UNG THƯ CỔ TỬ CUNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ mắc và gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Mỗi năm trung bình có 10-20 người trong 100.000 phụ nữ ở độ tuổi 30 được phát hiện có ung thư cổ tử cung. Tần suất này cao nhất ở Columbia và Đông Nam Á. Trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Dưới sự phát triển của công nghệ y khoa hiện đại việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung trở nên dễ dàng. Đặc biệt tại các cơ sở y tế có đầy đủ các trang thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán hiện đại thì việc tầm soát, phát hiện ra những dấu hiệu bất thường sẽ chính xác và hiệu quả ngay ở giai đoạn sớm.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Bệnh xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường, nhân lên không kiểm soát, xâm lấn khu vực xung quanh cũng như di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiễm HPV (Human Papillomavirus) là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, 90 – 100% ung thư cổ tử cung có HPV dương tính. Human Papillomavirus (HPV) là một nhóm gồm hơn 200 virus liên quan, một phần trong số đó lan truyền qua đường sinh dục. Các nhóm 16, 18, 45, 56 thường có liên quan với các tổn thương loạn sản nặng và ung thư cổ tử cung xâm nhập. HPV nhóm 18 có liên quan với ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô kém biệt hoá cổ tử cung cũng như tỷ lệ di căn hạch và khả năng tái phát của bệnh. Các nghiên cứu cho thấy HPV nhóm 16 liên quan với ung thư biểu mô vảy sừng hóa có tỷ lệ tái phát thấp hơn.

Khoảng 80 % phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời, và trong số đó, có khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao. Khi bị nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại, nhưng không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công, trong trường hợp bị nhiễm HPV nguy cơ cao, chúng ta sẽ có khả năng bị ung thư trong tương lai.

Đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung

Bên cạnh Human Papillomavirus (HPV), một số yếu tố nguy cơ khác có thể tăng khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Hút thuốc lá: phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung tăng gấp đôi so với những phụ nữ không hút thuốc.
  • Quan hệ tình dục sớm <18 tuổi, quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục không an toàn.
  • Sinh con khi còn quá trẻ < 17 tuổi.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục không đúng cách.
  • Viêm cổ tử cung mãn tính.
  • Suy giảm miễn dịch: trên cơ thể suy giảm miễn dịch, nguy cơ nhiễm HPV nguy cơ cao tăng lên, dẫn tới tăng khả năng bị ung thư cổ tử cung.

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

1. Chảy máu âm đạo bất thường.

2. Dịch âm đạo bất thường: màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu…

3. Ra máu âm đạo, đau sau quan hệ tình dục.

4. Đau tức vùng chậu/bụng dưới.

5. Khó chịu khi đi tiểu

6. Kinh nguyệt kéo dài, không đều.

7. Đi tiểu nhiều lần, liên tục.

8. Giảm cân không rõ nguyên nhân

9. Mệt mỏi liên tục.

10. Đau chân

Ở giai đoạn sớm, không có dấu hiệu hay triệu chứng gì đặc trưng, khi xuất hiện những dấu hiệu trên báo hiệu ung thư đang phát triển, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và hiệu quả điều trị cũng bị hạn chế. Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, đặc biệt là phụ nữ từ 21 – 65 tuổi cần kiểm tra sàng lọc định kỳ cổ tử cung.

Tầm soát định kỳ để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ung thư cổ tử cung

  • Bạn nên bắt đầu tầm soát ở tuổi 21. Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi nên xét nghiệp Pap mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV cân nhắc cho phụ nữ từ 25 – 29 tuổi tuy nhiên ưu tiên ThinPrep Pap.
  • Phụ nữ 30 – 65 có 2 lựa chọn, xét nghiệm Pap test đơn thuần mỗi 3 năm. Hoặc phối hợp ThinPrep Pap + xét nghiệm HPV mỗi 5 năm một lần.
  • Sau 65 tuổi nếu có 3 lần liên tiếp tầm soát âm tính có thể ngưng tầm soát.

Tại các cơ sở y tế, các bác sĩ chuyên khoa phụ sản sẽ thăm khám và chỉ định làm các cận lâm sàng cần thiết để sàng lọc và phát hiện những bất thường ở cổ tử cung:

– ThinPrep Pap là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung được sử dụng để đánh giá mẫu tế bào cổ tử cung – âm đạo (cervical – vaginal specimen) để phát hiện các thay đổi về tiền ung thư, ung thư và viêm. Xét nghiệm thường chỉ mất vài phút. Trong quá trình phết tế bào cổ tử cung, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ được gọi là mỏ vịt nhằm giữ các thành âm đạo mở để bác sĩ có thể nhìn thấy cổ tử cung rõ ràng. Sau đó, sử dụng một cọ mềm hoặc thìa để thu thập các tế bào mẫu trong cổ tử cung. Những tế bào này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để được xét nghiệm về tính chất ung thư hoặc tiền ung thư. Để đảm bảo test đủ tiêu chuẩn, Pap test phải được thực hiện khi đảm bảo những điều kiện cần thiết để lấy đủ và đúng tế bào.

+ Không ra huyết âm đạo.

+ Không đặt thuốc ở âm đạo trong vòng 3 ngày gần đây.

+ Không giao hợp, không thụt rửa âm đạo trong vòng 48 giờ trước thực hiện.

– Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm này nhằm xác định virus HPV thuộc loại nào và nguy cơ cao hay không.

– Sinh thiết cổ tử cung: Khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap smear có tế bào bất thường.

Phòng ngừa Ung thư cổ tử cung

Tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung giúp giảm tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung. Tuổi 9 – 26 là độ tuổi tối ưu để đạt được sự bảo vệ cao nhất. Tuy nhiên, tiêm vaccine không thay thế được các biện pháp tầm soát vì vaccine không ngừa được tất cả các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung.

Tầm soát ung thư cổ tử cung Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH)

Quy tụ đội ngũ Bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang bị hiện đại, Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột là một địa chỉ uy tín trong tầm soát và phát hiện sớm ung thư với ưu điểm vượt trội:

  • Thiết kế gói khám khoa học, quy trình khám, tư vấn, điều trị khép kín giúp người bệnh tiết kiệm thời gian.
  • Điều trị, chăm sóc người bệnh toàn diện, phối hợp đa chuyên khoa theo hướng cá thể hóa từng người bệnh.
  • Có đầy đủ các phương tiện chuyên môn để chẩn đoán xác định bệnh và xếp giai đoạn trước điều trị: Xét nghiệm, CT scan, MRI,…

Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung của Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột giúp:

  • Sàng lọc bệnh lý ung thư cổ tử cung.
  • Phát hiện sớm bệnh lý ung thư cổ tử cung để từ đó có biện pháp cũng như phác đồ điều trị thích hợp, kịp thời, và hiệu quả.
  • Hạn chế tối đa những hậu quả xấu, tăng cơ hội sống cho người bệnh.
  • Tiết kiệm chi phí điều trị lâu dài.

Lưu ý: Để được tư vấn chi tiết về gói khám tầm soát ung thư cổ tử cung, bảng giá, chi tiết danh mục và các chương trình ưu đãi mới nhất, vui lòng liên hệ Hotline 1900 1147.

Để lại một bình luận