Theo nhiều tài liệu thống kê, Việt Nam là một nước nằm trong “vùng sỏi thế giới” với tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu nói chung lên 2 – 12% dân số, trong đó sỏi thận chiếm đến 40 % các loại sỏi, gây ra cơn đau nặng nề, dai dẳng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. 

Hiện nay Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đang triển khai phương pháp Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (Mini – PCNL) giúp loại bỏ sỏi thận triệt để dưới hướng dẫn siêu âm với hiệu quả điều trị vượt trội, giúp bệnh nhân không phải chịu một cuộc mổ kéo dài với đường mổ lớn trên cơ thể.

Các phương pháp điều trị sỏi thận hiện nay

Thông thường, những viên sỏi có kích thước nhỏ (dưới 0,5cm) sẽ dễ dàng được tổng đẩy ra ngoài bằng đường tiểu (hơn 90% sỏi tự tiểu ra ngoài). Với trường hợp này, các bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị nội khoa bằng uống nhiều nước, thuốc tống xuất sỏi, kết hợp với việc thay đổi một số thói quen sống chưa phù hợp. Tuy nhiên với những viên sỏi lớn hơn, sẽ rất khó tự đào thải qua đường bài tiết tự nhiên, khi đó chúng ta cần lựa chọn phương án can thiệp phù hợp hơn.

–   Đối với các sỏi đã rơi xuống niệu quản, có thể dùng phương pháp nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi bằng tia laser, viên sỏi sẽ được tán thành các mảnh nhỏ và đưa ra ngoài.

–   Khi sỏi ở trong thận thì có thể dùng các phương pháp sau: tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi thận qua da, nội soi ngược dòng tán sỏi bằng ống soi mềm. Việc lựa chọn phương án tối ưu tùy thuộc vào đặc điểm kích thước, thành phần cấu tạo của sỏi, tình trạng bệnh nhân…

–   Khi các phương pháp ít xâm lấn kể trên không thể thực hiện (do nhiễm khuẩn niệu chưa được kiểm soát tốt, hẹp đường tiết niệu…) bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi hoặc mổ hở.

Với sỏi thận kích thước lớn hơn 2cm, thông thường trước đây sẽ chỉ định phương pháp mổ mở. Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển của y học, đa số các ca sỏi thận lớn đều được chỉ định phẫu thuật lấy sỏi thận qua da với đường hầm nhỏ. Vậy tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ là gì?

Phương pháp tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ 

Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (Mini-PCNL: Minimal invasive percutaneous nephro litholapaxy) là một trong những phẫu thuật nội soi điều trị sỏi thận tiên tiến nhất hiện nay. Thông qua một đường hầm nhỏ 18Fr (tương đương 0,6cm) được tạo từ hông lưng bệnh nhân vào thận, dưới sự dẫn đường của sóng siêu âm, các bác sĩ sẽ sử dụng tia Holmium laser (laser công suất lớn) để tán nhỏ, làm sạch và đưa sỏi ra khỏi cơ thể bệnh nhân trong một lần điều trị.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (Mini – PCNL) đang được triển khai điều trị sỏi thận triệt để cho người bệnh dưới sự phối hợp của đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, đảm bảo quá trình tán sỏi diễn ra nhanh chóng, ít chảy máu, hầu như ít để lại sẹo, hút hết sỏi chỉ sau lần tán đầu.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình phẫu thuật, tất cả các dụng cụ y tế, máy móc thực hiện tán sỏi đều được vô trùng sạch sẽ, không gây nhiễm trùng trong quá trình tán sỏi giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng. 

Ưu điểm của phương pháp tán sỏi thận 

  • Tỷ lệ thành công cao: từ 95-100%, tùy thuộc vào các đặc điểm của sỏi.
  • Hạn chế tối đa tình trạng sót sỏi nhờ khả năng quan sát được toàn bộ đài bể thận trong quá trình thực hiện.
  • Ít tổn hại đến thận, ảnh hưởng của nội soi tán sỏi qua da tới chức năng thận chỉ <1%, trong khi đó nếu dùng phương pháp mổ mở lấy sỏi có thể gây nguy cơ mất đến >30% chức năng thận.
  • Với vết mổ có kích thước nhỏ, giảm tối đa tình trạng mất máu, nhiễm trùng, biến chứng sau mổ.
  • Phẫu thuật nội soi nhẹ nhàng, ít đau, vết sẹo thẩm mỹ (kích thước vết mổ chỉ 0,6 cm).
  • Thời gian nằm viện và hồi phục ngắn, bệnh nhân có thể sớm trở lại sinh hoạt.
  • Nhờ sử dụng sóng siêu âm để dẫn đường vào thận, bệnh nhân không phải đối mặt với nguy cơ nhiễm tia xạ trong X quang.

Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật

Bệnh nhân sau khi tán sỏi qua đường hầm nhỏ có thể đi lại nhẹ nhàng trong phòng và được ăn nhẹ. Đến ngày thứ 2 bệnh nhân được kiểm tra tổng quát thận lại một lần nữa, kiểm tra ống dẫn lưu nước tiểu hoạt động bình thường và kiểm tra sỏi có bị sót lại không để có phương pháp điều trị kịp thời. 

Bệnh nhân sẽ được lưu trú theo dõi từ 3 – 4 ngày để tiếp tục theo dõi những biến chứng sau mổ để kịp thời khắc phục và điều trị. Bắt đầu từ ngày thứ 7 bệnh nhân đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường không cần theo chế độ sinh hoạt sau mổ.

Khoa Ngoại Tổng Hợp BUH sở hữu đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đào tạo trình độ sau đại học và học tập các kỹ thuật chuyên sâu ở các trường đại học và trung tâm lớn trong và ngoài nước. Là một trong các chuyên khoa trọng điểm, Khoa thực hiện đầy đủ các phẫu thuật từ tổng quát đến chuyên sâu, chuyên phẫu thuật cấp cứu, phẫu thuật và điều trị các bệnh lý ngoại khoa bao gồm: phẫu thuật tiêu hóa, lồng ngực – mạch máu, tiết niệu, chấn thương chỉnh hình, sọ não – cột sống, phẫu thuật và điều trị các bệnh lý ung thư. Ngoài ra khoa còn thực hiện một số phương pháp kỹ thuật cao trong việc tầm soát và điều trị ung thư.

Để lại một bình luận