SỰ THAY ĐỔI NIÊM MẠC DẠ DÀY LIÊN QUAN ĐẾN THUỐC ỨC CHẾ BƠM PROTON (PPI)
Thuốc ức chế bơm proton (PPI), được ra đời vào cuối những năm 1980 cho tới nay, nó được sử dụng trên toàn thế giới để điều trị các rối loạn liên quan đến acid như loét dạ dày tá tràng và bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nó cũng đã được sử dụng dự phòng để ngăn ngừa tổn thương niêm mạc dạ dày tá tràng do thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
PPI là một trong những thuốc thương xuyên được sử dụng trong điều trị loét dạ dày-tá tràng và được cho là có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày mạnh nhất trong các thuốc điều trị hiện nay. Mặc dù được biết tới với hiệu quả cao và độc tính thấp, tuy nhiên vì số lượng thuốc được sử dụng nhiều trên toàn cầu, chính vì vậy hiệu quả điều trị và tác dụng không mong muốn của thuốc vẫn luôn được theo dõi và cập nhật.
Nhìn chung, PPI tương đối an toàn khi sử dụng ngắn hạn, các tác dụng phụ thường nhẹ và thường biến mất mà không để lại hậu quả nghiêm trọng nào. Tuy nhiên khi sử dụng dài hạn, một số tác dụng không mong muốn đã được đề cập như: thiếu máu hống cầu to, gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn trên đường hô hấp, giảm hấp thu calci. Một trong những nghiên cứu gần đây của Kim G. H. và cộng sự (2021) cung cấp thêm những bằng chứng về những thay đổi về mô bệnh học khi sử dụng PPI lâu dài như: Sự nhô lên của tế bào thành vào lòng tuyến, sự giãn nở nang của các tuyến cơ dạ dày và tăng sản biểu mô phế nang. Những thay đổi này có thể phát hiện khi người bệnh khám nội soi.
Nguyên nhân được đề xuất là PPI làm tăng nồng độ của gastrin, là hormon có tác dụng làm tăng sinh tế bào thành và tế bào ECL, do đó khi sử dụng PPI trong thời gian dài có thể hình thành polyp ở đáy và thân vị.
Gần đây, một số thuốc mới được phát triển và đưa vào sử dụng như Vonoprazan, thuốc ức chế tiết acid với cơ chế cạnh tranh với ion kali trên bơm
proton (P-CAB), thuốc được cho là có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày mạnh hơn PPI đã được đánh giá trên lâm sàng. Mặc dù mối liên hệ giữa những thay đổi mô bệnh học như trên và việc sử dụng P-CAB vẫn chưa được xác lập có mối liên quan không, nhưng có khả năng những người sử dụng P-CAB lâu dài cũng có thể có những thay đổi niêm mạc dạ dày tương tự như được quan sát thấy ở những người dùng PPI lâu dài.
Tóm lại, với số lượng sử dụng PPI ngày càng tăng, việc nội soi xác định những thay đổi niêm mạc này là rất quan trọng khi sử dụng thuốc lâu dài. Ngược lại, việc xác định được những bệnh nhân có sử dụng PPI lâu dài dựa vào kết quả nội soi cũng đang được đánh giá.
Tài liệu tham khảo
[1]. Bộ Y Tế (2018). Dược thư quốc gia Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, tr. 1081-1082
[2]. Kim, G. H. (2021). Proton pump inhibitor-related gastric mucosal changes. Gut and Liver, 15(5), 646. [3]. Heidelbaugh, J. J., Kim, A. H., Chang, R., & Walker, P. C. (2012). Overutilization of proton-pump inhibitors: what the clinician needs to know. Therapeutic advances in gastroenterology, 5(4), 219-232.
Điểm tin: Tổ Thông tin thuốc – Dược lâm sàng, Khoa Dược