Phẫu thuật thay khớp háng giúp người bệnh đi lại chỉ sau hai ngày làm phẫu thuật tại Khoa ngoại tổng hợp – chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH). Kỹ thuật này đòi hỏi trang thiết bị chuyên dụng được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản.
Phương pháp phẫu thuật thay khớp háng xuất hiện ở Việt Nam khoảng 40 năm nay, đây là phương pháp phẫu thuật tạo hình lại mặt khớp của chỏm xương đùi và mặt khớp ổ cối. Nếu việc tái tạo mặt khớp chỉ thực hiện ở chỏm xương đùi thì gọi là thay chỏm hoặc là thay khớp háng bán phần. Còn nếu việc tái tạo mặt khớp thực hiện phẫu thuật cả ở chỏm xương đùi và ổ cối của xương chậu thì gọi là thay khớp háng toàn phần. Phẫu thuật thay khớp háng được chỉ định khi có tổn thương khớp háng về mặt giải phẫu, chức năng có ảnh hưởng nặng nề đến lao động, sinh hoạt, làm việc của người bệnh, các tổn thương này không đáp ứng với các can thiệp điều trị khác.
Hình ảnh chụp bệnh nhân khớp giả cổ xương đùi trái
Bệnh nhân H.K.M (78 tuổi), nhập viện trong tình trạng không tự đi lại được do bị tai nạn khoảng 7 tháng trước, mọi sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân đều nhờ vào người thân. Bệnh nhân nhập viện tại BUH và được các bác sĩ Khoa ngoại tổng hợp – Chuyên khoa chấn thương chỉnh hình thăm khám. Sau khi thực hiện chỉ định cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị khớp giả cổ xương đùi trái và chỉ định mổ thay khớp háng sử dụng đường mổ lối trước – phương pháp lần đầu tiên được thực hiện tại khu vực. Ưu điểm của phương pháp này so với phương pháp truyền thống là ít xâm lấn và bảo tồn cơ năng khớp háng.
Các Bác sĩ phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân
Giải thích về khớp giả cổ xương đùi, BSCKII. Trần Mậu Phong – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp – Chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cho biết:“Khớp giả cổ xương đùi là biến chứng khi xương gãy, tại ổ gãy, xương chậm liền đã quá 2 lần thời gian liền xương bình thường mà tại ổ gãy vẫn không có biểu hiện liền xương thì gọi là khớp giả. Quá trình liền xương ở xương nhỏ thường trên ba tháng, xương lớn sẽ mất khoảng thời gian là 6 tháng xương sẽ liền”.
Các bác sĩ trong phòng phổ thực hiện kỹ thuật mổ thay khớp háng
Sau hai ngày phẫu thuật Bệnh nhân H.K.M đã đi lại được với nạng tập đi hỗ trợ, bà vui mừng chia sẻ“ Tôi rất cảm ơn các Bác sĩ và điều dưỡng tại bệnh viện đã điều trị và chăm sóc chu đáo, giờ tôi cũng không còn cảm thấy đau nhiều, gối cũng gấp duỗi được, ăn uống được nên ngủ rất ngon”.
Để mang lại hiệu quả điều trị sau phẫu thuật, các bác sĩ đã chỉ ra tầm quan trọng cũng như vai trò của chăm sóc giảm đau và tập vận động sớm cho người bệnh nhằm đạt được kết quả tốt nhất gồm: Hướng dẫn các biện pháp giảm đau, các tư thế cần tránh sau phẫu thuật để phòng ngừa các biến chứng và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế, tầm quan trọng của việc này chưa được đánh giá đúng, dẫn tới kết quả điều trị không cao. Khoa ngoại tổng hợp BUH luôn đề cao việc phục hồi vận động, khả năng đi lại của bệnh nhân phẫu thuật khớp háng cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh sau phẫu thuật, đây được xem là tiêu chí điều trị quan trọng nhất.
Chuyên khoa chấn thương chỉnh hình thuộc Khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột là chuyên khoa điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống xương khớp. Khoa quy tụ đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, với đầy đủ thiết bị điều trị hiện đại. Khoa đã thực hiện phẫu thuật được trên tất cả các loại hình phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, giúp bệnh nhân trở lại với cuộc sống năng động, mang đến niềm vui cho rất nhiều người bệnh cùng với gia đình.