TIÊM VẮC XIN LAO (BCG) VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Tiêm vắc xin phòng lao (BCG) cho trẻ sơ sinh sớm là cách tốt nhất giúp trẻ phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, tránh được những biến chứng ảnh hưởng đến phổi, thậm chí có thể gây tử vong.

Vắc xin lao (BCG) là gì?

  • Vắc xin lao BCG là một vắc xin sống giảm độc lực được sản xuất trực tiếp từ vi khuẩn lao Calmette Guerin.
  •  Trong vắc xin BCG có chứa một dạng vi khuẩn gây bệnh lao đã được làm cho yếu đi, không có khả năng gây bệnh lao cho người khỏe mạnh, mà giúp hệ miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể, hình thành sự bảo vệ trước căn bệnh này.

Chỉ định tiêm vắc xin lao (BGC)

  • Theo khuyến cáo của Bộ y tế, tiêm vắc xin lao trong tháng đầu tiên sau sinh là tốt nhất.
  • Nhóm người chưa được tiêm phòng (không có vết sẹo đặc trưng của vắc xin phòng Lao).
  • Trong những trường hợp trẻ chưa đủ sức khỏe để tiêm ngừa lao trong 1 tháng đầu sau sinh, nên tiêm ngừa lao càng sớm càng tốt khi cơ thể trẻ chưa bị nhiễm vi khuẩn lao.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin lao (BCG)

  • Không tiêm vắc xin BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà mẹ không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con.
  • Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin lao.

Các trường hợp hoãn tiêm vắc xin lao (BCG)

  • Trẻ sinh non < 34 tuần tuổi.
  • Trẻ <2000gram.
  • Trẻ vàng da với mức Bilirubin TP > 7mg/dL (120µmol/L)
  • Trẻ sốt cao.
  • Bệnh nhiễm trùng cấp tính.
  • Suy dinh dưỡng nặng.
  •  Suy giảm miễn dịch.
  •  Đang dùng thuốc ức chế miễn dịch:  corticosteroid, thuốc chống ung thư, xạ trị,…

Tiêm vắc xin lao bằng cách nào?

  • Đường tiêm: tiêm trong da.
  • Vị trí tiêm: mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc ở vai trái.
  • Sử dụng bơm kim tiêm riêng biệt khi tiêm BCG.

Lưu ý trước và sau khi tiêm vắc xin lao (BCG) cho trẻ

Trước khi tiêm:

Để đảm bảo trẻ có thể trạng tốt khi đi tiêm chủng và hạn chế các phản ứng sau tiêm vắc xin, phụ huynh cần lưu ý:

  • Không để trẻ bị đói trước khi đi tiêm chủng.
  • Cần chủ động thông báo với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: Đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm chủng. Hỏi nhân viên y tế loại vắc xin trẻ được tiêm.

Sau khi tiêm:

An toàn tiêm chủng không chỉ là vấn đề chất lượng vắc xin, quy trình kỹ thuật của nhân viên y tế, mà nó còn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc, theo dõi trẻ tại gia đình theo hướng dẫn sau đây:

  • Cho trẻ ăn uống bình thường sau tiêm.
  • Chú ý và thường xuyên theo dõi trẻ sau tiêm chủng: 30 phút tại điểm tiêm và ít nhất 24 giờ sau tiêm.
  • Khi trẻ sốt có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm, cần liên lạc với nhân viên y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.
  • Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái… các bà mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế. Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

Phản ứng sau khi tiêm vắc xin lao (BCG)

  •  95% trẻ có phản ứng tại chỗ tiêm: đặc trưng với mụn mủ ở vị trí tiêm sưng, đỏ, đau trong vòng 2-3 tuần sau tiêm. Sau khoảng 6 tuần, mụn mủ tự vỡ – loét ra và tự lành tạo thành 1 vết sẹo khoảng 3-5mm. Quá trình này đồng nghĩa với việc cơ thể trẻ đã có miễn dịch với vi khuẩn lao.
  • 1-2% trẻ có thể xuất hiện áp xe hoặc viêm hạch vùng (nách, dưới đòn, cổ trái).

Điều này là hoàn toàn bình thường, không cần lo lắng và không cần can thiệp gì. Việc này chứng tỏ trẻ có miễn dịch và đáp ứng tốt với việc tiêm vắc-xin.

Đây cũng là 1 phản ứng hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kì 1 trẻ nào được tiêm vắc xin lao. Vậy nên ba mẹ không nên quá lo lắng, có thể cho trẻ khám tại các cơ sở y tế, để các bác sĩ khám và đánh giá, hướng dẫn gia đình chăm sóc trẻ tốt nhất.

Cách xử lý những phản ứng phụ sau tiêm vắc xin lao (BCG) cho trẻ

  • Đối với trẻ em, cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.
  • Sốt nhẹ (dưới 38,5 độ): Uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng. 
  • Phản ứng tại chỗ gồm các triệu chứng đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm và có thể có 1 hoặc nhiều triệu chứng sau: Sưng gần chỗ tiêm, đau, đỏ và sưng trên 3 ngày. Thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần. Điều trị triệu chứng với các thuốc giảm đau theo chỉ định.
  • Đau khớp kể cả khớp nhỏ ngoại vi dai dẳng (trên 10 ngày) hoặc thoáng qua (tối đa 10 ngày). Có thể tự khỏi, một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của cán bộ y tế.
  • Viêm hạch bạch huyết kể cả viêm hạch bạch huyết có mủ với biểu hiện có 1 hạch lympho sưng to > 1,5 cm (bằng 1 đầu ngón tay người lớn) hoặc có 1 hốc rò rỉ trên 1 hạch lympho. Xảy ra trong vòng 2-6 tháng sau khi tiêm vắc xin BCG, tại cùng một bên người với chỗ tiêm chủng (đa số là ở nách). Thường là tự lành và không cần điều trị. Trường hợp tổn thương dính vào da hoặc bị rò rỉ thì cần đưa đến cơ sở y tế để được phẫu thuật dẫn lưu và đắp thuốc chống lao tại chỗ.
  • Bầm tím và/hoặc chảy máu do giảm tiểu cầu thường là nhẹ và tự khỏi. Trường hợp nặng cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị thuốc steroid và truyền khối tiểu cầu.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện

  • Sốt cao > 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng.
  • Quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê. 
  • Co giật.
  • Nôn trớ, bú kém, bỏ bú.
  • Phát ban.
  • Thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi.
  • Chi lạnh, da nổi vân tím.
  • Hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.

Phòng tiêm chủng BUH

Phòng tiêm chủng BUH thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) hiện cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin BCG phù hợp theo độ tuổi cần tiêm chủng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng.

Những ưu điểm khi tiêm vắc xin tại Phòng tiêm chủng BUH

  • Trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa nhi – vắc xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ.
  • Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
  • 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
  • Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Phòng tiêm chủng BUH và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với Phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
  • Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu vui chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
  • Vắc xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.

Phòng tiêm chủng BUH hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.

Để lại một bình luận