CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN

VẤN ĐỀ ĐÁNG LO THỜI ĐẠI SỐ

Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt những con số nghiên cứu về sức khỏe tâm thần được công bố đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn dư luận: Có khoảng 30% người Việt Nam bị rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%…; mỗi năm có khoảng 40 nghìn ca tự tử. Đáng lo ngại hơn, sức khỏe tâm thần hiện đang là khía cạnh bị “bỏ lơ” nhiều nhất trong việc chăm sóc sức khỏe và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. 

Do đó, BUH đặc biệt giới thiệu đến quý độc giả chuỗi bài viết sắp tới: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cùng chuyên gia” nhằm đem đến cái nhìn cởi mở và hiểu biết hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần.

 

1- Tình hình sức khỏe tâm thần ở Việt Nam và trên thế giới

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là trạng thái tinh thần khỏe mạnh, giúp con người có thể đương đầu với những áp lực trong cuộc sống, học tập tốt và làm việc tốt, cống hiến cho cộng đồng, bởi sức khỏe tâm thần tốt sẽ dẫn đến sức khỏe thể chất tốt. Một khi sức khỏe tâm thần được thúc đẩy và bảo vệ, mọi người sẽ có cơ hội được hưởng cuộc sống hạnh phúc.

Thế nhưng, Việt Nam vẫn là 1 trong số nhiều quốc gia chưa thực sự hiểu và quan tâm đến sức khỏe tinh thần: tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số – nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên hầu hết người dân chỉ đang quan tâm nhiều đến chứng tâm thần phân liệt (hay dân gian thường gọi là điên).

Số liệu thực tế cho thấy: tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, đến 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)…

Trong đó, các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em chiếm khoảng 12%, tương đương với hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm hơn 26% và trẻ cố gắng tự tử lên đến gần 6%. Với các nhóm đối tượng đặc biệt khác cũng cho thấy tín hiệu đáng báo động: tỷ lệ trầm cảm trong khi mang thai là 5% và trầm cảm sau sinh là 8,2%, tỷ lệ mắc mới trầm cảm sau sinh là 6,5%, tỷ lệ trầm cảm ở người bệnh ung thư phổi là 24,6%.

Mặc dù các bệnh lý tâm thần có thể dự phòng và chữa trị hiệu quả, nhưng đáng buồn là hầu hết những bệnh tâm thần đều không được phát hiện sớm để điều trị hiệu quả, dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng lên mọi mặt của đời sống. Bất cứ ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Do đó, phát hiện kịp thời và can thiệp ngay từ đầu không chỉ giúp bệnh nhân ngăn chặn sự tiến triển của bệnh trên mà còn ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của cộng đồng.

Đã đến lúc chúng ta phải đặt sức khỏe tâm thần lên ưu tiên hàng đầu vì một cuộc sống tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người.

2 – Chăm sóc sức khỏe tâm thần – Vấn đề đáng được quan tâm

“Trước đây, phần lớn tâm lý người dân không chấp nhận gia đình có người bị bệnh tâm thần. Khi nhắc đến khoa tâm thần, họ thường kỳ thị. Các trường hợp phải vào viện điều trị hầu hết là bệnh nặng, đa phần bệnh nhân không ý thức được sức khỏe của mình” – GS. Cao Tiến Đức cho biết.

Thế nhưng những năm gần đây, đã có rất nhiều người đến khám sức khỏe tâm thần, chủ yếu các bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, tâm thần phân liệt, động kinh, loạn thần của tuổi già, sa sút trí tuệ… Riêng 14 bệnh hay gặp chiếm 14,8 %, ví dụ tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng.

Tại phòng khám chuyên gia BUH, chúng tôi cũng nhận thấy xã hội, gia đình đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chăm sóc sức khỏe tâm thần. Họ chủ động tìm đến bác sĩ tâm thần nên mới phát hiện được tỉ lệ người mắc bệnh bây giờ rất nhiều. 

GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức cho biết: “Các trường hợp phải vào viện điều trị hầu hết là bệnh nặng, đa phần bệnh nhân chưa ý thức được sức khỏe của mình” 

Do đó, xu hướng theo học những lớp dạy cơ thể tự chữa lành để tìm sự cân bằng, thoát khỏi áp lực cuộc sống đang được quan tâm. Theo các chuyên gia: Người bị bệnh hoặc chưa bị bệnh đều có thể tham gia các lớp đó, vì ít nhất nó được hiểu như một liệu pháp tâm lý. Nhưng một khi đã có bệnh thì phải được điều trị đúng phương pháp mới giải quyết được các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý.

3 – GS. Cao Tiến Đức – vị giáo sư duy nhất ngành Tâm thần học Việt Nam và cơ duyên tại BUH

GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức là nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Hiện ông là Phó chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam; Phó chủ tịch Hội chống động kinh Việt Nam; Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Tháng 4/2022, ông chuyển về công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột vô cùng vinh dự khi được hợp tác với GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức – một trong những chuyên gia tâm lý học hàng đầu Việt Nam. Sự kết hợp này  tạo ra một nền tảng mới trong điều trị các bệnh lý lĩnh vực tâm thần học và tâm lý học tại khu vực Tây Nguyên, giúp khách hàng gặp các vấn đề về tâm lý, đặc biệt hội chứng tâm lý do hậu COVID-19 sớm được điều trị lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Với 46 năm học tập và công tác tại Hà Nội, GS. Cao Tiến Đức đã điều trị thành công cho hàng trăm nghìn bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tâm thần bằng các phương pháp tâm lý trị liệu, giúp cải thiện hành vi, cảm xúc để họ trở về hòa nhập với cuộc sống và cộng đồng, làm nhiều điều có ích cho xã hội.

Bác Đức luôn tạo được ấn tượng ban đầu là sự gần gũi, ân cần, coi bệnh nhân là người thân của mình. Những lần khám bệnh của bác đơn giản là cuộc nói chuyện như những người bạn với nhau. Theo bác, quan trọng nhất của bác sĩ tâm thần là kinh nghiệm, kiến thức, năng lực, toàn tâm toàn ý đối với bệnh nhân.

 GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức trực tiếp tư vấn, thăm khám bệnh

Để giúp mọi người có cái nhìn cởi mở và hiểu biết hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần, đồng thời quan sát và theo dõi những thay đổi trong tâm lý hằng ngày, BUH xin đặc biệt giới thiệu đến quý độc giả chuỗi bài viết sắp tới: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cùng chuyên gia” được chia sẻ bởi chính GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức. Hy vọng chuyên mục này không chỉ phù hợp với tất cả mọi lứa tuổi và mỗi giai đoạn cuộc sống khác nhau mà còn là tài liệu hữu ích đối với các y bác sĩ chuyên ngành Tâm thần.

Để đăng ký khám chữa bệnh với phòng khám chuyên gia, xin vui lòng liên hệ Hotline 1900 1147

Để lại một bình luận