PHÁT HIỆN Ổ GIUN KIM KHI NỘI SOI ĐẠI TRỰC TRÀNG TẠI BUH
Giun kim (Enterobius vermicularis) là loại giun đường ruột phổ biến, thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng có thể phòng tránh được. Mỗi người cần nắm rõ được nguyên nhân, triệu chứng để chủ động phòng tránh bệnh giun kim.
Nguyên nhân và phương thức lây truyền bệnh giun kim
Bệnh giun kim là do nhiễm ký sinh trùng giun kim (tên khoa học là Enterobius vermicularis).
Hình thái: Giun kim có màu trắng sữa, đầu hơi phình và vỏ có khía. Miệng có 3 môi, những môi này có thể thụt vào trong miệng. Giun đực dài khoảng 2-5mm, đuôi cong và có gai sinh dục dài khoảng 70 mm. Giun cái dài 9 – 12 mm, đuôi dài và nhọn, hậu môn của giun kim cái cách mút đuôi khoảng 2 mm.
Các phương thức lây truyền bệnh giun kim
- Qua đường ăn uống: Vô tình nuốt hoặc hít phải trứng giun kim; Do dùng tay gãi hậu môn có chứa trứng giun kim sau đó cầm thức ăn hoặc mút tay ở trẻ nhỏ. Khi nuốt phải trứng giun có ấu trùng vào dạ dày, ấu trùng thoát vỏ, di chuyển đến manh tràng và thành giun trưởng thành sau 2 – 4 tuần.
- Đường truyền nhiễm khác: Trứng giun kim sau khi sinh và phát triển thành ấu trùng giun kim ở nếp hậu môn thì ngược lên manh tràng phát triển thành giun trưởng thành và tiếp tục gây bệnh, trường hợp này hiếm hơn.
Giun kim trưởng thành gặp chủ yếu ở ruột non, sau đó chúng xuống ruột già (đại tràng). Giun cái có thể đẻ 4.000 – 200.000 trứng, và sẽ chết sau khi đẻ trứng. Trứng đẻ ra sau vài giờ, nếu gặp điều kiện thuận lợi thì ấu trùng của giun kim cũng được hình thành tại các nếp nhăn của hậu môn. Vì vậy, người có giun kim đang đẻ rất dễ bị tái nhiễm, nhất là do tay nhiễm ấu trùng giun rồi lây nhiễm vào đũa, bát, dụng cụ ăn uống hoặc thức ăn.
Triệu chứng và cách điều trị bệnh giun kim
Những triệu chứng khi nhiễm giun kim thường gặp như:
– Ngứa vùng hậu môn hoặc âm đạo
– Mất ngủ, khó chịu và bồn chồn
– Thỉnh thoảng đau bụng và buồn nôn
Trẻ em bị nhiễm giun kim thường ngứa và gãi hậu môn về đêm, quấy khóc về đêm; quan sát bằng mắt thường có thể thấy giun kim cái ở rìa hậu môn. Khi trẻ đại tiện phân rắn có thể thấy giun kim cái bám ở rìa khuôn phân. Giun kim có thể chui vào âm đạo gây viêm âm đạo hoặc rối loạn kinh nguyệt. Giun kim có thể chui vào ruột thừa và nếu bị bội nhiễm sẽ gây viêm ruột thừa.
Hiện nay, để điều trị, thông dụng là dùng thuốc tẩy giun. Nếu tập thể bị nhiễm cao phải điều trị hàng loạt để tránh tái nhiễm. Bệnh nhân cần được khám, xét nghiệm để có chỉ định dùng thuốc thích hợp. Người dân nên tẩy giun và khám sức khỏe định kỳ 3 – 6 tháng 1 lần. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đi khám bệnh sớm tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa nhiễm giun kim
Các biện pháp phòng ngừa giun kim theo Cục Y Tế Dự Phòng – Bộ Y Tế bao gồm:
- Nâng cao ý thức vệ sinh bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu và quần áo trẻ em.
- Thực hiện ăn chín uống sôi.
- Vệ sinh cá nhân tốt như cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Không để trẻ mặc quần hở đũng, rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng.
- Những đối tượng có nguy cơ cao cần tẩy giun định, nhất là cho trẻ em độ tuổi từ 2-12, tẩy giun 2 lần/ năm.
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột tiếp nhận bệnh nhân nam 35 tuổi đến khám với lý do đau bụng, đi cầu lỏng nhiều lần, khó chịu vùng hậu môn. Tại Đơn vị Nội soi, bệnh nhân được các bác sĩ thực hiện nội soi đại trực tràng bằng ống mềm (có gây mê) để tìm nguyên nhân. Trên hình ảnh nội soi, các bác sĩ phát hiện rất nhiều giun kim trong đại trực tràng, đây chính là nguyên nhân gây các triệu chứng trên của người bệnh.
Theo các bác sĩ, người dân nên lưu ý tẩy giun 2 lần/năm theo khuyến nghị của Cục Y Tế Dự Phòng – Bộ Y Tế và khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đi khám bệnh sớm tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để được tư vấn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, Quý Khách Hàng vui lòng bấm số HOTLINE 1900 1147