CÔNG NGHỆ LASER TRONG ĐIỀU TRỊ NÁM MÁ – CƠ CHẾ VÀ CHỌN LỰA THIẾT BỊ
Ths. BS Phạm Thành Trung (1)
(1) Đơn vị Da liễu & Thẩm mỹ da – Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột
Điều trị nám da do tăng sắc tố ở da hầu hết đều có liên quan đến melanin. Do vậy, các điều trị sắc tố đều xoay quanh việc ức chế hình thành hoặc lấy bớt melanin khỏi da. Công nghệ laser đã được sử dụng với mục tiêu là phá hủy melanin trong da một cách an toàn. Vậy cơ chế của laser trong điều trị nám má là gì?
Nội dung
- Tổng quan về cơ chế điều trị của laser
- Laser trong điều trị nám má
Tổng quan về cơ chế điều trị của laser trong điều trị nám má
Laser là gì?
Lasers (viết tắt của Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation – hay khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích) là một công nghệ ánh sáng bằng việc sử dụng buồng khuếch đại để tạo ra tia sáng với bước sóng đơn nhất mang năng lượng.
Các tính chất của tia laser
- Tính định hướng cao: tia laser phát ra hầu như là chùm song song.
- Tính đơn sắc cao: Chùm tia laser có một bước sóng duy nhất. Do vậy chùm laser không bị tán xạ khi đi qua mặt phân cách của hai môi trường có chiết suất khác nhau. Đây là tính chất đặc biệt nhất mà không nguồn sáng nào có.
- Tính đồng bộ của các photon trong chùm tia laser: Có khả năng phát xung cực ngắn: cỡ mili giây (ms), nano giây, pico giây, cho phép tập trung năng lượng tia laser cực lớn trong thời gian cực ngắn.
Cơ chế laser trong điều trị bệnh da
Hiệu quả của laser trong điều trị sắc tố dựa trên lý thuyết về Ly giải quang nhiệt có chọn lọc do Anderson và Parrish đề xuất. Nội dung của thuyết này có thể tóm gọn như sau: khi tia mang năng lượng với bước sóng cụ thể được truyền tới mô đích trong thời gian ngắn hơn thời gian thải nhiệt thì năng lượng sẽ chỉ hạn chế mở mô đích mà không làm tổn thương các mô xung quanh.
Laser trong điều trị nám má
Cụ thể hơn, trong điều trị nám má, thì mục tiêu mà điều trị cần hướng tới là melanin nằm trong các túi melanosome. Đường kính của melanosome khoảng 0,1 – 1 µm, thời gian thải nhiệt nằm trong khoảng <1 µs. Do vậy loại laser phù hợp để phá hủy melanin trong melanosome phù hợp phải có độ rộng xung là nano giây.
Mặt khác, trong da còn có các thành phần khác như nước, hemoglobin. Vậy làm thế nào tia laser có thể chỉ tác động đến melanin mà không phá hủy luôn các cấu trúc khác trong da? Điều này liên quan đến một đặc tính quan trọng của laser đó là tính đơn sắc và sự hấp thu của các thể nhiễm sắc trong da. Thể nhiễm sắc được định nghĩa là thành phần của da có thể hấp thụ một số ánh sáng nhất định. Trong da có các thể nhiễm sắc là melanin, nước, hemoglobin tồn tại ở lớp thượng bì, lớp bì. Melanin có cửa sổ hấp thụ ánh sáng nằm đâu đó trong khoảng từ 400 tới 1000 nm. Nghĩa là các ánh sáng có bước sóng này sẽ được melanin hấp thu tốt khi chiếu vào. Để chọn lọc mục tiêu điều trị riêng biệt vào sắc tố, thì việc chọn lựa loại laser mà các thể nhiễm sắc khác không hoặc ít hấp thu là điều cần thiết. Do vậy, một số thiết bị laser đã được đưa ra đáp ứng với mục tiêu này bao gồm: PDL 510 nm, QS nd:YAG 532nm, QS ruby 694 nm, QS Alexandrite 755nm và QS Nd:YAG 1064nm.
Tiếp theo, để đạt được hiệu quả điều trị thì tia laser phải xuyên qua các lớp mô của da để tới được đích là melanin trong melanosome. Trong bệnh nám má, thì melanosome có thể nằm ở thượng bì, ở bì hoặc cả hai.
Độ xuyên sâu của các tia laser khác nhau
( Nguồn: Lasers and Other Energy-Based Technologies – Principles and Skin Interactions | Plastic Surgery Key )
Kết luận
Thiết bị laser từ lâu đã được ứng dụng trong điều trị các vấn đề về da, nhưng để quá trình điều trị an toàn, hiệu quả thì cần nhà lâm sàng cần hiểu rõ bản chất, cơ chế để chọn lựa các thông số điều trị phù hợp: bước sóng, năng lượng, độ rộng xung, kích thước tia…
Tài liệu tham khảo
- Issa MCA, Tamura B (2018) Lasers, lights and other technologies. Springer
- Allemann IB, Goldberg DJ (2011) Basics in dermatological laser applications. Karger Medical and Scientific Publishers
- Raulin C, Karsai S (2011) Laser and IPL technology in dermatology and aesthetic medicine. Heidelberg: New York
- Arora P, Sarkar R, Garg VK, Arya L. Lasers for treatment of melasma and post-inflammatory hyperpigmentation. J Cutan Aesthet Surg. 2012;5(2):93-103. doi:10.4103/0974-2077.99436