DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ Ở TRẺ (CMA) – BA MẸ CHỚ CHỦ QUAN!

Dị ứng đạm sữa bò không phải là “bệnh lạ” mà rất hay gặp ở trẻ nhỏ, nếu kéo dài có thể gây thấp còi, chậm lớn, suy dinh dưỡng. Do đó, BUH sẽ giải đáp chi tiết về chứng dị ứng đạm sữa bò dưới bài viết sau để ba mẹ theo dõi và biết cách xử trí đúng.

**Theo thống kê, ước tính có khoảng 2% trẻ em< 4 tuổi bị dị ứng đạm sữa bò. Năm 2022, nước ta có 1.523.859 trẻ sơ sinh mới ra đời như vậy theo tỉ lệ nước ta sẽ có khoảng 30.000 trẻ sơ sinh mới mắc dị ứng đạm sữa bò, 1 ngày có 80 trẻ, 1 giờ có khoảng 3 trẻ mới sinh bị CMA. Đây là một tỉ lệ không hề nhỏ ở trẻ em.

1 – Dị ứng đạm sữa bò là gì?

Dị ứng đạm sữa bò loại dị ứng mẫn cảm phổ biến nhất ở trẻ khi cơ thể phản ứng miễn dịch với thành phần đạm có trong sữa bò hoặc nguồn gốc từ sữa bò (như sữa công thức, sữa chua, bánh kẹo có sữa bò,…).

Dị ứng đạm sữa bò loại dị ứng mẫn cảm phổ biến nhất ở trẻ

Dị ứng đạm sữa bò có thể xảy ra từ vài phút đến vài giờ, thậm chí là vài ngày tới vài tuần sau khi trẻ sử dụng sữa bò hoặc các loại thực phẩm có chứa sữa bò.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do hệ miễn dịch của bé nhận diện đạm sữa bò là chất có hại và phản ứng chống lại loại đạm này, gây dị ứng.

2 – Triệu chứng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ

Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ thường xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau, liên quan đến hô hấp, da và hệ tiêu hóa với mức độ từ nhẹ đến nặng tùy tình trạng sức khỏe của trẻ. Do đó, khi trẻ sử dụng sữa công thức hoặc các loại thực phẩm từ sữa bò, nếu xuất hiện các triệu chứng này ba mẹ cần đưa bé thăm khám ngay:

o Da: ngứa, nổi mề đay, viêm da dị ứng, chàm da

o Tiêu hóa: nôn ói, đau bụng, tiêu phân nhầy – máu, GERD, táo bón, tiêu chảy

o Hô hấp: khò khè, sổ mũi, ho kéo dài

o Mệt mỏi kéo dài hay đau quặn

o Sưng môi – mí mắt, chậm tăng cân, sốc phản vệ,…

Triệu chứng bé bị dị ứng đạm sữa bò

Nhiều trường hợp trẻ bị dị ứng đạm sữa bò nhưng triệu chứng không quá nặng và không điển hình nên nhiều ba mẹ vẫn còn nhầm lẫn và xử trí chưa đúng cách.

Do đó, để chẩn đoán chính xác chứng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ, các bác sĩ Khoa Nhi BUH sẽ kết hợp với 1 số xét nghiệm hỗ trợ như xét nghiệm IgE đặc hiệu với đạm sữa bò, test thử sữa. Quá trình kiểm tra cần làm tại bệnh viện nếu trẻ có phản ứng dị ứng mạnh với sữa bò.

3 – 5 sai lầm ba mẹ cần tránh khi bé bị dị ứng đạm sữa bò

3.1 Dị ứng đạm sữa bò thì đổi sang sữa dê, sữa cừu là không bị dị ứng nữa?

Chưa chắc vì sữa dê, sữa cừu cũng có thành phần đạm gần tương tự như sữa bò nên không tránh khỏi nguy cơ dị ứng tương tự sữa bò. Do đó, ba mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé thử uống các loại sữa khác.

3.2. Sữa free lactose thích hợp với bé bị dị ứng đạm sữa bò?

Điều này không đúng, vì free lactose vẫn là sữa bò nhưng chỉ loại bỏ đường lactose nên trẻ vẫn dị ứng bình thường

3.3. Cho bé kiêng ăn thịt bò để tránh dị ứng?

Đạm sữa bò và đạm thịt bò không giống nhau, do đó tình trạng trẻ bị dị ứng đạm sữa bò hoàn toàn không liên quan đến thịt bò nên ba mẹ vẫn cho bé ăn thịt bò bình thường.

3.4. Bất dung nạp lactose và dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là giống nhau?

Dị ứng đạm sữa bò và bất dung nạp đường Lactose tuy đều ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nhưng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Mức độ nghiêm trọng của dị ứng đạm sữa bò cao hơn so với bất dung nạp Lactose. Ngoài ra, khi trẻ dị ứng protein sữa bò thì còn gặp phải các triệu chứng khác trên da, hệ hô hấp và thậm chí là toàn thân trong khi bất dung nạp Lactose là chỉ phản ứng trên hệ tiêu hóa.

3.5. Bé vĩnh viễn không uống được sữa bò nếu bị dị ứng đạm sữa bò?

Đa số các trẻ CMA sẽ dung nạp lại được với sữa bò sau khoảng 12-18 tháng tuổi, trễ hơn có thể là 3 tuổi, rất hiếm kéo dài cả đời nên ba mẹ có thể an tâm rằng tương lai bé hoàn toàn có thể ăn sữa bò bình thường.

4 – Cách xử trí khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

Đối với trẻ <12 tháng tuổi: Sữa là nguồn dinh dưỡng chính và tốt nhất cho trẻ. Do đó, cách duy nhất để xử trí dị ứng đạm sữa bò là loại bỏ hoàn toàn sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò khỏi chế độ ăn.

  • Trẻ bú sữa mẹ: Mẹ cần kiêng các loại thức ăn có thành phần từ sữa bò 
  • Không có sữa mẹ: cho trẻ sử dụng sữa thủy phân hoàn toàn hoặc sữa acid amin. 

Đa số các trẻ CMA sẽ dung nạp lại được với sữa bò sau khoảng 12-18 tháng tuổi, trễ hơn có thể là 3 tuổi, rất hiếm kéo dài cả đời. Vậy nên khi trẻ đã được 1 tuổi, ba mẹ có thể cân nhắc cho bé dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng chứa đạm sữa bò. Nếu không thấy có phản ứng nào xảy ra, trẻ có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường với sữa bò và những chế phẩm từ sữa.

Ba mẹ nên cẩn thận với một số loại bánh ăn dặm không kèm bảng ghi thành phần nhưng thường được thêm sữa hoặc nấu với sữa khiến bé dị ứng

Để được tư vấn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, Quý Khách Hàng vui lòng bấm số

HOTLINE 1900 1147

Trả lời