BUH PHẪU THUẬT LẤY THAI THÀNH CÔNG CHO SẢN PHỤ MẮC BỆNH TIM BẨM SINH
Với tiền sử mắc bệnh tim tứ chứng Fallot đã được can thiệp tạm thời bằng phẫu thuật đóng lỗ thông liên thất vào năm 2014, sản phụ P.T.Q (33 tuổi) vẫn khát khao vun đắp một gia đình trọn vẹn và quyết định mang thai. Tại tuần thai thứ 33, sản phụ Q nhập viện trong tình trạng suy tim, thai chậm tăng trưởng. Thật may mắn khi hai mẹ con đã được các Bác sĩ BUH can thiệp kịp thời, hỗ trợ sản phụ “vượt cạn” an toàn. Hiện tại, sức khỏe của hai mẹ con chị Q đã ổn định và được xuất viện.
Câu chuyện người mẹ mắc bệnh tim bẩm sinh bất chấp nguy hiểm để sinh con
Với một sản phụ có sức khỏe bình thường, việc mang thai và sinh nở vốn không phải là một điều dễ dàng. Với thai phụ bị bệnh tim, thì quá trình đó còn vất vả và chông gai hơn rất nhiều lần. Chị P.T.Q ngụ tại H. Ea H’Leo, T. Đắk Lắk bị bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot (bất thường về mặt giải phẫu của tim bao gồm: Thông liên thất, tắc nghẽn đường ra thất phải, động mạch chủ cưỡi ngựa, phì đại tâm thất phải). Chị đã được điều trị bằng phẫu thuật mổ tim (vá lỗ thông liên thất) tại Viện tim TP.HCM cách đây 8 năm (năm 2014) nhưng tình trạng không ổn định về tim mạch vẫn còn nhiều, thường xuyên bị khó thở và thiếu oxy mạn tính. Quyết định mang thai với chị và gia đình là một quyết định khó khăn vì bác sĩ tim mạch đã khuyến cáo chị về nguy cơ tử vong khi sinh. Thế nhưng, với khát khao vun đắp một gia đình trọn vẹn, chị P.T.Q (33 tuổi) vẫn quyết định mang thai, bất chấp rủi ro, nguy hiểm tới tính mạng vì mong ước được đón thiên thần nhỏ đến với gia đình.
Ngày 24/11/2022, ở tuần thứ 33 của thai kỳ, chị Q bắt đầu có triệu chứng suy tim nặng hơn, phù toàn thân, khó thở liên tục, môi và các đầu ngón tay tím. Chị Q được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột thăm khám. Tình trạng lúc vào viện các chỉ số sinh hiệu ở mức: Huyết áp 140/80, nhịp tim không đều, tần số khoảng 91 lần/phút, gan mấp mé bờ sườn, ấn vùng gan tức và đau. Các chỉ số cận lâm sàng: Điện tâm đồ block nhánh phải không hoàn toàn; siêu âm tim: giãn nhĩ thái, thông liên thất đã vá còn dòng tồn lưu qua vách liên thất d#2.8mm, vận tốc qua lỗ thông vmax 2.6m/s, chênh áp P#28mmHg. Tăng áp lực động mạch phổi PAPs 86mmHg. EF: 55%, SpO2 dao động từ 75% – 78% (RẤT THẤP). Thai có dấu hiệu chậm tăng trưởng. Trước diễn tiến sức khỏe phức tạp, các bác sĩ đã chỉ định sản phụ nhập viện điều trị hỗ trợ trưởng thành phổi cho thai nhi, theo dõi sản phụ và đưa ra phương án can thiệp tốt nhất cho mẹ và bé.
Trong thời gian nằm viện, bệnh lý tim mạch của sản phụ có biểu hiện diễn biến nặng với tình trạng khó thở liên tục, áp lực động mạch phổi tăng trầm trọng và SpO2 thường xuyên thấp đến mức nguy hiểm, tiên lượng có nguy cơ tử vong cao trong cuộc mổ lấy thai. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã giải thích kỹ lưỡng và tư vấn sản phụ chuyển lên tuyến trên điều trị, tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, gia đình vẫn quyết định tin tưởng và lựa chọn mổ lấy thai tại BUH.
Để được gặp con, mẹ đã chiến đấu thật dũng cảm
Ngay sau đó, BUH đã nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa gồm: Khoa Phụ Sản, Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Tim mạch, Khoa Nhi để thống nhất kế hoạch phẫu thuật cho mẹ và bé. Phẫu thuật mổ lấy thai sẽ diễn ra vào ngày 28/11, vì tình trạng sức khỏe gặp nhiều vấn đề trước đó, nên tiên lượng trong quá trình phẫu thuật không tránh khỏi những khó khăn, nhất là các nguy cơ biến chứng suy tim cấp, phù phổi cấp, đảo shunt… Vì vậy, sản phụ Q đã được điều trị tối ưu hóa tình trạng tim mạch, hô hấp trước mổ. Khi lên phòng mổ, các bác sĩ Gây mê hồi sức đã tiến hành đặt các phương tiện theo dõi cơ bản cũng như cao cấp và chuyên biệt như hệ thống PICCO để đo cung lượng tim, sức cản mạch máu hệ thống…, BIS để đo độ mê, TOF, PTC để theo dõi độ dãn cơ… trên Monitor theo dõi của hãng Philips. Sau đó, sản phụ được tiến hành gây mê toàn thân để phẫu thuật theo đúng hướng dẫn của Bộ Y Tế. Các thông số huyết động, hô hấp được theo dõi và điều chỉnh liên tục, phù hợp với tình trạng lâm sàng và diễn tiến bệnh lý trong suốt cuộc mổ. Khi cuộc mổ kết thúc, sản phụ đã được thoát mê một cách an toàn, sử dụng các loại thuốc kết hợp gây tê cơ vuông thắt lưng để giảm đau sau mổ nhằm tránh các ảnh hưởng xấu do đau gây ra lên hệ tim mạch và hô hấp. Sau đó, sản phụ tỉnh táo, được cai máy thở thành công và tiếp tục điều trị hồi sức sau mổ tại Khoa Gây mê hồi sức với sự phối hợp của Khoa Nội Tim mạch và Khoa Phụ Sản cho đến khi tình trạng sức khỏe ổn định và chuyển sang Khoa Phụ Sản điều trị tiếp.
Mặc dù đây là một trường hợp bệnh lý rất phức tạp, nguy cơ biến chứng tử vong mẹ trong và sau cuộc mổ rất cao, nhưng các bác sĩ BUH đã cố gắng hết sức để tiên lượng, dự phòng, xử trí mọi tình huống với sự trợ giúp của các trang thiết bị hiện đại và đã không để biến cố nào xảy ra, giúp sản phụ vượt cạn một cách an toàn, khỏe mạnh.
Em bé sinh non cũng là một chiến binh kiên cường
Trẻ sinh non phải đối mặt nguy cơ suy hô hấp, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử, vàng da, xuất huyết não, phổi, tan máu, mù lòa, bại não…, giữ sinh mạng đã khó, việc nuôi dưỡng còn khó khăn hơn.
Em bé con của mẹ Q sinh non tại tuần 33, bé nhẹ cân chỉ khoảng 1140 gram. Bé được bác sĩ nhi sơ sinh đón ngay sau khi được đưa ra khỏi bụng mẹ và được chuyển xuống Khoa Nhi sơ sinh để các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, dịch nuôi dưỡng, kháng sinh điều trị. Qua từng ngày điều trị, theo dõi sát của các Bác sĩ, các Cô Điều dưỡng, bé khỏe hơn từng ngày, dần dần có thể hô hấp được trên chính lá phổi của mình mà không cần các dụng cụ hỗ trợ thở và sau đó là tự bú mẹ được.
Sau 24 ngày điều trị, sức khỏe của bé đã ổn định, bé được trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ. Trước khi xuất viện vào ngày 5/12/2022, mẹ được các Bác sĩ hướng dẫn kỹ cách chăm sóc bé tại nhà, nhắc nhở lịch hẹn tái khám đánh giá các mốc tăng trưởng cho bé. Chứng kiến cảnh tượng ấy, các Bác sĩ và điều dưỡng BUH không nguôi xúc động vì vui mừng, hạnh phúc thay cho họ.
Ths BS. Hà Văn Tuấn – Phó Giám Đốc kiêm Trưởng Khoa Phụ Sản chia sẻ: “Trường hợp của sản phụ P.T.Q hết sức đặc biệt cả về bệnh lý và hoàn cảnh cá nhân. Vì vậy, chúng tôi ngoài việc làm hết sức trong khả năng chuyên môn, còn cố gắng để thấu hiểu, chia sẻ với mong muốn chính đáng của bệnh nhân. Sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa cùng hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại chính là những yếu tố quan trọng góp phần thành công cho ca phẫu thuật.”
Qua đó các Bác sĩ BUH cũng khuyến nghị sản phụ trước khi quyết định có thai cần phải đến cơ sở y tế khám tiền thai, để được tư vấn và hỗ trợ chuyên môn đảm bảo cho việc chuẩn bị mang thai an toàn. Các thai phụ bị bệnh tim cũng nên lưu ý tuân thủ lịch khám và điều trị phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa tim mạch và khoa sản để có sự chuẩn bị, can thiệp kịp thời, đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Lưu ý: Để được tư vấn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, Quý Khách Hàng vui lòng bấm số HOTLINE 1900 1147