BƯỚU CỔ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

I. ĐỊNH NGHĨA:

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, và lớn nhất trong cơ thể. Tuyến này nằm phía trước cổ, lượng khoảng 20-25 gram, hình dạng như con bướm, ngang hàng với các đốt xương sống C5 – T1, phía trước có lớp da và cơ thịt, phía sau giáp với khí quản. Tuyến giáp có 2 thùy (thùy phải và thùy trái), mỗi thùy áp vào mặt trước bên của sụn giáp và phần trên khí quản, và 1 eo tuyến nối 2 thùy với nhau. Nhiệm vụ là sản xuất hormon giáp để đưa vào máu và đến các cơ quan trong cơ thể.
Nếu tuyến giáp có kích thước bình thường hoặc to nhẹ thì chúng ta nhìn hoặc sờ không thấy.
Bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp có biểu hiện rất điển hình là có khối lồi lên ở vùng cổ do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp.
Bướu cổ được chia làm ba nhóm là: bướu cổ lành tính, ung thư và rối loạn chức năng nội tiết tuyến giáp. Trong đó bướu cổ lành tính là hay gặp nhất chiếm 80% các trường hợp.
Bướu cổ lành tính là các trường hợp tuyến giáp tăng lên về kích thước mà không gây ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Do đó các trường hợp bướu cổ lành tính hầu như không phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên khi bướu quá lớn gây nuốt vướng nuốt khó, khó thở và lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ thì có thể phẫu thuật cắt bướu.

II. NGUYÊN NHÂN BƯỚU CỔ:

Nguyên nhân bướu cổ chia làm 3 nhóm chính:
1. Cơ thể thiếu iod, có thể do cung cấp thiếu hoặc do nhu cầu iod của cơ thể tăng cao.
2. Do dùng thuốc và đồ ăn: các thuốc chứa muối lithi được sử dụng trong chuyên khoa tâm thần, thuốc điều trị hen, thuốc thấp khớp… Một số đồ ăn như măng, rau cải, nguồn nước có độ cứng cao đều có ảnh hưởng đến sự tổng hợp hooc-môn  tuyến giáp và gây bướu cổ.
3. Một số rối loạn hoạt động tuyến giáp bẩm sinh có tính chất gia đình.

III. TRIỆU CHỨNG CỦA BƯỚU CỔ

Tùy từng loại bướu khác nhau mà triệu chứng bướu cổ có thể chỉ có các dấu hiệu tại chỗ hoặc có các biểu hiện tại chỗ kèm theo các dấu hiệu toàn thân khác.
1. Dấu hiệu toàn thân có thể có trong bệnh bướu cổ:
–  Mệt mỏi, căng thẳng, giảm trí nhớ, khô da, thường xuyên bị lạnh.
–  Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, hay đổ mồ hôi, gầy sút cân.
–  Lồi mắt.
–  Thay đổi giọng nói, thường gặp là khàn giọng.

2. Có khối ở cổ, dấu hiệu tại chỗ phụ thuộc vào kích thước của bướu. Khi bướu nhỏ hầu như người bệnh không có cảm nhận gì, khi bướu lớn gây chèn ép các thành phần gần tuyến giáp như khí quản, thực quản, các dây thần kinh thì có thể có các biểu hiện sau:
–  Cảm giác cổ họng luôn bị vướng hoặc đau cổ họng.
–  Nuốt khó, nuốt đau.
–  Khó thở, thường gặp ở tư thế nằm.
–  Hay ho và nghẹn.
–  Thở dốc.

IV. TRƯỜNG HỢP NÀO CẦN PHẪU THUẬT TUYẾN GIÁP?

1. Chỉ định cần mổ tuyến giáp:

1. Có nhân giáp có khả năng là ung thư
2. Ung thư tuyến giáp
3. Có nhân giáp hay phình giáp tại chỗ ( khó thở, khó nuốt), ảnh hưởng đến thẩm mỹ
4. Có phình giáp hay nhân giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp dẫn đến cường giáp

2. Chống chỉ định:

Người bệnh quá già yếu, u to xâm lấn vào thực quản, khí quản, không còn khả năng cắt toàn bộ tuyến giáp. Người bệnh suy tim, suy thận nặng không có khả năng chịu được phẫu thuật lớn. Phụ nữ có thai hoặc đang nghi ngờ có thai.

V. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI PHẪU THUẬT TUYẾN GIÁP:

Có hai dạng phẫu thuật tuyến giáp: Cắt thuỳ giáp bán phần hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp.
Chi phí dự kiến dao động khoảng dưới 7 triệu đối với bệnh nhân có BHYT (Bao gồm phí khám, xét nghiệm, các vật tư y tế tiêu hao, phí phẫu thuật, thuốc các loại, phí nằm viện và một số chi phí khác). Thời gian xuất viện thường 1 – 3 ngày sau mổ.

1. Các đánh giá trước phẫu thuật:

  • Hỏi bệnh và thăm khám
  • Đánh giá tim, phổi (đo điện tim, chụp xquang phổi)
  • Một số xét nghiệm khác tuỳ từng người bệnh (FNA..)
  • Nội soi thanh quản
  • Xét nghiệm máu

2. Các nguy cơ của phẫu thuật:

  • Chảy máu trong những giờ đầu có thể dẫn đến suy hô hấp cấp
  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương dây thần kinh quặt ngược gây khàn giọng tạm thời hay vĩnh viễn
  • Suy cận giáp và hạ canxi tạm thời hay vĩnh viễn

3. Những điều cần chuẩn bị trước phẫu thuật:

– Cởi bỏ tư trang người bệnh, tháo răng giả là yêu cầu tuyệt đối vì răng giả gây trở ngại trong việc đặt nội khí quản, gãy hay sứt răng giả gây dị vật đường thở nếu răng rớt vào khí quản.
– Vệ sinh vùng cổ tốt nhất với xà phòng sát khuẩn
– Tâm lí trước mổ: để tránh người bệnh (NB) lo âu, căng thẳng. Tạo điều kiện cho NB gặp gỡ người nhà, khuyên NB ngủ sớm, có thể thực hiện thuốc an thần cho NB đêm trước mổ.
– Ăn uống: Chiều trước mổ ăn nhẹ loãng, tối trước mổ nhịn ăn hoàn toàn, thường nhịn ăn tối thiểu 6h trước mổ, ngưng uống nước tối thiểu trước 2h. Sáng hôm sau thực hiện truyền dịch cho NB trước mổ theo chỉ định của bác sĩ.

4. Những điều cần lưu ý sau phẫu thuật:

– Ngay sau khi phẫu thuật xong, NB sẽ được chuyển ra phòng hồi tỉnh theo dõi. NB sẽ được rút ống nội khí quản sau khi tỉnh mê. Điều dưỡng theo dõi sát NB bằng hệ thống máy monitor. Sau khi ổn định NB sẽ được bác sĩ đánh giá và chuyển về khoa điều trị.
– Khi NB tỉnh hẳn: Điều dưỡng sẽ thông báo cho NB thời gian NB mổ xong. Các triệu chứng có thể gặp sau gây mê như đau vết mổ, buồn nôn, khó thở, chóng mặt khi thay đổi tư thế. Vấn đề thay đổi giọng nói là triệu chứng thường gặp sau phẫu thuật, sẽ hồi phục trong vòng 2- 4 tuần.
– Tại khoa điều trị, mỗi ngày bác sĩ thăm khám và giải thích về tình trạng bệnh. NB được theo dõi và điều trị 1 – 3 ngày nếu tình trạng ổn định có thể xuất viện.
– Trong khi nằm điều trị tại khoa. Điều dưỡng sẽ thông báo và giải thích cho NB khi thực hiện các thủ thuật chuyên môn như tiêm truyền thuốc, thay băng vết mổ…
– Vết mổ thông thường sẽ được may thẩm mỹ . Vết mổ sẽ được chỉ định thay băng khi thấm dịch hoặc sau mổ 48h (nếu không thấm dịch). NB không được tự ý sờ chạm vào vết mổ và mở băng vết mổ. Nếu thấy có triệu chứng bất thường như dịch thấm băng nhiều, vết mổ sưng, nóng, đỏ, đau, sốt, khó thở báo liền với nhân viên y tế.
– NB có ống dẫn lưu sau mổ chú ý không nằm đè cấn lên ống dẫn lưu, không tự ý gập ống, quan sát nếu dịch dẫn lưu ra màu đỏ tươi lượng nhiều nên báo liền cho nhân viên y tế. Ống dẫn lưu (nếu hết dịch) sẽ được rút sau 48 – 72h sau mổ.

5. Vận động sớm sau mổ:

– Tầm quan trọng của vận động sớm sau mổ giúp phục hồi nhu động ruột, phòng ngừa các biến chứng như: viêm phổi, loét tỳ đè, teo cơ cứng khớp… rút ngắn thời gian phục hồi và giảm được chi phí nằm viện.
– Tập vận động tại giường. NB được hướng dẫn nằm tư thế semi – fowler giúp NB dễ thở. Sau mổ 6h hoặc hết chóng mặt, xoay cổ nhẹ nhàng, từ từ, có thể gập cổ, nghiêng trái, nghiêng phải (các bài tập cổ sau phẫu thuật tuyến giáp). Hướng dẫn NB hít thở sâu, tập ho nhẹ nhàng, vận động tay chân. Tập ngồi dậy khi NB ổn định.
– Hướng dẫn phòng ngừa té ngã: Kéo thanh chắn giường, để các vật dụng cần thiết trong tầm tay của NB. Hỗ trợ NB nếu họ cần sự trợ giúp. Môi trường đảm bảo an toàn, sạch sẽ, sàn nhà khô, NB mang dép có độ bám cao…
– Khuyến khích NB vệ sinh cá nhân thường xuyên, thay drap giường, đồ BN khi bẩn, ướt…
– Nghỉ ngơi: NB nằm tư thế thoải mái hoặc tư thế cảm thấy giảm đau khi ngủ, tạo môi trường thoải mái yên tĩnh. Người nhà bên cạch giúp cho BN an tâm, đỡ lo lắng. Hạn chế các kỹ thuật chăm sóc, thăm khám vào giờ nghỉ ngơi…

6. Dinh dưỡng sau mổ tuyến giáp:

* Ngày đầu sau mổ:
– NB nhịn ăn hoàn toàn trong 4h đầu sau mổ vì vấn đề buồn nôn, nôn, nguy cơ hít sặc cao do ảnh hưởng của thuốc mê sau phẫu thuật
– NB được truyền dịch (nước và điện giải) qua đường truyền tĩnh mạch.
– Khi NB không còn cảm giác buồn nôn cho NB uống nước, ăn những thực phẩm mềm, lỏng như cháo, súp, tránh ăn thức ăn còn nóng.
* Những ngày tiếp theo: BN có thể ăn uống trở lại bình thường theo nhu cầu của NB và theo y lệnh của bác sĩ. NB cần ăn chậm, nhai kỹ để dễ nuốt, tránh bị sặc.
Nên ăn các loại thực phẩm bổ sung thêm vitamin (các loại trái cây, rau củ,…), các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, hạt bí ngô,… Ngoài ra còn có quả hạch Brazil không chỉ là nguồn cung cấp sắt dồi dào mà còn chứa hàm lượng selen khá cao, các loại rau củ đậm màu (Rau bina, rau diếp,…) là nguồn cung cấp magiê tuyệt vời, đây là loại khoáng chất rất tốt cho cơ thể giúp cơ thể tránh mệt mỏi, chuột rút cơ bắp và giúp ổn định nhịp tim. Các thực phẩm thích hợp khác có thể kể đến như: Cá, tôm, rong biển…

*** Một số dấu hiệu cần lưu ý sau mổ cắt tuyến giáp:

Dấu hiệu hạ canxi: Hướng dẫn người nhà và người bệnh quan sát các dấu hiệu như tê bì chân tay, chuột rút, tê các đầu ngón tay, chân, đau cơ bắp xảy ra bất kỳ lúc nào, nằm, ngồi, đi, đứng, ngày  hay đêm. Hoa mắt, chóng mặt, co giật, rối loạn nhịp tim, rối loạn giấc ngủ.
Dấu hiệu suy giáp sau mổ: NB mệt mỏi nhiều, khan tiếng nhiều, sợ lạnh, da khô, táo bón, tăng cân,  phù niêm mạc toàn thể, nhịp tim chậm, vận động chậm, giảm trí nhớ…

V. CÁC BÀI TẬP CỔ SAU PHẪU THUẬT:

Các bài tập cổ sau mổ tuyến giáp

Các bài tập cổ sau khi phẫu thuật tuyến giáp này có thể tăng sự thoải mái và khả năng vận động của BN. Làm giảm bớt cảm giác căng, khó chịu tại vết mổ. Có thể lặp lại bài tập này 10 lần và thực hiện nhiều lần mỗi ngày. 

 BT1. Gập và ngửa cổ:

  • Giữ thẳng đầu ở vị trí trung tâm
  • Ngửa đầu lên trên
  • Trở lại vị trí trung tâm
  • Gập đầu xuống dưới
  • Trở lại vị trí trung tâm 

BT2. Nghiêng cổ:

  • Giữ thẳng đầu ở vị trí trung tâm
  • Đặt tay trái lên tai phải của bạn
  • Nghiêng đầu sang trái, cố gắng để tai chạm vào vai bên kia. Giữ nguyên cổ khi nghiêng từ 3- 5 giây
  • Trở lại vị trí trung tâm
  • Đặt tay phải lên tai trái của bạn
  • Nghiêng đầu sang phải, cố gắng tai chạm vào vai bên kia. Giữ nguyên cổ khi nghiêng từ 3- 5 giây
  • Trở lại vị trí trung tâm 

BT3. Nghiêng đầu xuống một bên (phải và trái)

  • Giữ thẳng đầu ở vị trí trung tâm
  • Nghiêng đầu sang phải, Nhìn xuống nách phải của bạn.
  • Trở lại vị trí trung tâm
  • Nghiêng đầu xuống bên trái, nhìn xuống nách trái của bạn.
  • Trở lại vị trí trung tâm

Tài liệu tham khảo
1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tuyến_giáp
2. https://www.vinmec.com/vi/benh/buou-co-3182/

Trả lời