Hội thảo khoa học chủ đề “Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý nhân tuyến giáp” ngày 07/08/2022

Với mong muốn nâng cao hiệu quả trong việc điều trị toàn diện bệnh lý nhân tuyến giáp, đồng thời cập nhật kinh nghiệm về kỹ thuật đốt sóng cao tần (RFA), ngày 7/8/2022, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý nhân tuyến giáp” với sự tham gia của các bác sĩ – chuyên gia đầu ngành về bệnh lý nhân tuyến giáp đến từ: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh; Cùng các bác sĩ BUH và các bác sĩ đến từ các cơ sở y tế trong khu vực.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bác sĩ BUH

Bệnh lý nhân tuyến giáp chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong dân số. Phương pháp điều trị thông thường là điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây trên thế giới và các bệnh viện lớn trong nước bắt đầu ứng dụng kỹ thuật đốt nhân tuyến giáp bằng sóng cao tần. Đốt sóng cao tần (RFA) là giải pháp công nghệ cao điều trị u lành tuyến giáp, kỹ thuật này được đánh giá có nhiều ưu điểm như: Bảo tồn tối đa chức năng tuyến giáp; Chỉ gây tê tại chỗ, không cần phải gây mê; Bệnh nhân có thể giao tiếp với bác sĩ trong quá trình làm thủ thuật; Không để lại sẹo do không xâm lấn, rạch mổ; Bảo tồn được phần tuyến giáp lành tính, không gây suy giáp; Tỷ lệ biến chứng rất ít, không đau và hiệu quả điều trị cao. 

Trong bài phát biểu khai mạc, BS.CKII Võ Minh Thành – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã tóm tắt hoạt động và thành tích nghiên cứu khoa học của Bệnh viện, đồng thời chia sẻ các thông tin chuyên môn trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giữa các Bệnh viện.

BS CKII Võ Minh Thành - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột

Sau bài phát biểu khai mạc, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) đã mở đầu báo cáo khoa học thông qua nội dung: “Tổng quan bệnh lý nhân giáp trên siêu âm” với phần trình bày của BS.CKI. Sơn Parắchh – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh & Thăm dò chức năng BUH. Trong đó, nhấn mạnh về nội dung những bệnh lý về tuyến giáp thường rất khó nhận biết và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chính vì vậy, việc áp dụng phương pháp siêu âm sẽ cho chúng ta thấy rõ được hình ảnh của tuyến giáp, giúp phát hiện những điều bất thường có thể xảy ra. 

BS.CKI. Sơn Parắchh – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh & Thăm dò chức năng BUH

Hội thảo cũng được lắng nghe BS.CKI. Từ Ngọc Hiếu – BS Đơn vị Ung Bướu Khoa Ngoại Tổng Hợp – BUH trình bày nội dung về “Tổng quan bệnh lý nhân giáp và các phương pháp điều trị”. Trong khuôn khổ bài báo cáo của mình, BS.CKI. Từ Ngọc Hiếu đã trình bày xoay quanh các nội dung về định nghĩa, phân loại, chẩn đoán và phương pháp điều trị nhân giáp lành tính. Theo đó, BS nhấn mạnh: Với nhân giáp – nang giáp lành tính thường được theo dõi mà không cần phẫu thuật, có thể được điều trị bằng tiêm cồn hoặc đốt bằng sóng cao tần, vi sóng, Laser. Trường hợp ác tính, bao gồm: Ung thư tuyến giáp thể nhú, dạng nang, thể tủy, ung thư tuyến giáp không biệt hoá nên được phẫu thuật. Ngoài ra, tùy vào từng ca bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân.

Cũng trong khuôn khổ của chương trình, Hội thảo đã được lắng nghe nội dung “Tổng quan điều trị nhân giáp lành tính bằng sóng cao tần RFA” của báo cáo viên BSCKI. Nguyễn Khắc Hoàng – Trưởng đơn vị điện quang can thiệp – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Chủ đề do BSCKI. Nguyễn Khắc Hoàng trình bày đi vào các nội dung chính như: Cơ chế hoạt động đốt sóng cao tần (RFA); Các trường hợp chỉ định, chống chỉ định sử dụng kỹ thuật đốt sóng cao tần tuyến giáp RFA; Hệ thống các trang thiết bị hiện đại; Quy trình điều trị u tuyến giáp bằng sóng cao tần; Hiệu quả và các biến chứng có thể xảy ra sau khi thực hiện liệu pháp điều trị nhân giáp lành tính bằng sóng cao tần RFA.

BS.CKII. Nguyễn Vĩnh Thịnh – Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh khép lại chương trình lý thuyết của Hội thảo với bài báo cáo “Hiệu quả và chia sẻ kinh nghiệm điều trị nhân giáp tại Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM”. Đây là cơ hội để mỗi đơn vị bạn học hỏi, lĩnh hội, kế thừa các kiến thức bổ ích, kỹ thuật mới nhằm áp dụng vào thực tiễn khám chữa bệnh ngày càng hiệu quả.

Bốn chuyên đề được các báo cáo viên báo cáo có ý nghĩa cao trong nghiên cứu khoa học. Sau các phần trình bày, Hội thảo đã có những thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến đóng góp, bàn luận, chia sẻ đã được các thành viên tham dự đưa ra. Hội thảo cũng nhận được nhiều nhận xét tích cực cũng như được đánh giá thành công, qua đó góp phần nâng cao kiến thức khoa học cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ bác sĩ BUH nói riêng và đội ngũ bác sĩ trong lĩnh vực điều trị tuyến giáp trong khu vực nói chung.

Sau phần trình bày, báo cáo của các báo cáo viên, các bác sĩ BUH cùng các chuyên gia Bệnh viện 108 và Bệnh viện Ung bướu Tp. HCM đã trực tiếp thực hiện kỹ thuật đốt sóng cao tần (RFA) cho 04 bệnh nhân có nhân giáp lành tính lớn. Các bệnh nhân được giải thích kỹ về phương pháp điều trị và theo dõi sau điều trị. Kỹ thuật được thực hiện thành công trong thời gian ngắn, các bệnh nhân đều ổn định và được ra về trong ngày.

Thông qua hội thảo này, kỹ thuật đốt sóng cao tần (RFA) sẽ được triển khai rộng rãi nhằm hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh lý nhân tuyến giáp cho người dân trong khu vực. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp người bệnh được hưởng các kỹ thuật điều trị hiện đại với chi phí hợp lý, mang đến đến nhiều giá trị sức khỏe và lợi ích toàn diện cho người dân./.



Trả lời