VITAMIN E CÓ THỂ GÂY XUẤT HUYẾT KHÔNG?

Trung tâm giám sát phản ứng có hại (The Centre for Adverse Reactions Monitoring – CARM) của New Zealand đã nhận được một báo cáo về độc tính của vitamin E. Một bệnh nhân dễ bị bầm tím hơn sau khi sử dụng thực phẩm chức năng chứa vitamin E hàm lượng cao.

Vitamin E

Vitamin E là chất chống oxy hóa tan trong dầu. Hoat chất này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các acid béo không no khỏi sự oxy hóa của các gốc tự do. Cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp vitamin E mà cần bổ sung từ chế độ ăn uống, chủ yếu là từ chất béo và dầu thực vật. Dầu ô liu và dầu hướng dương có chứa hàm lượng cao alpha-tocopherol – dạng có hoạt tính sinh học chính của vitamin E.

Lượng vitamin E (alpha-tocopherol) được khuyến nghị cho người trưởng thành ở New Zealand là 10 mg/ngày đối với nam giới và 7 mg/ngày đối với nữ giới. Theo Dịch vụ y tế Quốc gia của Anh (NHS), khuyến nghị lượng vitamin E cần thiết mỗi ngày là: 4 mg/ngày cho nam giới và 3 mg/ngày cho nữ giới.

Xuất huyết

Có nhiều cơ chế hợp lý về mặt sinh học cho thấy vitamin E có thể gây xuất huyết:

  • Tocopheryl quinon – dạng oxy hóa của alpha-tocopherol – có hoạt tính chống đông máu, gây xuất huyết thông qua việc cản trở sự chuyển hóa vitamin K.
  • Vitamin E cũng có thể gây ức chế kết tập tiểu cầu.
  • Tuy nhiên, chưa có đầy đủ thông tin chứng minh hàm lượng vitamin E cao gây xuất huyết và ý nghĩa lâm sàng của hàm lượng vitamin E cao cũng chưa được biết rõ.
  • Trong báo cáo được đề cập ở trên, lượng vitamin E có trong sản phẩm cao gấp khoảng 30 lần so với liều dùng được khuyến cáo. Biến cố xảy ra sau khi sử dụng sản phẩm, do đó có mối liên quan về mặt thời gian dùng thuốc và biến cố bất lợi.
  • Vì vậy, cần xem xét mối liên quan giữa nguy cơ xuất huyết và vitamin E, tránh sử dụng vitamin E trên những người bệnh có nguy cơ cao. Ghi nhận và báo cáo các phản ứng có hại của thuốc.

Lời khuyên từ các chuyên gia:

Có thể bổ sung vitamin E cần thiết từ chế độ ăn uống hàng ngày từ dầu thực vật như hạt cải, hướng dương, đậu nành, ngô và dầu ô liu các loại hạt và ngũ cốc. Nếu cần thiết phải bổ sung vitamin E, liều lượng khuyến cáo là tối đa 1000 mg/ngày.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Pazirandeh S, Burns DL. 2020. Overview of vitamin E. In: UpToDate 28 October 2020, truy xuất từ: https://www.uptodate.com/contents/overview-of-vitamin-e

[2]. Health Navigator New Zealand. 2021. “Role of vitamins”, truy xuất từ: https://www.healthnavigator.org.nz/healthy-living/r/role-of-vitamins/

[3]. Australian Government National Health and Medical Research Council and New Zealand Ministry of Health. (2014) “Nutrient Reference Values for Australia and New Zealand”, truy xuất từ: www.nrv.gov.au/nutrients/vitamin-e

[4]. Schurks M, Glynn RJ, Rist PM, et al. 2010. Effects of vitamin E on stroke subtypes: meta- analysis of randomised controlled trials. BMJ 341: c5702. DOI: 10.1136/bmj.c5702.

[5]. NHS, “Vitamin E”, truy xuất từ: https://www.nhs.uk/conditions/vitamins-and- minerals/vitamin-e/

[6]. Oregon State University, “Vitamin E”, truy xuất từ: https://lpi.oregonstate.edu/mic/vitamins/vitamin-E#safety

Để lại một bình luận