Ngày 21/4 vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột vừa cấp cứu, chẩn đoán và điều trị thành công một bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi bằng phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch. Đây là trường hợp mắc thuyên tắc động mạch phổi đầu tiên được chữa trị thành công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Loan (55 tuổi, trú tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột với triệu chứng khó thở, mệt, vã nhiều mồ hôi. Sau khi được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi, bệnh nhân đã được chuyển ngay vào phòng cấp cứu trong tình trạng khó thở với độ bão hòa oxy máu (SpO2) là 80%, huyết áp 80/50 mmHg. Nhận định bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng suy hô hấp và tuần hoàn cấp, qua đánh giá tình trạng bệnh nhân còn trẻ tuổi, nguy cơ xuất huyết thấp cộng với kinh nghiệm của mình, ê kíp các y, bác sĩ Khoa nội tim mạch của Bệnh viện và ThS.BS Nguyễn Văn Điền, BSCK2. Phạm Công Nam đã khẩn trương tiến hành điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch. Toàn bộ quy trình cấp cứu và chẩn đoán bệnh nhân đều được thực hiện đúng theo khuyến cáo của Hội Tim mạch quốc gia Việt Nam, cũng như của các Hội tim mạch quốc tế. Nhờ vậy bệnh nhân đã được điều trị đặc hiệu sớm và nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Sau khi tiến hành phương pháp cấp cứu cho bệnh nhân, đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, hồi phục tốt, dự kiến bệnh nhân được xuất viện trong vài ngày tới.
Chia sẻ về trường hợp của mình, bệnh nhân Nguyễn Thị Loan cho biết: Ngày 21/4 tôi bắt xe từ Đồng Nai lên Đắk Lắk để dự đám cưới. Khi xuống xe, tôi thấy người mệt mỏi, khó thở, đau ngực. Sau khi về đến nhà người thân, tôi ngất xỉu, được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và buộc phải tiến hành phẫu thuật gấp vì bệnh tình nguy hiểm, trong khi chi phí chữa bệnh gia đình chưa lo đủ nhưng Bệnh viện vẫn nhiệt tình cứu chữa nên tôi mới giữ được tính mạng. Đến giờ tôi hồi phục tốt, mạnh khỏe như thế này quả thật tôi rất biết ơn các y, bác sĩ của Bệnh viện.
Theo bác sĩ Thái Bình Dương – Phụ trách Khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho biết: khi bệnh nhân đã được chẩn đoán thuyên tắc phổi cấp thì công tác điều trị phải được tiến hành ngay lập tức 1 trong 3 phương pháp gồm tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch, tiêu sợi huyết trực tiếp qua catheter và phẫu thuật mở ngực lấy huyết khối bằng bóng fogarty. Đây là các kỹ thuật khó, hiện đại và hiện chưa có nhiều bệnh viện thực hiện được kỹ thuật này nhưng tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã thực hiện thành công 2 kỹ thuật tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch, tiêu sợi huyết trực tiếp qua catheter.
Thuyên tắc động mạch phổi là một bệnh khá phổ biến, đứng thứ 3 trong các biến cố tim mạch, sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Biểu hiện bằng tình trạng tắc động mạch phổi cấp do cục máu đông di chuyển từ các tĩnh mạch sâu (thường ở chi dưới) đến phổi; dẫn đến tình trạng rối loạn nặng về hô hấp – tuần hoàn. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì tỉ lệ tử vong do thuyên tắc phổi cấp có thể lên đến 34% (theo ESC 2019). Chẩn đoán và điều trị sớm thuyên tắc động mạch phổi có ý nghĩa lớn trong cải thiện tiên lượng bệnh nhân, tuy nhiên đây là việc không hề dễ dàng bởi các triệu chứng lâm sàng của thuyên tắc động mạch phổi rất đa dạng và hầu hết đều không đặc hiệu, có thể xuất hiện ở rất nhiều bệnh cảnh khác nhau như nhồi máu cơ tim, phản vệ, viêm phổi,… Tương tự, các xét nghiệm cận lâm sàng để phục vụ cho chẩn đoán cũng rất đa dạng và đa số đều chỉ có tác dụng loại trừ chẩn đoán, trong đó ý nghĩa nhất là các xét nghiệm D-Dimer, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính (CT) động mạch phổi,… Do đó, để chẩn đoán sớm và chính xác thuyên tắc động mạch phổi cần dựa rất nhiều vào kinh nghiệm và trình độ của đội ngũ y bác sĩ, trên cơ sở các khuyến cáo của các Hiệp hội quốc tế và Hội tim mạch quốc gia Việt Nam.
Hình chụp cắt lớp vi tính (CT) ban đầu
BS Thái Bình Dương thăm khám bệnh nhân