệu chứng cụ thể nhưng có thể gây đau cổ mơ hồ, đau đầu vùng chẩm, hoặc đôi khi gây chèn ép tủy cổ không liên tục ở các mức độ khác nhau như rối loạn dáng đi, nặng hơn là bại yếu tứ chi, rối loạn cơ tròn… thậm chí là tử vong do chèn ép hành tủy gây suy hô hấp. Vừa qua, BUH đã điều trị thành công ca mất vững khớp đội – trục (C1 – C2) nhờ áp dụng kỹ thuật cố định C1, C2 bằng nẹp vít phía sau (Harm’s technique) cho bệnh nhân B.V.M (59 tuổi, Đắk Lắk). Hiện tại, người bệnh phục hồi tốt, đi lại được và cải thiện đến 70% chức năng vận động.
— TÌNH TRẠNG: Bệnh nhân B.V.M (59 tuổi), vào viện trong tình trạng yếu tứ chi, đi không vững. Qua thăm khám và chẩn đoán X-quang thường quy và chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tính toàn vẹn của dây chằng thì phát hiện tổn thương tủy cổ do mất vững khớp đội – trục.
Việc tổn thương đến tủy do mất vững khớp đội – trục có thể gây tử vong cao từ 13% đến 60%. Chính vì vậy, bất kể bệnh nhân nào có các yếu tố nguy cơ mất vững khớp đội – trục đều cần được kiểm tra và can thiệp phẫu thuật cấp cứu.
Có 3 phương pháp cố định C1 – C2 phía sau:
Buộc vòng cung sau, vít qua khớp C1 – C2:
Ưu điểm đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên phương pháp này chỉ cố định tốt với chuyển động cúi và ưỡn, với chuyển động xoay sẽ gây mất vững; tỷ lệ không liền xương, khớp giả cao (khoảng 30%).
Hình minh họa kỹ thuật buộc vòng cung sau. Vít được đặt dưới vòm sau C1, vòng quanh mỏm gai C2, sau đó được kết hợp bằng cách đặt xương mào chậu có rãnh ở giữa để gắn vào phiến C2 và mỏm gai.
Vít qua khớp cố định vững chắc ở tất cả chuyển động
Phương pháp này giảm 61,4% vận động cúi ưỡn, giảm đến 82,7% vận động nghiêng và giảm 94,8% vận động xoay. Tuy nhiên, kỹ thuật này rất khó áp dụng cho các trường hợp mất vững đội – trục di lệch lớn, nếu không sửa chữa được các biến dạng bằng phương pháp nắn chỉnh ngoài. Ngoài ra, kỹ thuật này có thể gây tổn thương tủy và động mạch đốt sống ( tỷ lệ khoảng 2,5 – 4,3%).
Hình minh họa kỹ thuật Vít qua khớp cố định C1- C2
Cố định C1, C2 bằng nẹp vít phía sau (Vít khối bên C1 và vít qua cuống C2 – Phương pháp Harm’s technique)
Đây là phương pháp mang lại khả năng vững chắc về mặt cơ sinh học tốt do tăng diện tiếp xúc của xương và vít đồng thời có cánh tay đòn lực dài. Kỹ thuật được thực hiện bằng cách đặt vít vào hai khối bên C1 và cuống đốt hoặc eo của C2. Đặc biệt, vít khối bên C1 vít qua cuống C2 giúp chuyển động xoay tốt tùy thể trạng của từng bệnh nhân.
Hình minh họa vít khối bên C1 được kết nối qua vít cuống C2 bằng nẹp vít phía sau
— ĐIỀU TRỊ: Trường hợp bệnh nhân B.V.M là một ca bệnh phức tạp, BN đã lớn tuổi, loãng xương, thêm những tổn thương ở tủy cổ và động mạch đốt sống. Để hạn chế rủi ro, tăng khả năng hồi phục, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh – Khoa Ngoại tổng hợp BUH đã hội chẩn và quyết định mổ bắt vít cố định khớp đội – trục bằng phương pháp cố định C1, C2 bằng nẹp vít phía sau, lấy xương mào chạy tự thân để hàn đốt C1 & C2 phía sau. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 2 tiếng và thành công tốt đẹp.
So với các kỹ thuật nêu trên, kỹ thuật cố định C1, C2 bằng nẹp vít phía sau có nhiều ưu điểm vượt trội:
- Không cần nắn chỉnh kín trước mổ. Quá trình nắn chỉnh được thực hiện trực tiếp trong phẫu thuật.
- Vít vào xương dài hơn, mỗi đốt (C1, C2) được cố định bằng 2 vít 2 bên nên mức độ cố định vững chắc hơn.
- Hiệu quả nắn chỉnh rõ rệt.
- Tỷ lệ liền xương cao.
- Hạn chế biến chứng gây tổn thương động mạch đốt sống nhờ việc quan sát trực tiếp vị trí đặt vít vào C1


Hệ thống nẹp vít cố định trong mổ.


Hình ảnh chụp CT TRƯỚC và SAU mổ
— KẾT QUẢ: Sau khi mổ, BN đã phục hồi tốt cả về cơ khớp tứ chi và tinh thần, hiện đã đi lại được và cải thiện đến 70% khả năng vận động.


Hình ảnh chụp CT sau khi bắt vít C1-C2 phía sau




Bệnh nhân cải thiện đến 70% sức khỏe sau ca mổ
BSCK1. Nguyễn Văn Tấn – Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp BUH cho biết: “Cố định C1-C2 bằng ốc khối bên C1 – ốc chân cung C2 và hàn sau C1-C2 bằng ghép mào chậu tự thân là kỹ thuật điều trị tối ưu cho các trường hợp mất vững khớp đội – trục. Để thực hiện được đòi hỏi phẫu thuật viên có tay nghề cao, được đào tạo bài bản, phối hợp nhịp nhàng với các bác sĩ gây mê cùng trang thiết bị hiện đại hỗ trợ. Hiện nay, BUH đã áp dụng thường quy kỹ thuật này trong điều trị các trường hợp mất vững khớp đội – trục do các nguyên nhân khác nhau: Chấn thương, viêm khớp dạng thấp, lao… mang lại kết quả tốt, giúp người bệnh an tâm điều trị y tế ngay tại địa phương.”
Để được tư vấn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, Quý Khách Hàng vui lòng liên hệ:
HOTLINE 1900 1147