SỬ DỤNG HỢP LÝ ALBUMIN TRÊN THỰC HÀNH LÂM SÀNG

Albumin thuốc nhóm các chế phẩm từ máu, được điều chế từ máu toàn phần, chứa các protein hòa tan và điện giải, đã loại bỏ các thành phần như yếu tố đông máu, các enzyme… Vai trò chủ yếu của albumin trong điều trị là giúp bù lại thể tích tuần hoàn do nâng và duy trì 60 – 70% áp lực thẩm thấu keo huyết tương. Tác dụng bù lại lưu lượng máu lưu thông đến rất nhanh (khoảng 15 phút) kể từ sau khi bổ sung albumin 25% trên người bệnh đã được tiếp nước đầy đủ.

Chỉ định albumin hợp lý

Dùng trong trường hợp phục hồi và duy trì thể tích máu trong các trường hợp giảm thể tích máu và việc bổ sung dung dịch keo chứa albumin là phù hợp:

  • Giảm thể tích huyết tương cấp hoặc bán cấp (sốc giảm thể tích) trong bỏng, viêm tụy, chấn thương, phẫu thuật;
  • Giảm albumin huyết nặng (ít hơn 2,5g/dL), kèm theo giảm thể tích huyết tương, phù toàn thân;
  • Điều trị hổ trợ trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ADRS); tăng bilirubin – máu trong tan huyết sơ sinh

Một số trường hợp bệnh lý có chỉ định albumin theo hướng dẫn chẩn đoán và xử trí Hồi sức tích cực (2015) và bệnh thận tiết niệu (2015):

  • Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS);
  • Giảm albumin máu trong sốc tim;
  • Bồi phụ thể tích trong sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn;
  • Giảm albumin trong hội chứng gan thận cấp;
  • Kiểm soát cân bằng nước và huyết động trong suy thận cấp;
  • Hội chứng thận hư, trong trường hợp albumin < 2,5g/dl.

Albumin có chỉ định nuôi dưỡng theo đường tĩnh mạch không?

Không khuyến cáo dùng albumin người làm nguồn bổ sung protein calo cho người bệnh cần hỗ trợ dinh dưỡng. Vai trò chính bổ sung albumin là giữ áp lực thẩm thấu keo trong huyết tương nhằm duy trì thể tích tuần hoàn.

Các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch gồm:

  • Đường glucose (hay dextrose)
  • Acid amin (các acid amin)
  • Lipid (nhũ dịch)
  • Vitamin và chất khoáng

Các chất dinh dưỡng này được bù ở dạng đơn chất hoặc túi hỗn hợp 3 trong 1. Đối với bổ sung đạm, albumin không được khuyến cáo do bù quá nhanh thể tích dịch có thể làm thay đổi đột ngột tình trạng huyết động trên những bệnh nhân có bệnh cảnh khác nhau:

  • Bệnh nhân cung lượng tim thấp (gây rối loạn huyết động);
  • Bệnh nhân có rối loạn chức năng thận có thể tăng nguy cơ rối loạn điện giải và nhiễm kiềm chuyển hóa;
  • Bệnh nhân chấn thương, mất dịch sau mổ khi dùng albumin có nguy cơ gây tăng huyết áp, xuất huyết mới.

Thêm vào đó, việc thêm albumin vào dung dịch nuôi ăn tĩnh mạch không được khuyến cáo do tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, không tương hợp về mặt vật lý, hóa học ảnh hưởng đến độ ổn định chế phẩm, ảnh hưởng đến tốc độ truyền. Nguy cơ khi bổ sung albumin vào dịch nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch lớn hơn so với lợi ích mang lại.

Lưu ý: Theo thông tư 30/2018/TT- BYT, chỉ định truyền albumin được Qũy bảo hiểm y tế thanh toán 70% trong các trường hợp: Nồng độ albumin < 2,5g/dL hoặc sốc hoặc hội chứng suy hô hấp tiến triển. Gần đây nhất, trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở bệnh nhân có tình trạng sốc nhiễm trùng, Bộ y tế khuyến cáo rằng truyền albumin khi nồng độ huyết thanh <30 g/dl nhằm duy trì mức albumin huyết thanh ≥ 35 g/L.

Thuốc đang lưu hành trong Bệnh viện: Human Albumin Baxter 200 g/l, 50ml (Dịch vụ).

Tài liệu tham khảo

1. Dược thư Quốc gia Việt Nam

2. Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí Hồi sức tích cực Bộ Y tế

3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh thận tiết niệu Bộ Y tế

4. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Human Albumin Baxter 200 g/l.

5. Nhà xuất bản Y học. Phác đồ điều trị 2018 Phần Nội Khoa, tập 2, trang

6. Lester LR, Crill CM, Hak EB. Should adding albumin to parenteral nutrient solutions be considered an unsafe practice? Am J Health Syst Pharm-Vol 63 Sep 1, 2006.

Để lại một bình luận