CHUYỂN PHÔI TƯƠI LÀ GÌ? NÊN CHUYỂN PHÔI TƯƠI HAY CHUYỂN PHÔI TRỮ?
Trong quy trình thụ tinh ống nghiệm (IVF) chuyển phôi là kỹ thuật đặc biệt quan trọng nhằm đưa phôi đã phát triển trong tủ nuôi cấy vào tử cung người mẹ. Nếu không thực hiện một cách kỹ lưỡng và an toàn, sẽ rất dễ dẫn đến quá trình chuyển phôi thất bại. Vậy thế nào là chuyển phôi tươi? Chuyển phôi tươi hay phôi trữ có tỷ lệ thành công cao hơn? Cùng theo dõi bài viết bên dưới để có câu trả lời chi tiết nhé.
Chuyển phôi tươi là gì?
Trứng (noãn) thu được sau quá trình chọc hút trứng (noãn) sẽ được thụ tinh với tinh trùng của người chồng (hoặc tinh trùng hiến tặng) để tạo thành phôi. Sau đó phôi sẽ được nuôi cấy và theo dõi trong hệ thống tủ nuôi cấy đến giai đoạn phôi ngày 3 hoặc ngày 5 sau khi đạt đủ điều kiện sẽ được các bác sĩ đưa trở lại buồng tử cung người mẹ, đây được gọi là quá trình chuyển phôi tươi. Trong khi đó, các phôi chưa được chuyển sẽ được trữ đông để chờ lần thực hiện chuyển phôi sau.
Tuy nhiên, khi người mẹ trải qua quá trình kích thích buồng trứng khiến nồng độ estrogen tăng cao, một số trường hợp có nguy cơ quá kích buồng trứng có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi và thai kỳ nếu người mẹ chuyển phôi tươi và có thai. Do đó, trong quá trình kích thích buồng trứng bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng đáp ứng thuốc, nội mạc tử cung và chỉ định chuyển phôi tươi tùy theo từng trường hợp có đủ điều kiện để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
Chỉ định chuyển phôi tươi trong trường hợp nào?
1. Khi nào nên chuyển phôi tươi?
Chỉ định chuyển phôi tươi thường được chỉ định với người phụ nữ có quá trình kích thích bình thường, niêm mạc tử cung và nội tiết bình thường. Thông thường thời gian chuyển phôi tươi sẽ diễn ra sau khi thực hiện chọc hút noãn 3-5 ngày. Điều này giúp rút ngắn thời gian mong con kể từ thời điểm chọc hút trứng đến khi phôi được chuyển vào buồng tử cung, ngoài ra phôi cũng không phải chịu áp lực của việc trữ đông và rã đông giúp giảm áp lực tài chính do đã giảm chi phí trữ phôi.
2. Khi nào không nên chuyển phôi?
Không nên chuyển phôi tươi ở người phụ nữ có nguy cơ hoặc mắc hội chứng quá kích buồng trứng thì việc chuyển phôi vào lúc này có thể gây nguy hiểm cho người mẹ và thai kỳ.
Một số trường hợp người phụ nữ có bất thường buồng tử cung như polyp buồng tử cung, u xơ tử cung dưới niêm, hay các bệnh lý tử cung, bệnh lý toàn thân cần được điều trị trước khi chuyển phôi.
Chuyển phôi tươi hay phôi trữ tốt hơn?
Chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Theo các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thành công khi chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ gần như tương đương nhau, đồng thời không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mang thai hoặc sinh con thành công giữa phụ nữ chuyển phôi tươi và những phụ nữ chuyển phôi trữ.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, chuyển phôi trữ có thể an toàn hơn với những người phụ nữ vô sinh liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang, giảm nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng, có thêm thời gian sàng lọc hoặc xét nghiệm di truyền cho phôi và có thời gian để chuẩn bị sẵn sàng.
Một số yếu tố cần được cân nhắc khi lựa chọn hình thức chuyển phôi đó là:
- Sức khỏe cá nhân: Nếu người mẹ có nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) hoặc tiềm ẩn những vấn đề sức khỏe khác thì lựa chọn chuyển phôi đông lạnh sẽ an toàn hơn.
- Số lượng phôi: Một số cặp vợ chồng có thể lựa chọn chuyển phôi tươi nếu họ có dự trữ số lượng lớn phôi chất lượng cao.
- Thời gian và tính linh hoạt: Hãy xem xét lịch trình cá nhân, công việc và chuẩn bị sức khỏe, tinh thần sẵn sàng cho việc mang thai.
- Tỷ lệ thành công: Tỷ lệ thành công của cả hai phương pháp đều tương tự nhau, tuy nhiên các yếu tố như tuổi tác, chất lượng phôi và tiền sử bệnh sẽ đóng vai trò quan trọng.
Tóm lại, việc lựa chọn phương pháp chuyển phôi nào cũng cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hãy thảo luận cùng bác sĩ để có thể giúp bạn cân nhắc lợi ích của từng phương pháp và quyết định loại chuyển phôi nào phù hợp nhất với bạn.