VIÊM TỦY RĂNG SỮA XẢY RA Ở TRẺ EM, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Trẻ em ăn nhiều bánh kẹo ngọt và vệ sinh răng không kỹ rất dễ bị sâu răng. Nếu không điều trị kịp thời rất dễ gây nên tình trạng viêm tủy răng sữa.

1. Viêm tủy răng ở trẻ em

Viêm tủy răng sữa là bệnh lý xảy ra khi có phản ứng viêm của mô tủy răng sữa, dẫn đến tăng áp lực nội tủy chèn ép thần kinh và gây đau.

Những nguyên nhân gây viêm tủy răng sữa thường gặp như sâu răng, chấn thương răng.

Sự tiến triển của sâu răng ở răng sữa tương tự như ở răng vĩnh viễn, tuy nhiên tốc độ nhanh hơn. Khởi đầu tổn thương sâu răng là vết trắng ở bề mặt men. Nếu không xử trí, tổn thương sâu răng sẽ tiếp tục phá hủy lớp men (sâu men), sau đó đến lớp ngà răng, giai đoạn này phát triển nhanh hơn so với sâu men và sâu răng sẽ lan rộng.

  • Sâu độ 1: men răng bị acid tấn công và bị phá hủy, bề mặt men răng có đốm trắng sau biến thành đen. Sâu ở men không có cảm giác và không đau.
  • Sâu độ 2: ngà răng bị phá hủy, trẻ sẽ có cảm giác ê buốt khi ăn lạnh và thức ăn chua.
  • Sâu độ 3: nếu răng có một lỗ sâu mà không trám ngay, sâu răng tiến dần đến tủy, cảm giác đau càng nhạy cảm hơn. Ở giai đoạn này, răng trẻ đau nhức dữ dội, đó là viêm tủy cấp tính.
  • Sâu độ 4: viêm tủy nếu không được chữa trị (lấy tủy răng), lâu ngày răng sẽ chết tủy, tủy răng hư và nhiễm trùng đi vào xương và có thể tạo mủ gây áp xe ở chân răng, viêm mô tế bào và có thể gây viêm xương hà

2. Chẩn đoán viêm tủy răng sữa

2.1. Viêm tủy răng sữa có hồi phục

  • Đau nhẹ, thoáng qua, đau khi có kích thích, hết đau sau khi hết kích thích.
  • Có tổn thương mô cứng của răng.
  • Răng không đổi màu.
  • Gõ dọc không đau.

2.2. Viêm tủy răng sữa không hồi phục

  • Đau từng cơn, đau nhiều về đêm, đau khi có kích thích, không hết đau sau khi hết kích thích.
  • Có tổn thương mô cứng của răng.
  • Răng không đổi màu.
  • Gõ dọc đau.

3. Điều trị viêm tủy răng sữa ở trẻ em

3.1. Viêm tủy răng sữa có hồi phục

  • Làm sạch lỗ sâu, không lấy hết phần ngà phản ứng.
  • Trám lót bằng một trong các lựa chọn sau: Canxi Hydroxit, MTA, chất dán ngà (dentin bonding).
  • Trám phục hồi bằng GIC: ngay sau trám lót.

3.2. Viêm tủy răng sữa không hồi phục

  • Gây tê.
  • Mở tủy.
  • Bơm rửa, sửa soạn ống tủy.
  • Lau khô ống tủy.
  • Trám bít ống tủy bằng Eugenate.
  • Trám kết thúc bằng GIC.

4. Bác sĩ Trung tâm Răng Hàm Mặt hướng dẫn phòng ngừa viêm tuỷ răng sữa ở trẻ em

  • Phải giữ vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ sau các bữa ăn và chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách. Tập cho trẻ thói quen súc miệng nhiều lần bằng nước trắng hoặc nước muối sinh lý sau khi ăn. Dùng gạc ẩm lau sạch răng cho trẻ sau khi ăn đối với trẻ nhỏ chưa biết đánh răng.
  • Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn có nhiều đường như: bánh kẹo, nước ngọt và tránh xa các loại thức ăn mềm có tính dính cao như: kẹo dẻo, nho khô, trái cây sấy… Những loại thức ăn này làm cho vi khuẩn hoạt động mạnh tiết ra nhiều acid có hại cho răng.

  • Tạo cho trẻ thói quen dùng chỉ tơ nha khoa. Dùng chỉ nha khoa giúp bạn loại bỏ các vi khuẩn phát triển giữa các răng. Đánh răng không chưa đủ hiệu quả, nên dùng chỉ nha khoa hai lần một ngày.
  • Cho trẻ súc miệng bằng nước diệt khuẩn phù hợp với trẻ nhỏ để tránh diệt cả những vi khuẩn có lợi, làm thay đổi môi trường miệng của trẻ sau khi đánh răng một hoặc hai lần mỗi ngày để loại trừ các mảng bám trên bề mặt răng.
  • Các bậc cha mẹ cần phát hiện sớm và điều trị sớm các răng bị sâu của trẻ, như vậy sẽ làm giảm bớt nguy cơ viêm tủy răng.
  • Nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ mỗi 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở giai đoạn sớm. Không nên chờ đến khi răng bị viêm tủy hay đau răng mới đến nha khoa.

 

Để lại một bình luận