Nhồi máu não là một trong những loại đột quỵ gây tử vong và tàn phế cao cho người bệnh. Bệnh chiếm 80% các ca bị đột quỵ, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp xơ vữa động mạch gây ra vùng hoại tử và thiếu máu não, dẫn đến tế bào não bị chết chỉ sau vài phút.
Theo con số thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, và con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Đây là những con số đáng báo động vì độ tuổi đột quỵ não ngày càng trẻ hóa, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ là gánh nặng của gia đình và xã hội. Việc phát hiện sớm, điều trị sớm giúp người bệnh được hồi phục, trở lại cuộc sống với chất lượng tốt hơn.
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) đã cấp cứu thành công bệnh nhân nhồi máu não nguy kịch, sau 4 ngày điều trị tại Khoa Nội BUH BN đã dần hồi phục.
BUH cấp cứu thành công bệnh nhân nhồi máu não nguy kịch
Bệnh nhân T.X.P ( 48 tuổi) nhập viện trong tình trạng vẫn còn tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng liệt mặt phải, liệt và tê bì 1/2 người phải, cơ lực tay chân phải 1/5, mạch: 75 lần/phút, huyết áp: 150/90 mmHg. Tim đều, phổi trong, bụng mềm, đánh giá dấu hiệu thần kinh theo thang đo đột quỵ của Viện y tế Quốc gia (NIHSS) là 09 điểm – đột quỵ não nguy kịch.
Sau khi tiếp nhận, BN được bác sĩ Khoa cấp cứu thăm khám và chẩn đoán ban đầu: Theo dõi đột quỵ não chưa xác định xuất huyết hay nhồi máu não giờ thứ 3. Bệnh nhân nhanh chóng được thực hiện các xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não. Kết quả chụp cắt lớp vi tính xác định bệnh nhân bị nhồi máu não cấp giờ thứ 3.
Sau khi được giải thích tình trạng bệnh, phương án điều trị, gia đình đồng ý phương án điều trị của bác sĩ là thực hiện tái thông đường tĩnh mạch cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết Actylase và theo dõi theo phác đồ.
Thuốc tiêu sợi huyết Actylase được chứng minh là có lợi cho những bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não, giúp phục hồi lưu lượng máu não, có thể giúp cải thiện và giải quyết các khiếm khuyết thần kinh.
Ngay sau khi cấp cứu, bệnh nhân lấy lại được sức cơ, huyết áp được điều chỉnh về giới hạn cho phép. Cảm giác tê bì nửa người cần phải cải thiện dần theo thời gian. Sau 4 ngày điều trị, sức cơ BN gần như hồi phục hoàn toàn, không còn cảm giác tê bì.
Nguyên nhân bệnh nhồi máu não
Có nhiều nguyên nhân gây nhồi máu não như xơ vữa huyết khối của mạch máu lớn, tắc các mạch máu nhỏ trong não. Ngoài ra, các bệnh tim gây cục huyết khối như bệnh van tim, rung nhĩ, bệnh động mạch không xơ vữa và các bệnh về máu cũng có thể gây ra bệnh nhồi máu não.
Các số liệu cụ thể về nguyên nhân gây nên nhồi máu não bao gồm:
- Xơ vữa huyết khối của mạch máu lớn chiếm 50% gồm 45% mạch máu lớn ngoài sọ và 5% mạch máu lớn trong sọ
- Huyết khối từ tim như bệnh van tim, rung nhĩ, … chiếm 20%
- Tắc các mạch máu nhỏ trong não chiếm 25%
- Bệnh động mạch không xơ vữa và bệnh về máu đều chiếm dưới 5%
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ gây bệnh hay gặp là hút thuốc lá, thuốc lào, hít nhiều khói thuốc lá; ăn nhiều thực phẩm chứa cholesterol, ít ăn rau, ăn quá mặn, quá ngọt; người mắc bệnh tăng huyết áp; lượng đường trong máu cao; người ít hoạt động thể chất hoặc có thành viên trong gia đình bị xơ vữa động mạch; môi trường sống bị ô nhiễm…
Đối tượng nguy cơ bị nhồi máu não
Nhồi máu não thường gặp ở người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá.
Triệu chứng của bệnh nhồi máu não cấp
Những triệu chứng của bệnh nhồi máu não rất đa dạng, phụ thuộc vào mức độ tổn thương cũng như vị trí vùng não bị tổn thương, bệnh nhân thường gặp một số triệu chứng như sau:
- Đau đầu: Đau đầu dữ dội, đột ngột mà không rõ nguyên nhân kèm theo các triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tức ngực, đi lại loạng choạng, choáng váng, mắt mờ nhìn không rõ, tối sầm mặt mày,..
- Liệt nửa người: Cơ thể bệnh nhân thường rất yếu, mất cảm giác nửa người hoặc tê liệt toàn thân, không phối hợp được các hoạt động tay chân và thân người.
- Méo miệng, liệt mặt, khó nói hoặc nói ngọng thậm chí không nói được, nôn ói, miệng chảy nước dãi.
- Rối loạn ý thức, suy giảm trí nhớ, lú lẫn, không thể nhận biết rõ xung quanh. Có biểu hiện co giật, đại tiểu tiện không tự chủ hoặc rơi vào hôn mê.
Những lưu ý khi phát hiện triệu chứng nhồi máu não
Khi xuất hiện những triệu chứng trên, người bệnh cần giữ nguyên tư thế và không được hoạt động, sau đó nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Phòng ngừa đột quỵ
Chúng ta cũng có thể dự phòng đột quỵ và đảm bảo sức khỏe thông qua những hành động thiết thực :
– Giữ cân nặng hợp lý.
– Tập thể dục thường xuyên (30 phút/ngày, 150 phút mỗi tuần).
– Chế độ ăn đúng: Giảm chất béo, giảm muối, tăng cường rau và trái cây.
– Hạn chế rượu bia và các chất kích thích.
– Khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là duy trì điều trị ở những bệnh lý mãn tính như rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Hiện nay, tầm soát tim mạch là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ tử vong do đột quỵ, nhồi máu não. Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cung cấp dịch vụ tầm soát bệnh lý mạch máu và đột quỵ, dịch vụ thăm khám được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, hệ thống thiết bị chuẩn đoán hiện đại. Đặc biệt gói khám thiết kế khoa học, quy trình khám, tư vấn, điều trị khép kín giúp người bệnh tiết kiệm thời gian.
Khách hàng có thể tham khảo chi tiết gói khám tại: https://benhvienbmt.com/dich-vu/goi-tam-soat-benh-ly-mach-mau-va-dot-quy/
Đăng ký và tư vấn dịch vụ khám tại tổng đài tư vấn: 19001147