Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ (Mini-PCNL: Minimal invasive percutaneous nephrolitholapaxy) là một trong những phẫu thuật nội soi điều trị sỏi thận hiện đại hiện nay. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã triển khai thực hiện phương pháp Tán sỏi thận qua da một cách thường quy và đã có rất nhiều bệnh nhân được sử dụng kỹ thuật cao này để điều trị bệnh lý sỏi thận.
Nhân một trường hợp đặc biệt vừa được thực hiện kỹ thuật Tán sỏi qua da: Bệnh nhân L.V.C, 57 tuổi, đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột với tình trạng đau âm ỉ hông lưng hai bên, tiền sử đã mổ hở lấy sỏi thận hai bên cách đây 20 năm. Bệnh nhân đã đi khám tại các cơ sở y tế trong tỉnh và đều được đề xuất mổ hở lấy sỏi thận hai bên. Tuy nhiên do trước đây đã từng được mổ hở và hiểu được cảm giác đau đớn với vết mổ dài, bệnh nhân phân vân và quyết định tìm đến Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Sau khi thăm khám và thực hiện chụp Xquang, bệnh nhân được xác định có sỏi thận san hô phức tạp hai bên. Sau hội chẩn, bệnh nhân được các Bác Sĩ chuyên khoa ngoại tiết niệu chỉ định phẫu thuật nội tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ nhằm giải quyết triệt để sỏi thận hai bên.
Bệnh nhân được tiến hành nội soi tán sỏi thận TRÁI qua da, ngày hậu phẫu thứ nhất bệnh nhân đã đi lại, sinh hoạt bình thường. Ngày hậu phẫu thứ hai, sau khi chụp X-quang kiểm tra thì tình trạng đã sạch sỏi thận trái, bệnh nhân được rút ống dẫn lưu và cho xuất viện vào ngày hôm sau.
Sau một tháng, bệnh nhân tái khám và thực hiện nội soi tán sỏi thận PHẢI qua da. Sau khi kiểm tra đã sạch sỏi hoàn toàn hai bên, các bác sĩ đã cho bệnh nhân xuất viện. Bệnh nhân vui mừng cho biết: “Chú mổ cái này mà như không mổ, không hề có cảm giác đau đớn, sau mổ vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường, và đặc biệt vết mổ quá nhỏ so với ngày xưa chú mổ hở”.
Trước đây, những viên sỏi thận san hô phức tạp sẽ được chỉ định mổ mở truyền thống. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này sẽ gây đau nhiều sau mổ, vết thương mổ rộng dẫn đến lâu lành, nguy cơ nhiễm trùng cao nên kéo dài thời gian điều trị. Trong khi đó, việc áp dụng phương pháp Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ gần như khắc phục được phần lớn những hạn chế của phương pháp mổ mở truyền thống trước kia. Sau phẫu thuật, người bệnh chỉ có vết mổ nhỏ (khoảng 6mm), tình trạng sức khỏe ổn định và có thể đi lại, sinh hoạt như bình thường.
Tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ là một trong những phương pháp điều trị sỏi thận hiện đại, thường được thực thực hiện tại các cơ sở y tế lớn tại Hà Nội và TP HCM. Đến hiện tại, các Bác Sĩ Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã làm chủ kỹ thuật và thực hiện thường quy kỹ thuật này. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì đã tạo cơ hội điều trị cho nhiều bệnh nhân sỏi thận phức tạp tại địa phương, giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng ngay ở tuyến tỉnh, giảm gánh nặng chi phí điều trị bệnh. Đồng thời qua đó khẳng định năng lực học tập, ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu của đội ngũ y bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột nhằm điều trị hiệu quả các bệnh lý hiểm nghèo, phức tạp