BUH THỰC HIỆN THÀNH CÔNG
CHUYỂN VẠT DA VI PHẪU CHO BỆNH NHÂN
🔹 Các bác sĩ bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vừa thực hiện thành công ca che khuyết hổng da vùng cổ chân cho một bệnh nhân nam có khối u sùi cần cắt bỏ diện rộng. Đây là một kỹ thuật khó, lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện ở tỉnh Đắk Lắk.
TÌNH TRẠNG: Bệnh nhân nam Y Blư Niê (60 tuổi, huyện Eakar) đến thăm khám tại bệnh viện ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột trong tình trạng có khối u sùi ở vùng cổ chân, nghi ngờ là vùng tổn thương tiền ung thư. Sau khi làm giải phẫu mô bệnh học. Hội chẩn, đánh giá tình trạng trước mổ với chuyên khoa ung bướu của bệnh viện kết luận tiền ung thư da và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
ĐIỀU TRỊ:
Các bác sĩ đã quyết định cắt rộng rãi theo tiêu chuẩn của bác sĩ chuyên khoa ung bướu, phối hợp cùng các bác sĩ ngoại chấn thương chỉnh hình -Tạo hình để phẫu thuật che phần khuyết hổng sau khi cắt khối u. Phẫu thuật tạo hình che phủ phần khuyết bằng kỹ thuật ghép vạt đùi trước ngoài (vạt tự do ALT) xuất phát từ động mạch đùi sâu.
BS.CKII Trần Mậu Phong (Phó Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp BUH – Chuyên Chấn thương chỉnh hình- Tạo hình) PTV chính ekip phẫu thuật cho biết, đối với các tổn thương diện rộng ở những vùng vận động ở cổ chân như trường hợp này, biên độ vận động rất lớn. Để bệnh nhân không bị hạn chế khi vận động, bắt buộc phải ghép vạt da-cân giúp đảm bảo tổ chức cấu trúc của mô da, giảm tối thiểu tỷ lệ tái phát thay vì chỉ ghép da mỏng thông thường, rất dễ loét và xơ cứng sau phẫu thuật vài tháng.
✅ Trước khi tiến hành, các bác sĩ khảo sát kỹ lưỡng vùng động mạch bằng siêu âm doppler cầm tay, và kích thước mạch. Thiết kế vạt vùng cho và vùng nhận trên chân bệnh nhân.
✅ Tiếp theo sẽ lấy vạt da-cân kèm mỡ, cân dưới da vùng đùi và 2 động, tĩnh mạch xuyên từ trong bó mạch đùi ngoài xuyên ra.
✅Bóc tách cuống mạch, cắt động, tĩnh mạch sau đó nối vi phẫu ở vùng cổ chân.
Theo BS.CKII Trần Mậu Phong, chuyển vạt đùi trước ngoài phức hợp tự do dạng chùm được ứng dụng tạo hình các bệnh nhân có tổn khuyết phức tạp. Đây là kỹ thuật dùng vạt da-cân lành để che phủ phần mềm bị khuyết hổng. Trong các trường hợp có khuyết hổng mô lớn thì không thể khâu tại chỗ hay ghép da được vì sẽ gây mất thẩm mỹ, biến dạng các cơ quan chức năng. Trường hợp này cần đến vạt da-cân (ALT) vi phẫu có nghĩa là lấy mô từ xa, ở đùi của chính bệnh nhân và chuyển ghép khâu nối vi phẫu động và tĩnh mạch lên vùng cổ chân. Đây là kỹ thuật khó, phức tạp nhất trên bậc thang phẫu thuật tạo hình điều trị vì yêu cầu phẫu thuật viên cần nắm rõ giải phẫu về mạch máu cấp máu vùng cho và vùng nhận ghép mô để có thể sau chuyển vạt được nuôi dưỡng tốt tại vùng tái tạo khuyết hổng.
KẾT QUẢ: Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng các khoa phòng, ekip phẫu thuật và Gây mê hồi sức, cuộc phẫu thuật đã diễn ra thành công tốt đẹp. Bệnh nhân hồi phục tốt và hiện đã được xuất viện. Sau mổ bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng và đi lại được sau 3 tuần khi mô đã tái tạo hoàn chỉnh.
Kỹ thuật này rất phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo bài bản về phẫu thuật tạo hình, kiên trì và có kiến thức chuẩn về giải phẫu. Cả nước hiện có khoảng 10 đơn vị thực hiện thường quy kỹ thuật ghép vạt vi phẫu (hầu hết là tuyến đặc biệt và tuyến trung ương như Hà Nội, Huế, TP.HCM), riêng tuyến tỉnh chỉ có một vài tỉnh thành đã triển khai gồm Bình Dương, Nghệ An,…. hiện tại bệnh viện ĐH Y Dược Buôn Ma thuột là đơn vị đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên áp dụng thành công kỹ thuật phức tạp này trong điều trị cho bệnh nhân.
BS.CKII Trần Mậu Phong chia sẻ: “Chúng tôi đã ấp ủ dự định triển khai kỹ thuật này từ lâu khi chứng kiến người dân tại địa phương gặp những bệnh lý phức tạp, phải lên tuyến trên, tốn kém chi phí di chuyển và lỡ mất giai đoạn điều trị sớm. Hiện bệnh viện chúng tôi đã hội tụ đủ cả 3 yếu tố: Ekip bác sĩ kinh nghiệm; cơ sở hiện đại, vật tư y tế đầy đủ, sẵn sàng triển khai nhanh chóng; không chỉ áp dụng cho bệnh lý, chấn thương về chi thể mà còn cả những bệnh lý về ung thư (vùng đầu, hàm mặt, cổ, ngực vú), bệnh lý nhiễm trùng khác khuyết hổng tổ chức quá rộng”.