LẤY MÁU GÓT CHÂN – PHƯƠNG PHÁP SÀNG LỌC SƠ SINH AN TOÀN, HIỆU QUẢ
Theo ước tính của WHO, mỗi năm có khoảng 240.000 trẻ sơ sinh tử vong trên toàn thế giới trong vòng 28 ngày sau sinh do dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, khoảng 40.000 trẻ mắc dị tật bẩm sinh, chiếm 1,5 – 2% số trẻ mới sinh mỗi năm, tương đương mỗi 13 phút lại có 1 trẻ được sinh ra với dị tật bẩm sinh. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo: Trước khi trẻ sơ sinh xuất viện về nhà phải hoàn thành sàng lọc thính lực, sàng lọc sơ sinh bằng máu gót chân, và đo độ bão hòa oxy máu sàng lọc bệnh tim bẩm sinh nguy kịch. Tại BUH, xét nghiệm lấy máu gót chân được thực hiện nhanh chóng, an toàn với chi phí hợp lý.
Xét nghiệm lấy máu gót chân trẻ sơ sinh là gì?
Phương pháp lấy máu gót chân sơ sinh là một xét nghiệm được các Bác sĩ Khoa Nhi khuyến cáo cần thiết thực hiện ngay sau khi em bé chào đời. Mục đích của xét nghiệm nhằm phát hiện các bệnh lý bẩm sinh, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, giúp bé phát triển bình thường về thể chất và tinh thần.
Lấy máu gót chân là phương pháp dùng kim chích 1 giọt máu ở chân trẻ sơ sinh rồi thấm vào giấy chuyên dụng, để khô, sau đó bắt đầu xét nghiệm và sẽ có kết quả trong một thời gian nhất định. Mục đích của xét nghiệm này nhằm phát hiện sớm những bệnh liên quan đến nội tiết hay rối loạn di truyền từ khi bé chào đời.
Thời điểm để lấy máu gót chân trong vòng từ 24h – 72h , tốt nhất là từ 48h – 72h sau sinh, hoặc có thể kéo dài trong 7 ngày sau sinh. Những trẻ sơ sinh rời cơ sở sản khoa sớm hơn 24 giờ sau sinh, cần lấy mẫu máu trước khi rời cơ sở sản khoa. Những trẻ phải truyền máu sau sinh, mẫu máu sàng lọc cần lấy trước khi truyền máu.
Các bệnh lý có thể phát hiện qua xét nghiệm lấy máu gót chân
Xét nghiệm lấy máu gót chân có thể phát hiện các bệnh lý bẩm sinh, gồm: Bệnh lý rối loạn nội tiết, chuyển hoá, di truyền mà trong giai đoạn sơ sinh không biểu hiện triệu chứng. Các bệnh lý này khi có triệu chứng thì đã làm giảm hiệu quả điều trị và gây biến chứng ở trẻ . Do đó, việc sàng lọc giúp phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị kịp thời giúp bé có khả năng phát triển khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần.
– Thiếu men G6PD: G6PD là men cần thiết để xúc tác phản ứng trong hồng cầu giúp cho màng hồng cầu bền vững trước các tác nhân gây hại. Nếu cơ thể thiếu men này, màng hồng cầu sẽ dễ bị vỡ dẫn đến hiện tượng tan máu ở các mức độ khác nhau. Tan máu nhẹ rất khó phát hiện nhưng nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến tim, thận, gan, mắt và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
– Suy giáp bẩm sinh: Tuyến giáp nằm phía trước cổ, là tuyến nội tiết có vai trò điều hòa sự phát triển của các cơ quan, thúc đẩy sự hoạt động và trưởng thành của mọi tế bào. Nếu bị suy giáp bẩm sinh thì ở giai đoạn sơ sinh tuyến giáp sẽ không sản xuất đủ hormone và trẻ dễ bị thiểu năng về trí tuệ.
– Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh: Đây cũng là bệnh lý di truyền nhưng có tỷ lệ hiếm. Bệnh khiến cho tuyến thượng thận không thể sản xuất hormone cortisol và aldosterone theo đúng nhu cầu bình thường của trẻ. Hệ lụy của điều ấy là bộ phận sinh dục của bé gái bắt đầu phát triển theo hướng nam tính. Việc điều trị bệnh cần kéo dài trong suốt cuộc đời chứ không thể chữa dứt điểm được. Sau này khi bé gái lớn lên sẽ phải sinh mổ.
Xét nghiệm lấy máu gót chân có an toàn cho trẻ không?
Xét nghiệm lấy máu gót chân được các bác sĩ Khoa Nhi khuyến cáo cần thiết thực hiện cho trẻ ngay sau khi sinh. Xét nghiệm này diễn ra nhanh chóng, an toàn cho trẻ, chi phí thực hiện không quá tốn kém nhưng hiệu quả mang lại cho sức khỏe bé lại rất lớn. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ sẽ phát triển được toàn diện, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể khiến bé bị khuyết tật hoặc tử vong.
Quy trình lấy máu gót chân sàng lọc và chẩn đoán tại BUH
Bước 1: Lấy máu gót chân bằng giấy thấm vào thời điểm 48 – 72 giờ tuổi
Bước 2: Chẩn đoán sinh hóa, nhằm phát hiện các bệnh lý: Suy giáp bẩm sinh; Thiếu men G6PD; Tăng sản thượng thận bẩm sinh; Rối loạn chuyển hóa.
Bước 3: Chẩn đoán di truyền, nhằm phát hiện các bệnh lý: Thiếu men G6PD; Tăng sản thượng thận bẩm sinh; Các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Thời gian có kết quả xét nghiệm: 7 – 10 ngày.
Sàng lọc sơ sinh tại BUH
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo: Trước khi trẻ sơ sinh xuất viện về nhà phải hoàn thành sàng lọc thính lực, sàng lọc sơ sinh bằng máu gót chân, và đo độ bão hòa oxy máu sàng lọc bệnh tim bẩm sinh nguy kịch. Để đồng hành cùng cha mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh, các chuyên khoa tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) đã phối hợp tiến hành đầy đủ các sàng lọc sơ sinh cho trẻ theo khuyến cáo của AAP, tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý sơ sinh.
Với đội ngũ y bác sĩ Khoa nhi chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, cùng cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, Khoa nhi BUH đã hỗ trợ rất nhiều gia đình thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho trẻ nhanh chóng, tiện lợi.
Để được tư vấn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, Quý Khách Hàng vui lòng bấm số HOTLINE 1900 1147