Viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em là một bệnh lý đang được quan tâm ở nhiều quốc gia, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn rất nhiều nghi vấn về nguyên nhân gây nên căn bệnh viêm gan “bí ẩn” này. Trước diễn biến phức tạp của bệnh lý này, các chuyên gia truyền nhiễm trên thế giới đã đưa ra một số giả thuyết về nguyên nhân, các triệu chứng nhận biết sớm và cách phòng bệnh cho trẻ. Hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhưng cha mẹ cần cẩn trọng hơn trước tình hình bệnh đang có xu hướng tăng.
Từ tháng 10/2021, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S.CDC) đã có những báo cáo đầu tiên về 5 ca viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em từ 1 – 6 tuổi không phải do virus Hep A, B, C, D, E gây ra, cả 5 ca bệnh đều dương tính với Adenovirus. Ngày 15/04/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo về đợt bùng phát bệnh viêm gan cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân ở 74 trẻ em trên khắp Vương quốc Anh. Tính đến ngày 11/5, đã có 449 ca bệnh xuất hiện rải rác ở 27 quốc gia ở khu vực châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương.
Bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em và các biểu hiện bệnh
Viêm gan cấp là tình trạng gan bị tổn thương do nhiều nguyên nhân như virus, độc chất, các tình trạng rối loạn chuyển hóa, rối loạn huyết động, rối loạn miễn dịch hoặc các bệnh lý toàn thân… dẫn tới hậu quả là các tế bào gan bị hủy hoại. Đa số các trường hợp viêm gan cấp có thể hồi phục sau khi loại trừ được tác nhân gây bệnh, một số ít diễn tiến nặng, gây hậu quả suy gan không hồi phục và có thể tử vong, một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến kéo dài dẫn tới bệnh gan mạn tính, xơ gan,…
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết trẻ bị bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân hiện nay đều xuất hiện từ độ tuổi 1- 16 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi với các triệu chứng ở đường tiêu hóa trong giai đoạn đầu, sau đó vàng da và một vài trường hợp suy gan cấp tính. Tuy nhiên không phát hiện nhiễm virus viêm gan A, B, C,D, E trong những trường hợp trên. Các biểu hiện chung của viêm gan cấp tính ở nhiều mức độ khác nhau: vàng da, vàng mắt, đi cầu phân bạc màu, nước tiểu vàng đậm, có sự hủy hoại tế bào gan (tăng nồng độ men gan ALT, AST > 500 UI).
Những nguyên nhân nghi vấn gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em
Sự bùng phát của bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ sự tác động của COVID-19 khiến trẻ bị suy giảm sức đề kháng và bệnh lý này là một trong những hậu quả do hậu COVID-19 gây ra. Tuy nhiên theo những biểu hiện cùng hầu hết các kết quả xét nghiệm ở trẻ bị bệnh đều mang chủng Adenovirus, do đó các chuyên gia phỏng đoán bệnh viêm gan cấp ở trẻ có thể do Adenovirus gây ra. Đây chỉ là những phỏng đoán dựa trên những giả thuyết được các chuyên gia đưa ra, hiện vẫn đang trong quá trình cùng nghiên cứu và làm rõ.
Một số giả thuyết đang được đưa ra sau đây, hiện các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu và làm rõ:
- Sự liên quan của Adenovirus, đặc biệt chủng Adenovirus 41 có liên quan tới sự khởi phát tổn thương gan cấp tính.
- Vai trò gây tổn thương gan của virus SARS – COV- 2.
- Sự xuất hiện của một biến thể virus mới hay không?
- Trẻ sau mắc COVID 19, liệu có sự thay đổi đáp ứng miễn dịch với các virus thông thường khác không.
Adenovirus có phải nguyên nhân gây ra viêm gan cấp ở trẻ em?
Theo nghiên cứu, Adenovirus là một bệnh nhiễm virus phổ biến ở người đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi gần như đều bị nhiễm Adenovirus ít nhất một lần. Adenovirus gây ra các tổn thương viêm đường hô hấp, viêm kết mạc (đau mắt đỏ), viêm bàng quang, viêm màng não… đặc biệt là chủng typ 41 lây lan qua đường miệng – phân, ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiêu hóa gây các tổn thương về viêm dạ dày ruột ở trẻ em với biểu hiện như: tiêu chảy, nôn mửa, sốt và thường kèm theo các triệu chứng hô hấp.
Theo báo cáo của WHO ngày 23/04/2022, trong tổng số 169 trẻ mắc viêm gan bí ẩn, 74 ca dương tính với Adenovirus, trong đó 18 ca dương tính với Adenovirus type 41. Tại Anh, nơi có số ca nhiễm viêm gan bí ẩn được công bố nhiều nhất hiện nay, các trường hợp nhiễm Adenovirus đang có sự gia tăng trong cộng đồng. Do vậy Adenovirus hiện là tác nhân được nghi ngờ nhiều nhất gây ra bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ.
Trong thời gian giãn cách xã hội trẻ được bảo vệ kỹ lưỡng và ít tiếp xúc mầm bệnh, làm suy yếu hệ miễn dịch bảo vệ của trẻ. Khi dịch bệnh được kiểm soát, trẻ được tiếp xúc một cách đột ngột với thế giới bên ngoài nên dễ bị tấn công bởi các virus thông thường, bao gồm cả Adenovirus.
Tuy nhiên tới nay vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định Adenovirus là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp trẻ em, việc ghi nhận sự có mặt của Adenovirus đặc biệt typ 41 ở một số bệnh nhi cần được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu trong thời gian tới.
Virus SARS-COV-2 hoặc vacxin COVID – 19 có phải là nguyên nhân gây viêm gan cấp hay không?
Số ca viêm gan không rõ nguyên nhân có kèm nhiễm COVID – 19 chỉ chiếm tỷ lệ hơn 10%, điều này cho thấy viêm gan này ít có liên quan đến tình trạng nhiễm COVID- 19. Có 10 -18% các trẻ bị bệnh có bằng chứng đồng nhiễm virus SARS-CoV-2 và Adenovirus. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu liệu viêm gan không rõ nguyên nhân có liên quan đến bệnh COVID 19, bao gồm cả nhiễm COVID-19 xảy ra cùng lúc với tình trạng viêm gan và nhiễm COVID – 19 trong quá khứ. Do vậy, vai trò của virus SARS – CoV – 2 trong việc gây bệnh chưa thực sự rõ ràng và tiếp tục cần được nghiên cứu.
Nghi vấn vacxin COVID – 19 là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp cũng đã được bác bỏ, vì phần lớn trẻ bị bệnh là các trẻ thuộc độ tuổi nhỏ, chưa được tiêm phòng vacxin COVID-19. Do đó, không thấy có mối liên quan giữa vacxin COVID-19 với viêm gan cấp.
Ca bệnh viêm gan cấp có khả năng xuất hiện ở Việt Nam không?
Số ca bệnh viêm gan cấp ở trẻ trên thế giới đang có xu hướng tăng, Trong tình hình hiện tại Việt Nam khó tránh khỏi tình trạng chung của thế giới. Hiện nay 1 số quốc gia châu Á đã báo cáo có ca bệnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia. Do đó cha mẹ cần cập nhật thông tin thường xuyên về dịch bệnh để có những hướng dẫn phòng tránh và phương pháp điều trị cụ thể từ Bộ Y tế.
Biện pháp điều trị bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ
Do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chưa có điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, bao gồm cả các biện pháp hồi sức tích cực cho các trường hợp suy gan nặng như thay huyết tương, lọc máu liên tục,… có thể cần ghép gan cấp cứu.
Để để hạn chế mức độ tổn thương và tăng cường khả năng phục hồi chức năng gan, khi phát hiện những triệu chứng nhận biết bệnh viêm gan cấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và được điều trị kịp thời.
Cha mẹ nên lưu ý để phòng ngừa bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân cho trẻ
Cha mẹ trẻ không nên quá hoang mang lo lắng, nên chú ý quan sát trẻ để có thể phát hiện sớm các triệu chứng bệnh đường tiêu hóa và tổn thương gan ở trẻ. Những trẻ có những triệu chứng như: sốt, đau bụng, nôn – buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, vàng da, viêm kết mạc, nước tiểu vàng đậm,… cần được đưa tới khám tại các cơ sở y tế.
Trong giai đoạn chờ các kết quả nghiên cứu khẳng định nguyên nhân gây bệnh, việc quan trọng nhất là phòng bệnh, cha mẹ nên:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, hạn chế/ tránh tiếp xúc với người bị ho, cảm, tránh tập chung nơi đông người.
- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng, bao gồm cả vaccin phòng viêm gan B, viêm gan A, Vắc xin COVID-19 khi có chỉ định.
- Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Đặc biệt lưu ý phòng bệnh cho các trẻ trong trường học, nhà trẻ bằng cách đảm bảo vệ sinh, dùng đồ dùng cá nhân (ly uống nước, thìa, bát ăn, khăn mặt).
- Vệ sinh, sát khuẩn bề mặt.
- Xử lý chất thải thích hợp.