Bác sĩ: Nguyễn Thị Thu Sang

Đơn vị da liễu- Thẩm mỹ da Bệnh viện đại học y dược Buôn Ma Thuột.

TỔNG QUAN VỀ MÀY ĐAY

Mày đay là một tình trạng lâm sàng thường gặp với biểu hiện sẩn phù, phù mạch, hoặc cả hai. Ước tính tỉ lệ lưu hành của mày đay bất kể loại trong suốt cuộc đời từ 1%- 24%, tùy thuộc vào lứa tuổi, vị trí địa lý. Mày đay gặp ở trẻ em ít hơn người trưởng thành, tỉ lệ lưu hành của loại mày đay ở trẻ em từ 3,4%- 5,4%.

SINH BỆNH HỌC

Sự tăng phóng thích histamin từ các dưỡng bào ở quanh mạch máu làm thay đổi tính thấm mao mạch. Dưỡng bào là tế bào gây hiệu ứng chính trong phản ứng mày đay. Ngoài kháng histamin còn có một số chất khác như serotonin, leukotrienes, prostaglandins, proteases và kinins gây dãn mạch và thay đổi tính thấm mao mạch, vì vậy trở thành chất trung gian của mày đay và phù mạch.

PHÂN LOẠI MÀY ĐAY

Có thể phân loại theo thời gian bệnh hoặc theo nguyên nhân, có thể cùng lúc có nhiều hơn hai loại xuất hiện trên cùng 1 bệnh nhân. Theo thời gian bệnh, mày đay được phân thành:

Mày đay cấp là các sẩn phù hoặc phù mạch xuất hiện tự phát trong ít hơn 6 tuần.

Mày đay mạn tính là những giai đoạn sẩn phù, phù mạch xuất hiện hằng ngày hoặc gần như hàng ngày kéo dài từ 6 tuần trở lên. Ngoài ra nó còn có thể chia thành mày đay mạn tính tự phát và mày đay mạn tính có yếu tố khởi phát (đặc trưng bởi mày đay biểu hiện khi bị kích hoạt một cách kiên định và lập lại bởi một kích thích đặc biệt).

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG  

  • Biểu hiện lâm sàng đặc trưng là sẩn phù, mảng phù (wheal), phù mạch (angioedema).
  • Sẩn phù là sẩn mảng hồng ban màu đỏ nhạt, bề mặt da trơn láng, mật độ mềm, có kích thước nhỏ hoặc lớn hơn, đơn độc rải rác, đôi khi có hình ảnh đa cung. Sẩn phù thường kèm theo cảm giác ngứa hoặc đôi khi cảm giác nóng bỏng. Diễn tiến lặn tự nhiên, trở lại về da bình thường, thường trong vòng khoảng 30 phút và thường không quá 24 giờ. Khi nổi lại có thể nổi ngay vị trí cũ làm cho bệnh nhân nhầm tưởng sáng thương kéo dài.
  • Phù mạchhiện tượng phù của lớp bì dưới và mô dưới da hoặc niêm mạc, biểu hiện là vùng da phù căng, có màu hồng ban hoặc màu da, có thể trắng nhạt. Phù mạch và sẩn phù thường hợp với nhau, khó tách rời, nhất là vùng mi mắt. Phù mạch cũng có thể là một biểu hiện của sốc phản vệ, nếu có kèm theo biểu hiện ở vùng hầu họng. Phù mạch đôi khi cảm giác đau nhiều hơn ngứa. Phù mạch biến mất chậm hơn sẩn phù, có thể đến 72h.

điều trị mày đay điều trị mày đay
Một số hình ảnh tiêu biểu về biểu hiện lâm sàn.

CẬN LÂM SÀNG

Trong mày đay cấp, một số xét nghiệm nên làm thêm khi có nguyên nhân dị ứng được nghi ngờ như phản ứng qua trung gian IgE là nghiệm pháp lẩy da và miễn dịch huỳnh quang.

Trong mày đay mạn, xét nghiệm bao quát không được khuyến cáo để đánh giá vì nó hiếm khi xác định được nguyên nguyên hay tác động đến sự kiểm soát bệnh lâu dài.

Sinh thiết da không khuyến cáo.

Một số loại thường gặp

Các phân loại của mày đay mạn:

  • Mày đay mạn tự phát: Xuất hiện sẩn phù hoặc phù mạch hoặc cả 2 tự phát hơn 6 tuần do các nguyên nhân đã biết hoặc vô căn.
  • Mày đay có yếu tố khởi phát: Dấu da vẽ nổi, mày đay do lạnh, mày đay muộn do áp lực, mày đay do ánh sáng, do nhiệt, do rung, mày đay phó giao cảm, mày đay do nước.

Chẩn đoán phân biệt:

Ban mề đay: côn trùng đốt, phản ứng thuốc, viêm da tiếp xúc có mề đay, viêm mao mạch mề đay,…

điều trị mày đay điều trị mày đay điều trị mày đay điều trị mày đay

Biểu hiện của chẩn đoán phân biệt  

ĐIỀU TRỊ 

1. Nguyên tắc điều trị: 

  • Điều trị khi cần và liều càng thấp càng tốt, nghĩa là tăng và giảm phác đồ theo diễn tiến bệnh.
  • Điều trị: xác định và tình nguyên nhân gây bệnh mạn tính, trách các yếu tố khởi phát, cảm ứng dung hòa, và/ hoặc dùng điều trị dược lý để ngăn sự phóng thích chất trung gian dưỡng bào và/ hoặc tác động đến các chất trung gian dưỡng bào.

 2. Điều trị bằng thuốc:

  • Kháng histamin thế hệ đầu: có tác dụng an thần gây ngủ do qua được hàng rào máu não, gắn vào các thụ thể H1 của hệ thần kinh trung ương và cản trở dẫn truyền thần kinh của histamin.
  • Kháng histamin thế hệ hai: không hoặc rất ít gây tác dụng an thần và không gây tác dụng kháng cholinergic được sử dụng điều trị như cetirizine, loratadine, levocetirizine, desloratadine, fexofenadine, ebastine, rupatadine, bilastine.
  • Prednisolon chỉ định cho hội chứng mày đay- phù mạch tăng bạch cầu ái toan máu. sử dụng dạng thoa hoặc uống liều dao động từ 20-50 mg/ ngày.

Một số thuốc điều trị khác khi bệnh nhân kháng histamin:

  • Omalizumab ( kháng thể kháng IgE).
  • Ciclosporin A.
  • Đối kháng thụ thể Leukotriene.
Tài liệu tham khảo:
  • BS. CK1. Vương Thế Bích Thanh ( 2020), Bệnh da liễu thường gặp, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, bài 3,trang 44.
  • Phạm Đình Lâm, Văn Thế Trung (2017), “Kháng thể IgE đặc hiệu và xét nghiệm lẩy da trên bệnh nhân” Y học TP Hồ Chí Minh.
  • Lê Thị Minh Ngọc, Lê Ngọc Diệp ( 2014), “ Đặc điểm lâm sàng và các yếu tố liên quan trên bệnh nhân đến khám tại Bệnh Viện Da liễu Hồ Chí Minh”.
  • Camila Anti, Katherine Baquerizo, Abraham Korman (2018), “” Urticaria: A comprehensive review of epidemiology, diagnosis, and work-up “, J Am Acad Dermatol,79,pp 599-614.
  • Christopher Griffiths, Jonathan Barket, Tanya Bleiker, Robert Chalmers, Daniel Creamer ( 2016). Rook’s Textbook of Dermatology, Wiley Blackwell.
  • Cicardi M, Aberer W, Banerji A, et al. Classification, diagnosis, and approach to treatment for angioedema: consensus report from the Hereditary Angioedema International Working Group. Allergy. 2014;69(5):602–16. doi:10.1111/all.12380.
  • Grattan CE, Humphreys F; British Association of Dermatologists Therapy Guidelines and Audit Subcommittee. Guidelines for evaluation and management of urticaria in adults and children. Br J Dermatol. 2007;157(6):1116–23. doi:10.1111/j.1365-2133.2007.08283.x 
  • Greenberger PA. Chronic urticaria: new management options. World Allergy Organ J. 2014;7(1):31. doi:10.1186/1939-4551-7-31. 
  • Jáuregui I, Ortiz de Frutos FJ, Ferrer M, et al. Assessment of severity and quality of life in chronic urticaria. J Investig Allergol Clin Immunol. 2014;24(2):80–6.

 

Trả lời