BUH PHẪU THUẬT NỘI SOI ĐIỀU TRỊ VIÊM XOANG HÀM DO RĂNG
Viêm xoang hàm do răng là tình trạng viêm niêm mạc do nhiễm trùng xuất phát từ các ổ viêm ở răng lan vào xoang hàm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: viêm tấy hoặc biến chứng ổ mắt, cốt tủy viêm xương hàm trên,…
Nguyên nhân:
- Do vi khuẩn có thể xâm nhập từ các răng hoặc ổ răng (thường từ răng số 4 đến số 8 hàm trên) vào trong xoang.
- Do viêm, nhiễm trùng từ răng miệng: sâu răng, nhiễm khuẩn quanh cuống răng, áp xe, viêm tấy, u hạt quanh chân răng.
- Do u nang chân răng vỡ mủ vào xoang.
- Do các can thiệp phục hình, cấy ghép, khoan hay tai biến do nhổ răng tạo nên lỗ dò thông thương với xoang hàm.
Triệu chứng thường gặp:
- Chảy mũi đục, dịch mũi có mùi hôi, thường ở 1 bên mũi.
- Sưng đau vùng xoang hàm – gò má.
- Đau tức ổ mắt, đau nặng mặt.
- Có thể thấy mủ hôi chảy xuống miệng qua rãnh lợi môi trên khi ăn nhai.
- Nếu để lâu, có thể gây đẩy lồi xương hàm, gò má 1 bên gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
Chẩn đoán:
- Khám mũi thấy hốc mũi có mủ đục, phù nề mỏm móc, có thể có polyp hốc mũi.
- Khám răng: phát hiện các tổn thương của răng hàm trên (lung lay, vỡ răng, lỗ sâu răng, hàm hoặc chụp, …) và quanh răng (rò mủ, sưng đau) tương ứng với xoang hàm.
- Chụp CT mũi xoang và chụp Conebeam CT giúp đánh giá đồng thời đặc điểm bệnh lý của xoang hàm và răng liên quan và để định hướng phẫu thuật khi xác định đúng nguyên nhân.
Điều trị:
- Điều trị nội khoa mũi xoang: kháng sinh, chống viêm, rửa mũi.
- Phẫu thuật nội soi mũi xoang: dẫn lưu mủ, lấy dị vật trong xoang (chất hàn răng, chân răng bị tụt vào trong lòng xoang, phá bỏ vách xương nếu có cốt tủy viêm…
- Điều trị răng nguyên nhân: bảo tồn, nhổ bỏ, bít lấp đường rò răng miệng …
Quá trình điều trị cho bệnh nhân:
Bệnh nhân H.T.B.D (14 tuổi) nhập viện trong tình trạng sưng đau xoang hàm gò má (P) kèm theo nghẹt mũi, chảy mũi đục hôi kéo dài khoảng 2 năm trở lại đây. Sau khi Khoa: Tai – Mũi – Họng BUH tiếp nhận và khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân khai BN có áp xe nướu răng hàm trên (P) cách đây 2 năm.
Qua thăm khám, chụp Cone Beam CT và CT mũi xoang. BSCK2. Nguyễn Hữu Diệu – Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BUH chẩn đoán viêm xoang hàm (P) do răng hàm trên (P). Do bệnh nhân không điều trị trong thời gian dài, nên có hiện tượng cốt tủy viêm xương hàm (P), bên trong lòng xoang hàm có tạo vách xương “hình trứng” gây nên tình trạng tắc nghẽn mủ trong xoang, hình thành ổ áp xe và phá hủy thành ngoài xoang hàm và lan ra mô mềm vùng má (P), gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
BSCK2. Nguyễn Hữu Diệu đã phối hợp cùng BSCKI. Nguyễn Đình Quý – chuyên khoa Răng Hàm Mặt để nhổ răng và phẫu thuật nội soi mũi xoang, phá bỏ vách xương trong lòng xoang hàm, bơm rửa, lấy sạch niêm mạc viêm và tổ chức mủ, mô hoại tử. Tái lập dẫn lưu xoang hàm qua đường tự nhiên. Bệnh nhân phục hồi tốt và được xuất viện sau 2 ngày theo dõi.
Qua đây, BSCK2. Nguyễn Hữu Diệu – Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BUH đưa ra khuyến nghị “nên chăm sóc răng miệng, khám và điều trị sớm bệnh lý răng hàm trên để tránh viêm xoang hàm do răng. Nếu có chảy mũi đục 1 bên kéo dài, mũi hôi, cần thăm khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để xác định nguyên nhân và can thiệp sớm tránh các biến chứng nguy hiểm.Thường tâm lý bệnh nhân lo ngại phẫu thuật, tuy nhiên, hiện nay phẫu thuật qua nội soi dưới gây mê giúp lấy bỏ bệnh tích triệt để và mang lại hiệu quả vượt trội so với phương pháp điều trị khác”.