CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN THƯỜNG GẶP
Ở VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN (PHẦN 3)
Bài viết được chia sẻ bởi GS.TS.BS Cao cấp Cao Tiến Đức
Xem lại các rối loạn tâm thần thường gặp ở vị thành niên và thanh niên Phần 1 và Phần 2
2.6. Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một bệnh lý tâm thần nặng với các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Tổn thương của tâm thần phân liệt thể hiện ở các rối loạn về nhận thức, tư duy, tri giác, cảm xúc, hành vi của bệnh nhân. Các triệu chứng của tâm thần phân liệt có thể không giống nhau ở các bệnh nhân và có thể thay đổi theo thời gian, nhưng tác động của nó là rất nghiêm trọng và kéo dài.
Khởi đầu của bệnh tâm thần phân liệt thường từ giai đoạn giữa tuổi vị thành niên đến giữa độ tuổi 30, với tuổi khởi phát cao nhất vào độ tuổi 20. Tâm thần phân liệt khởi phát thời thơ ấu, trong đó các triệu chứng tương tự như ở trẻ vị thành niên, thanh niên bắt đầu khởi phát trước tuổi 10, sớm nhất sau 5 tuổi.
Lâm sàng có các triệu chứng dương tính như:
- Hoang tưởng bị hại, bị theo dõi, bị kiểm tra, bị chi phối, tự buộc tội…
- Các ảo giác như ảo thanh bình phẩm, ảo thanh ra lệnh, tư duy vang thành tiếng, ảo thị giác…
- Bệnh nhân có rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hành vi.
Các triệu chứng âm tính:
- Cảm xúc cùn mòn, mất ý chí, ngôn ngữ nghèo nàn, thu rút khỏi xã hội, xa lánh mọi người…
- Bệnh diễn biến nhiều giai đoạn, tiến triển có xu hướng mạn tính.
** Tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt theo ICD-10F (WHO) năm 1992 hoặc theo DSM-5 (Hội tâm thần học Mỹ) 2013.
Điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ em và vị thành niên rất phức tạp, có kết quả khác nhau, và nên khuyến khích giới thiệu đến bác sĩ tâm thần nhi và vị thành niên.
2.7. Triệu chứng cơ thể và các rối loạn liên quan
Rối loạn triệu chứng cơ thể và các rối loạn liên quan được đặc trưng bởi các triệu chứng cơ thể dai dẳng có liên quan đến những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi quá mức hoặc không thích ứng trong việc đáp ứng với những triệu chứng này và các mối quan tâm liên quan đến sức khỏe.
Rối loạn phân ly: Là sự không phù hợp triệu chứng lâm sàng với các tổn thương cơ thể, Điển hình là, các triệu chứng mất cảm giác hoặc vận động chủ động nhưng đôi khi bao gồm các động tác lắc và suy giảm nhận thức (gợi ý các cơn co giật).
Vị thành niên có thể có sự suy giảm trong phối hợp hoặc cân bằng, cảm giác yếu, tê liệt cánh tay hoặc chân, mất cảm giác một phần cơ thể, không đáp ứng, mù, nhìn đôi, điếc, mất tiếng, khó nuốt, cảm giác chẹn ở họng, hoặc bí tiểu.
Rối loạn lo âu về bệnh: Trẻ sợ rằng chúng có hoặc sẽ mắc phải một rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm hoạt động hàng ngày hoặc gây ra đau khổ đáng kể.
Trẻ có thể có hoặc không có các triệu chứng thể chất, nhưng nếu có, mối quan tâm sẽ nhiều hơn về những biến chứng có thể có của các triệu chứng hơn bản thân các triệu chứng.
Rối loạn dạng cơ thể: Trẻ có thể phát triển nhiều triệu chứng cơ thể hoặc chỉ một triệu chứng nặng, điển hình là đau.
Triệu chứng có thể là cụ thể (ví dụ, đau bụng) hoặc mơ hồ (ví dụ, mệt mỏi). Bất kỳ phần nào của cơ thể có thể là trọng tâm của mối quan tâm. Bản thân những triệu chứng hoặc sự lo lắng quá mức ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày.
Triệu chứng và các rối loạn liên quan thường phổ biến ở trẻ vị thành niên nữ hơn so với trẻ vị thành niên nam.
Chẩn đoán: dựa vào triệu chứng lâm sàng, làm các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân thực tổn.
Điều trị: liệu pháp tâm lý kết hợp với thuốc chống trầm cảm và giải lo âu (cần đề phòng lạm dụng và phụ thuộc thuốc)
2.8. Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực được đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm, trầm cảm, và tâm trạng bình thường, mỗi lần kéo dài hàng tuần cho đến vài tháng một lần. Rối loạn lưỡng cực thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên từ tuổi giữa 20.
Ở nhiều trẻ em, biểu hiện ban đầu là một hoặc nhiều giai đoạn trầm cảm.
- Trong một giai đoạn hưng cảm ở vị thành niên, tâm trạng vui vẻ quá mức hoặc tăng kích thích;
- Thích mua sắm, có nhiều dự án, dự định không thực tế.
- Lời nói rất nhanh và luôn thay đổi chủ đề
- Giấc ngủ giảm
- Lòng tự trọng bị thổi phồng.
- Có thể có loạn thần kèm theo.
Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực: Dựa trên việc xác định các triệu chứng hưng cảm như được mô tả ở trên, cộng với một lịch sử của sự thuyên giảm và tái phát, cùng với các giai đoạn trầm cảm (đã có hoặc chưa).
Các bệnh lý cơ thể: rối loạn tuyến giáp, nhiễm trùng não hoặc khối u và ngộ độc thuốc có thể là nguyên nhân (thực tổn).
Trẻ bị rối loạn lưỡng cực có biểu hiện quá mức những cảm giác phấn chấn, vui vẻ, hào hứng nhưng rồi lại bất ngờ rơi vào tình trạng trầm uất, buồn chán, thờ ơ
Điều trị rối loạn lưỡng cực
- Hưng cảm: Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2, đôi khi là thuốc ổn định tâm trạng
- Trầm cảm: Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2 cộng với SSRI, đôi khi là lithium
2.9. Lạm dụng và nghiện chất
Ma túy theo quan niệm thông thường là chất gây nghiện – bất hợp pháp. Bao gồm: Heroin, hàng đá, thuốc lắc, cần sa, methadone, morphine. Một số hành vi cũng có tác động gây nghiện như ma túy: cá độ, shopping, game online, mạng xã hội, cờ bạc, tình dục.
Do muốn khám phá những thứ mới lạ, tò mò hoặc bị rủ rê cho nên nhiều em còn rất ít tuổi đã sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia, bóng cười (N2O), ma túy như là cocain, cần sa, cỏ, ma túy tổng hợp: thuốc lắc, đập đá…
Sử dụng chất gây nghiện trong thanh thiếu niên có thể chỉ đơn thuần là sử dụng nhất thời đến rối loạn sử dụng chất gây nghiện một cách nghiêm trọng. Các hậu quả cấp tính và lâu dài bao gồm từ nguy hiểm tối thiểu đến đe dọa tính mạng, tùy thuộc vào chất, hoàn cảnh và tần suất sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ là sử dụng nhất thời, thuốc gây nghiện có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe người sử dụng, ví dụ như quá liều, các hành vi bạo lực, và hậu quả của việc quan hệ tình dục không an toàn (ví dụ: mang thai, lây nhiễm bệnh qua đường tình dục).
Sử dụng chất kích thích cũng cản trở sự phát triển trí não của thanh thiếu niên theo kiểu phụ thuộc vào liều lượng.
Thường xuyên sử dụng rượu, cần sa, nicotin hoặc các loại ma túy khác trong thời kỳ thanh thiếu niên có liên quan đến tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần cao hơn, hoạt động kém hơn ở tuổi trưởng thành và tỷ lệ nghiện cao hơn.
Sử dụng ma túy có thể do ảnh hưởng của các yếu tố sau:
- Khiếm khuyết bẩm sinh trong hệ thần kinh, di truyền, gen
- Căng thẳng, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu,
- Sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần.
Theo một nghiên cứu trên gần 600 thanh thiếu niên có sử dụng ma túy ở độ tuổi 16 – 24 tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM cho thấy: Có đến 43% trẻ có những dấu hiệu trầm cảm ở mức độ từ trung bình đến nghiêm trọng.
Rối loạn tâm thần có thể xuất hiện trước (là nguyên nhân) hoặc xuất hiện sau (là hệ quả) của việc sử dụng – lạm dụng ma túy ở thanh thiếu niên.
Việc sử dụng chất kích thích ảnh hưởng đến học tập, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng sức khỏe và có thể vi phạm pháp luật. Sử dụng ma túy tổng hợp có thể gây loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, hành vi, tự sát, giết người, cướp của. hủy hoại tài sản…
Ngoài ra còn có nghiện hành vi như nghiện game hoặc sử dụng internet quá nhiều, nghiện sex.
Việc điều trị rối loạn tâm thần và điều trị nghiện là không giống nhau bởi đây là hai phạm trù bệnh lý khác biệt, nhưng nếu chỉ điều trị một trong hai, kết quả hồi phục sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc điều trị cả hai cùng một lúc.
Dự phòng:
Các tin tức và hình ảnh tiêu cực về người sử dụng ma túy thường xuyên gắn với tình trạng “ngáo đá”, gây rối trật tự xã hội, phạm pháp, giết người… cũng là những định kiến có tác động không nhỏ tới thanh thiếu niên có sử dụng ma túy.
Gần 60% tự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh khi biết tình trạng sử dụng ma túy của họ, hơn 40% trong số họ thường xuyên cảm thấy cô đơn và có ý định tự sát.
Có 65,9% lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy và 53,8% cảm thấy cần thiết phải giấu tình trạng sử dụng ma tuý của mình. Vì vậy, kỳ thị và phân biệt đối xử có thể tác động tiêu cực đến quá trình điều trị và hồi phục của người sử dụng ma túy nói chung và đặc biệt đối với thanh thiếu niên nói riêng.
Do đó, cần nhận thức và hiểu những triệu chứng/ dấu hiệu cảnh báo sớm của các bệnh lý tâm thần nhằm thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe thời niên thiếu trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế – xã hội khi những người trường thành khỏe mạnh có thể lao động hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho gia đình, cộng đồng.
Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột hiện đã kết hợp với GS.TS.BS Cao Tiến Đức – Phó chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam; Phó chủ tịch Hội chống động kinh Việt Nam; Uỷ viên Hội đồng chuyên môn Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.
GS.TS.BS Cao Tiến Đức – Phó chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam
Sự kết hợp này sẽ tạo ra một nền tảng mới trong điều trị các bệnh lý lĩnh vực tâm thần học và tâm lý học tại khu vực Tây Nguyên, giúp khách hàng gặp các vấn đề về tâm lý sớm được điều trị lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Để đăng ký khám chữa bệnh với các chuyên gia tại BUH, xin vui lòng liên hệ Hotline 1900 1147