NỘI SOI GÂY MÊ CẮT POLYP ĐẠI TRÀNG CHO BÉ GÁI 3 TUỔI 

 Loại bỏ nguyên nhân gây đại tiện ra máu suốt 3 tháng

🔹 Polyp đại tràng là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, một trong những triệu chứng điển hình của bệnh là gây đại tiện ra máu dù trẻ không bị táo bón. Phần lớn polyp đại tràng là lành tính nhưng nếu không loại bỏ kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như: mất máu, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể tiến triển thành ung thư…  Vừa qua, ekip các bác sĩ Nội soi Khoa CĐHA & TDCN cùng BS Khoa Gây mê hồi sức đã phối hợp nội soi gây mê cắt polyp đại tràng cho bệnh nhi 3 tuổi an toàn, triệt để; điều trị dứt điểm tình trạng đau đớn do đại tiện ra máu kéo dài.

— TÌNH TRẠNG: Bệnh nhân H.N.K (bé gái, 3 tuổi, Đắk Nông) có triệu chứng đại tiện ra máu hơn 3 tháng. BN được người nhà đưa đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Tại BUH, BN được thăm khám và chỉ định nội soi, cho thấy: đại tràng xuống có 1 polyp có cuống, kích thước khoảng 3cm.

— ĐIỀU TRỊ: Sau khi hội chẩn và đánh giá kỹ lưỡng tình hình người bệnh và các nguy cơ, các bác sĩ nội soi đã chỉ định tiến hành cắt polyp dưới gây mê, điều trị dứt điểm tình trạng của BN.

Polyp đại tràng đã được cắt bỏ hoàn toàn

🔸 Ths.BS.CKI Nguyễn Đức Vượng – Phó trưởng Khoa CĐHA & TDCN BUH cho biết: 

“Đối với các bệnh nhi còn nhỏ tuổi, tổ chức đại tràng của trẻ còn non nớt nên quá trình đặt hệ thống nội soi và cắt bỏ polyp cần được thực hiện hết sức tỉ mỉ và cẩn trọng trong từng thao tác.”

 

— KẾT QUẢ:  Dưới sự phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng của ekip các bác sĩ nội soi và các bác sĩ gây mê hồi sức, cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại, ca can thiệp diễn ra thuận lợi trong 20 phút. Toàn bộ polyp ở vị trí đại tràng được loại bỏ và cầm máu an toàn cho bệnh nhi. 

 

🔹 BS CK1. Đặng Thế Thành – Trưởng Khoa Gây mê hồi sức có chia sẻ về vấn đề gây mê ở trẻ em như sau: “Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ mà có rất nhiều sự khác biệt về sinh lý nhất là về tim, phổi, thần kinh và chuyển hóa. Vậy nên để thực hiện gây mê cho trẻ em đòi hỏi các bác sĩ gây mê được đào tạo, nắm rõ và có kinh nghiệm thực hành nhiều năm mới được thực hiện. Các nguy cơ: nôn ói, hít sặc do trào ngược dạ dày thực quản, co thắt thanh khí phế quản, suy hô hấp, thiếu oxy máu rất hay xảy ra cho trẻ em cả trong và sau khi gây mê.”

Bé được nằm theo dõi tại Bệnh viện 1 ngày, sau đó được về nhà và hẹn tái khám sau đó. Được biết, sau khi polyp đại tràng đã được cắt, hầu hết trẻ không còn triệu chứng đi ngoài ra máu nữa, chỉ một số rất ít khả năng polyp có thể tái phát.

BSCK1. Đặng Thế Thành – Trưởng Khoa Gây mê hồi sức và Ths.BS.CKI Nguyễn Đức Vượng – Phó trưởng Khoa CĐHA & TDCN sau ca can thiệp cắt polyp thành công

 

— KHUYẾN NGHỊ

Biểu hiện lâm sàng nổi bật của polyp đại tràng bao gồm:

  • Đi ngoài ra máu tươi hoặc có máu lẫn trong phân dù không bị táo bón.

  • Đau quặn bụng hoặc gây tắc ruột.

  • Có thể bị tiêu chảy, phân nước ồ ạt, dẫn tới hạ kali máu.

  • Trẻ có dấu hiệu mất máu nhiều: Da tái xanh, lòng bàn tay nhợt nhạt, niêm mạc nhợt nhạt,…

  • Polyp cũng có thể sa lồi ra ngoài khi polyp ở vị trí thấp gây cảm giác đau rát cho bệnh nhân.

 

🔸 Các biểu hiện trên thường kéo dài liên tục vài tháng đến hàng năm, gây nhiều đau đớn và bất tiện cho trẻ trong sinh hoạt hằng ngày. Phần lớn các polyp đại tràng ở trẻ em thường lành tính. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các polyp sẽ phát triển lớn dần, gây rối loạn tiêu hóa, chảy máu tiêu hóa hay thậm chí là ung thư hóa… Do đó, khi trẻ có biểu hiện đau bụng, thay đổi thói quen đi ngoài, đại tiện ra máu,… cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế đủ điều kiện để thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Trả lời