CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH LIỀU THẤP - TẦM SOÁT UNG THƯ PHỔI

Theo số liệu WHO năm 2020 công bố, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, xếp thứ 2 sau ung thư gan. Ở Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Bệnh ở giai đoạn đầu khó phát hiện trên hình ảnh X- quang truyền thống nên bệnh nhân thường bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm. Vì vậy, kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp (Low-dose computed tomography) là chỉ định đầu tay của các Bác sĩ để tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi ở các đối tượng có nguy cơ cao.

1. Vì sao cần tầm soát ung thư phổi (LDCT) bằng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính liều thấp

Ung thư phổi thường hiếm khi có các triệu chứng đặc trưng cho đến khi ung thư đã ở giai đoạn muộn. Hầu hết các trường hợp ung thư phổi được chẩn đoán khi người bệnh đã ở giai đoạn 3 hoặc 4, ung thư đã di căn sang các vùng khác của cơ thể. Một khi ung thư đã di căn thì tỉ lệ sống sau 5 năm giảm xuống còn 6%. Trong khi, người bệnh ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn 1 và 2 có tỉ lệ sống sót sau 5 năm là 60%.

Trong tầm soát ung thư phổi, những người có nguy cơ cao bị ung thư phổi nhưng chưa có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh thì sẽ được chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp (LDCT). Đây là một kỹ thuật chụp cắt lớp kết hợp thiết bị chụp X-quang đặc biệt với máy vi tính để tạo ra nhiều hình ảnh cắt ngang hoặc hình ảnh bên trong cơ thể. LDCT tạo ra hình ảnh có chất lượng đủ để phát hiện nhiều bất thường với mức sử dụng bức xạ ion hóa ít hơn tới 90% so với chụp CT ngực thông thường.

Chụp cắt lớp vi tính liều thấp giúp tầm soát ung thư phổi khi chưa có dấu hiệu

2. Các yếu tố dẫn đến ung thư phổi

Ung thư phổi có thể sinh ra do ảnh hưởng tiêu cực từ ô nhiễm môi trường, bức xạ, tính chất công việc, tiền sử bệnh lý, tuổi tác hoặc di truyền. Dưới đây là một số yếu tố dẫn đến ung thư phổi:

  • Hút thuốc lá: Là tác nhân chính (80% – 90%) gây ra ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất gây ung thư đã biết, như là benzopyren, NNK, Buta-1,3-dien…Tại các nước phát triển, 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới trong năm 2000 được cho là do hút thuốc, tỷ lệ này đối với phụ nữ là 70%.
  • Hút thuốc lá thụ động: Nguy cơ mắc bệnh đối với những người sống cùng với người hút thuốc tăng lên từ 20–30%.
  • Yếu tố môi trường nghề nghiệp: Tiếp xúc với amiăng, khí radon (trong đất, hầm mỏ), ngoài ra amiang còn có thể gây ra ung thư màng phổi
  • Ô nhiễm không khí: Ô nhiễm không khí ngoài trời có một tác động nhỏ đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các hạt vật chất nhỏ (bụi PM2.5) và các sol khí sunfat (có trong khí thải xe cộ) có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ nhẹ. Theo ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân của 1–2% số trường hợp mắc ung thư phổi.
  • Yếu tố di truyền: Những người có người thân bị ung thư phổi có có tỷ lệ mắc cao gấp đôi so với những người không có người thân bị ung thư phổi. 
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi

3. Đối tượng nào nên tầm soát ung thư phổi

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nên tầm soát ung thư phổi hàng năm bằng phương pháp chụp CT liều thấp cho những bệnh nhân khỏe mạnh ở độ tuổi từ 50 tuổi trở đi, có tiền sử hút thuốc lá ít nhất 30-gói-năm (là người đã hút ít nhất một gói/ngày trong vòng 30 năm hoặc hai gói/ngày trong vòng 15 năm) và những người hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm qua.

Sàng lọc cũng được khuyến cáo cho những người đã tiếp xúc với các chất độc hại và ô nhiễm môi trường bao gồm khói thuốc lá, amiăng, radon, asen, phóng xạ và các hóa chất khác.

Người có người thân trong gia đình bị ung thư phổi, gene, tiền sử ung thư.

4. Ưu điểm của chụp cắt lớp vi tính liều thấp để tầm soát ung thư phổi

Chụp CT phổi liều thấp được khuyến nghị để sàng lọc ung thư phổi, là một hình thức chụp mới và cập nhập hơn so với chụp X – quang truyền thống, phương pháp chụp này có ưu điểm vượt trội như:

– Hình ảnh chính xác: LDCT giúp bác sĩ có thể phát hiện được những tổn thương nhỏ nhất trong phổi, cũng như các khối u thường quá nhỏ để xác định bằng phương pháp chụp X-quang truyền thống. Khối u khi phát hiện càng nhỏ thì khả năng lây lan của tế bào ung thư sang các cơ quan khác của cơ thể càng ít. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân có nhiều lựa chọn điều trị và cơ hội sống sót cao hơn.

– Nhanh chóng: Quá trình thực hiện từ khi bắt đầu đến khi kết thúc người bệnh chỉ mất khoảng 30 phút.

– An toàn: LDCT không gây đau và không xâm lấn đối với người bệnh. Không sử dụng thuốc cản quang, không tiêm nên không gây ra các phản ứng dị ứng. Liều bức xạ chụp thấp nên giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ, an toàn nên được khuyến cáo nên là phương pháp tốt nhất để sàng lọc, tầm soát ung thư phổi sớm.

5. Chụp cắt lớp vi tính liều thấp tầm soát ung thư phổi tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột.

Tại Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh & Thăm Dò Chức Năng BUH đã được đầu tư hệ thống chụp máy chụp CT 128 lát cắt thế hệ mới nhất được nhập khẩu từ Hà Lan với tính năng tái tạo thông minh, cho ra hình ảnh chất lượng cao, mang lại kết quả nhanh với hình ảnh chất lượng cao hỗ trợ Bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác. Máy Khi thực hiện chụp CT tại BUH người bệnh được che chắn an toàn các vùng không chụp tới. Cùng với đội ngũ Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh có nhiều năm kinh nghiệm sẽ mang đến kết quả chẩn đoán chính xác, đáp ứng yêu cầu của người bệnh và Bác sĩ điều trị.

Để được tư vấn chi tiết về gói khám tầm soát ung thư phổi, bảng giá, chi tiết danh mục và các chương trình ưu đãi mới nhất, vui lòng liên hệ hotline 1900 1147.

Trả lời