TIÊM PHÒNG UỐN VÁN KHI MANG THAI
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tử vong ở những người mắc uốn ván lên đến 90%. Con số này cao hơn đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván quá vết thương hở ngoài da, khi chuyển dạ sinh nở hoặc lúc trẻ sơ sinh được cắt dây rốn…
1. Khái niệm về uốn ván
Uốn ván là một bệnh cấp tính do bào tử của vi khuẩn có tên Clostridium Tetani gây ra. Bào tử có ở khắp mọi nơi trong môi trường, đặc biệt là trong đất, tro, đường ruột hoặc phân của động vật và con người, các dụng cụ bị rỉ sét như kim, đinh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ.
Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là các cơn co cứng cơ, kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân. Theo các chuyên gia y tế, uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao.
2. Uốn ván ảnh hưởng như thế nào đến trẻ sơ sinh và mẹ bầu?
Trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh uốn ván do các nguyên nhân sau đây: do dụng cụ cắt rốn không đảm bảo vô trùng; do tay người đỡ đẻ không vô khuẩn; do băng gạc không vô trùng; do vi trùng xâm nhập qua vết cắt rốn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván.
Đối với mẹ bầu, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở theo đường sinh dục và gây uốn ván tử cung.
3. Các biện pháp phòng bệnh Uốn ván sơ sinh và mẹ bầu
Tiêm phòng vắc-xin uốn ván là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván cho trẻ sơ sinh và cho mẹ. Sau khi tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ cho trẻ không bị mắc uốn ván sơ sinh, đồng thời cũng bảo vệ cho chính mẹ bầu trong quá trình sinh để không bị mắc uốn ván.
Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng có hiệu quả để ngăn ngừa bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh và mẹ bầu bao gồm: khi sinh con cần đến cơ sở y tế, nợ có phòng sinh và dụng cụ tiệt trùng, tránh nhiễm khuẩn gây bệnh cho mẹ và bé, sau sinh cần chăm sóc rốn cho trẻ đảm bảo vệ sinh, loại trừ một số tập quán, thói quan sinh đẻ phản khoa học; phụ nữ có thai cần thăm khám và theo dõi để được tư vấn tiêm vắc xin tại các cơ sở y tế theo lịch trình như sau:
Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi):
- Tiêm 3 mũi uốn ván, cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng.
Phụ nữ mang thai:
- Tiêm 2 mũi uốn ván, cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Mũi 2 tiêm trước khi sinh 1 tháng.
Mang thai lần sau:
- Tiêm nhắc 1 mũi uốn ván trước khi sinh 1 tháng.
Uốn ván rất nguy hiểm, gây tử vong với tỷ lệ cao, nhất là đối với trẻ em. Nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, nhằm bảo vệ mẹ và bé trong suốt hành trình mang thai. Hy vọng qua các thông tin từ IVFMD Buôn Ma Thuột cung cấp sẽ giúp bạn hiểu thêm về việc tiêm phòng uốn ván.