Cầm máu mũi dai dẳng bằng kỹ thuật hiện đại “đông điện động mạch qua nội soi”
An toàn –Hiệu quả

Chảy máu mũi là một trong những cấp cứu thường gặp trong chuyên khoa Tai Mũi Họng, kể cả người lớn và trẻ em.

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi: như bệnh toàn thân (tăng huyết áp, rối loạn đông máu…), do chấn thương vùng hàm mặt, khối u…hoặc nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân gọi là chảy máu mũi tự phát. Hầu hết các trường hợp chảy máu mũi ở mức độ nhẹ và vừa, có thể tự cầm hoặc điều trị nội khoa. Tuy nhiên có một số trường hợp chảy máu mũi mức độ nặng hoặc tái phát nhiều lần nếu không xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh

Chảy máu mũi thường được chia thành chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Chảy máu mũi trước chiếm khoảng 90%, xuất phát từ đám rối Kiesselbach, thường là chảy máu một bên, dai dẳng và lượng máu chảy không nhiều. Chảy máu mũi sau chiếm khoảng 10%, liên quan đến đám rối Woodruff, mở đầu thường chảy máu cả hai bên, khối lượng nhiều và nhiều khi nguy kịch, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Các phương pháp cầm máu mũi hiện nay bao gồm:

  • Bóp chặt cánh mũi 7-10 phút.
  • Nhét bấc mũi trước hoặc mũi sau bằng Merocel hoặc Mèche.
  • Đặt bóng cửa mũi sau.
  • Can thiệp đốt điện qua nội soi.
  • Gây tắc động mạch cấp máu cho mũi bằng can thiệp mạch DSA.
  • Thắt động mạch cảnh ngoài.

Ngày nay cùng với sự phát triển của nội soi, kỹ thuật đông điện động mạch bướm khẩu cái đã chứng tỏ tính hiệu quả và an toàn vượt trội.

Đầu tháng 03/2023, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện  Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã cấp cứu thành công cho bệnh nhân (nam, 68 tuổi) vào viện với tình trạng chảy máu mũi mức độ nặng trên nền bệnh lý tăng huyết áp, tiền căn chảy máu mũi vừa và nặng nhiều đợt. Bệnh nhân đã được can thiệp nhét Mèche cầm máu nhiều lần ở các bệnh viện lân cận. Tại BUH sau khi thăm khám, BSCK2. Nguyễn Hữu Diệu – Trưởng Khoa Tai Mũi Họng quyết định can thiệp đốt động mạch qua nội soi để cầm máu mũi dưới gây mê cho bệnh nhân. Sau can thiệp, bệnh nhân đã được đông điện điểm chảy máu và phối hợp với chuyên khoa tim mạch để kiểm soát huyết áp. Theo dõi sau 1 tháng, đến nay bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và không chảy máu tái phát.

 BSCK2. Nguyễn Hữu Diệu đưa ra khuyến cáo cho bệnh nhân: “Chảy máu mũi thường là triệu chứng của 1 hoặc vài bệnh, do đó bệnh nhân nếu có chảy máu mũi cần được thăm khám và tầm soát kỹ các bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp, rối loạn đông máu, các khối u tại chỗ của mũi xoang… Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ chảy máu mũi mà bác sĩ sẽ quyết định áp dụng biện pháp can thiệp phù hợp. Trong đó, cầm máu mũi bằng Merocel và thắt đốt động mạch bướm khẩu cái qua nội soi là biện pháp can thiệp nhẹ nhàng và mang lại hiệu quả tích cực.

Trả lời