SỤN CHÊM HÌNH ĐĨA BẨM SINH – BỆNH LÝ CẦN QUAN TÂM KHI ĐAU KHỚP GỐI KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN
1. Sụn chêm dạng đĩa là gì?
Khớp gối của mỗi chúng ta là một trong những khớp lớn, chịu lực trọng lượng của cơ thể vì thế giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày có hai sụn chêm (discoid meniscus) là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài, các cấu trúc này đóng vai trò phân phối lực truyền từ xương đùi xuống mâm chày, có tác dụng giảm xóc nằm trong khớp khi vận động khớp gối. Sụn chêm bình thường hình thành ở tuần thứ 8 và đạt được hình thái giải phẫu trưởng thành ở tuần thứ 14 của sự phát triển bào thai. Ở người trưởng thành, sụn chêm trong có hình chữ C, che phủ 50% bề mặt mâm chày trong và được giữ vào bao khớp bởi các dây chằng vành, chày-sụn chêm và bên trong. Sụn chêm ngoài có hình chữ O, rộng trung bình 11 mm, độ dày trung bình 4,5mm, che phủ 70% bề mặt mâm chày ngoài và được giữ vào bao khớp cả ở phía trước và sau (phía sau được tăng cường bởi dây chằng đùi-sụn chêm trước và sau), trong khi phần bên ngoài giữ với bao khớp không liên tục nên có sự di chuyển cao hơn các vị trí khác.
Theo Smillie đã công nhận rằng hình dạng sun chêm hình đĩa có thể phát triển do không hấp thụ được phần bên trong của mô sụn trong phôi thai đang phát triển, tuy nhiên có tác giả cho rằng đây là một dị tật bẩm sinh, có tính di truyền.
Khi sụn chêm che phủ hết bề mặt mâm chày được gọi là sụn chêm hình đĩa (discoid meniscus). Đây là một dị dạng bẩm sinh của sụn chêm, được Young mô tả lần đầu tiên năm 1889 và sau đó là Watson-Jones vào năm 1930. Về hình thái học thì có độ dày tăng cao hơn, rộng hơn và ít mạch máu nuôi hơn sụn bình thường.
Sụn chêm hình đĩa thường gặp ở sụn chêm ngoài (discoid leteral meniscus), rất hiếm gặp ở sụn chêm trong. Tỷ lệ bị sụn chêm hình đĩa trên thế giới rất hiếm 0,1-0,3%, ở Mỹ chiếm từ 3 – 5% dân số, ở châu Á là 10-15% và khoảng 0,4 – 17% các trường hợp bị sụn chêm hình đĩa bên ngoài, 0,06-0,3% bên trong. Theo Ahn và cộng sự nghiên cứu qua hình ảnh MRI khớp gối có hình ảnh sụn chêm hình đĩa, sau đó phẫu thuật nội soi can thiệp thì đến 97% bị sụn đĩa hoàn toàn và không hoàn toàn
2. Cơ chế gây tổn thương
Sụn chêm hình đĩa dễ bị tổn thương hơn sụn chêm bình thường. Do cấu trúc bất thường về hình thái nên sụn chêm dễ bị kẹt khi khớp gối vận động, gây đau và rách sụn. Trong trường hợp dây chằng giữ sụn chêm vào mâm chầy không có hoặc lỏng lẻo, nguy cơ này càng cao hơn. Cũng như sụn chêm bình thường, khi bị tổn thương, sụn chêm hình đĩa rất khó liền do cấu trúc nghèo mạch máu.
Cơ chế gây tổn thương thường gặp khi gối bị xoắn vặn như khi trụ chân hoặc thay đổi hướng di chuyển trong thừi gian dài, tuy nhiên, một số trường hợp thì cũng không xác định được cơ chế chấn thương rõ ràng.
3. Triệu chứng
Có các triệu chứng rất khác nhau tùy thuộc vào vị trí sụn và thể lâm sàng, gồm:
- Đau khớp gối
- Kẹt khớp gối không gấp duỗi được khớp
- Có tiếng kêu bất thường trong khớp khi đi lại hoặc gấp duỗi khớp gối
- Ấn đau khe khép gối khi khám
- Hội chứng snapping knee
- Hạn chế duỗi khớp
- Teo cơ vùng gối
4. Chẩn đoán
Những triệu chứng chủ yếu của sụn chêm dạng đĩa có thể gặp là: đau, hạn chế vận động gối hoặc sưng nề, kẹt khớp gối hoặc không duỗi được hết. Phần lớn bệnh nhân có sụn chêm hình đĩa hầu như không có triệu chứng trong suốt cả cuộc đời mà chỉ tình cờ phát hiện khi thăm khám chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối vì một lý do khác.
Ở trẻ thiếu niên, nếu có các biểu hiện như trên, thì cần phải thăm khám xác định xem liệu có phải tổn thương sụn chêm hình đĩa hay không sau khi đã loại trừ các nguyên nhân nội khoa.
Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng chỉ mang tính gợi ý. Chẩn đoán xác định cần kết hợp thêm dấu hiệu chụp phim cộng hưởng từ khớp gối để xác định mức độ và hình thái. Tiêu chuẩn hay được áp dụng nhất: Tỷ lệ giữa chỗ hẹp nhất với chỗ rộng nhất của sụn chêm trên mặt phẳng trán (coronal slice) lớn hơn 20%, tỷ lệ giữa chiều rộng thân sụn chêm với đường kính sụn chêm trên mặt phẳng đứng dọc (sagittal slice) lớn hơn 75%.
Tiêu chuẩn ít chính xác hơn: Chiều rộng của sụn chêm tại vị trí hẹp nhất lớn hơn 15 mm, và trên 2 lát cắt đứng dọc có sự liên tục giữa sừng trước và sừng sau của sụn chêm, trên phim nghiêng có dấu “ bow-tie sign”.
5. Phân loại tổn thương
Watanabe (1969) phân loại các thể sụn chêm hình đĩa như sau:
- Thể I: Sụn chêm hình đĩa hoàn toàn, che phủ gần hết mặt khớp mâm chày ngoài, thể này hay gặp nhất.
- Thể II: Sụn chêm hình đĩa một phần, che phủ một phần mặt mâm chày hơn bình thường.
- Thể III: Thể dây chằng wrisberg, sừng sau của sụn chêm bong ra khởi mâm chày.
6. Điều trị
Trong trường hợp phát hiện qua chụp MRI, nếu bệnh nhân không có triệu chứng về mặt lâm sàng như đau, kẹt khớp, sung khớp…thì có thể không cần can thiệp và theo dõi. Trong trường hợp có triệu chứng lâm sàng, phẫu thuật là cần thiết. Phẫu thuật được thực hiện qua nội soi với việc cắt sửa phần sụn chêm rách và tạo hình lại sụn chêm cho có cấu trúc gần giống bình thường. Một số trường hợp phần sụn chêm rách cũng có thể được khâu lại, tuy nhiên phụ thuộc vào việc đánh giá tổn thương trong mổ.
Sau mổ, bệnh nhân có thể đeo nẹp mềm hỗ trợ, chống nạng không chịu lực trong 4 tuần, sau 8 tuần chịu lực một phần, và gấp gối 120 độ, chạy nhẹ sau 3 tháng, sau 6 tháng trở lại sinh hoạt bình thường. Một số trường hợp có thể phải phục hồi chức năng nếu như gối bị hạn chế duỗi trong một thời gian dài. Đa số các bệnh nhân có thể trở lại với sinh hoạt vận động bình thường, tuy nhiên, trong một số trường hợp tổn thương nặng có thể bệnh nhân vẫn bị triệu chứng đau và có nguy cơ thoái hóa, đau dai dẫn, viêm khớp, nang sụn chêm khớp gối khi gặp thể năng trong thời gian lâu dài.
7. Các trường hợp điều trị sụn chêm hình đĩa tại BUH
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) đã khám cho hai bệnh nhân không rõ cơ chế chấn thương, nhưng khớp gối đau và hạn chế vận động, kẹt khớp và có tiếng kêu khi duỗi gối, sau khi thăm khám tỉ mỉ và chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối có dấu hiệu bất thường. Được nhập viện hội chẩn phẫu thuật nội soi khớp gối bước đầu thành công.
Bệnh nhân Nguyễn T.T 41 tuổi đau khớp gối trái đã lâu, không có tiền sử chấn thương.
BS.CKII. Trần Mậu Phong
Phó Trưởng Khoa Y Trường Đại học Buôn Ma Thuột
Trưởng Đơn vị Chấn thương chỉnh hình & Bỏng – Khoa Ngoại Tổng hợp BUH
Nguồn: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7550551/
Để được tư vấn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, Quý Khách Hàng vui lòng bấm số HOTLINE 1900 1147