Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh (cuống của tinh hoàn) bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn, gây nguy cơ tinh hoàn bị thiếu máu hoại tử. Nếu điều trị không kịp thời thì sẽ dẫn đến phải cắt bỏ tinh hoàn. Bệnh thường gặp ở tuổi dậy thì và trẻ nhỏ.
Theo số liệu thống kê, xoắn tinh hoàn chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính. Người bị xoắn tinh hoàn thường bị 1 bên và cần cấp cứu tối cấp, phẫu thuật sớm để tháo xoắn, tốt nhất là trong 6h đầu, phẫu thuật càng muộn thì nguy cơ tinh hoàn bị hoại tử và phải cắt bỏ tinh hoàn càng cao. Tinh hoàn có khả năng phục hồi 83% khi xử lý sớm trước 6h, 70% trước 10h, sau 10h chỉ còn 10% và nếu sau 24h thì khó có khả năng giữ lại phải cắt bỏ.
Dấu hiệu cảnh báo xoắn tinh hoàn
– Đau vùng bìu là triệu chứng đầu tiên của xoắn tinh hoàn gặp ở 80% bệnh nhân. Đau thường xuất hiện đột ngột và tăng dần, đau dữ dội lan dọc theo thừng tinh, ống bẹn và hố chậu.
– Sưng bên tinh hoàn bị xoắn.
– Xoắn tinh hoàn thường xảy ra trong lúc ngủ. Thể điển hình gặp ở trẻ lớn.
– Độ tuổi: thường gặp ở người trẻ và trẻ em, người cao tuổi hiếm gặp hơn.
Thăm khám bệnh lý xoắn tinh hoàn
Khám thực thể:
- Tinh hoàn sưng, sờ nắn đau nhiều đặc biệt khi nâng tinh hoàn lên cảm giác đau bìu tăng lên.
- Tinh hoàn nằm co rút lên cao hơn so với bên đối diện, tinh hoàn có thể nằm ngang (do thừng tinh xoắn bị rút ngắn lại sẽ kéo tinh hoàn cao lên).
- Nếu bệnh nhân đến sớm thăm khám có thể sờ thấy nút xoắn, khó sờ thấy mào tinh.
Siêu âm
- Siêu âm Doppler bìu cho biết giảm hoặc không có dòng máu tới tinh hoàn.
- Tuy nhiên ở trẻ nhỏ khi tinh hoàn bình thường Doppler cũng không phát hiện được dòng máu trong tinh hoàn.
Chẩn đoán phân biệt giữa xoắn tinh hoàn và viêm tinh hoàn vào mào tinh hoàn
Đây là chẩn đoán phân biệt quan trọng nhất. Vì nếu viêm tinh hoàn vào mào tinh thì điều trị nội khoa, còn xoắn tinh hoàn chỉ định phẫu thuật cấp cứu nếu không tinh hoàn sẽ hoại tử.
Bảng chẩn đoán phân biệt giữa xoắn tinh hoàn và viêm tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn | Viêm tinh hoàn- mào TH | |
Khởi phát | Đột ngột | Thường vài ngày |
Vị trí tinh hoàn | Cao hơn bên kia, trục nằm ngang | Không thay đổi |
Mào tinh hoàn | Khó sờ thấy | Sờ thấy và nhạy cảm |
Nhiễm khuẩn niệu | Không có | Có thể có |
Nâng bìu | Đau tăng | Đau giảm |
Sốt | Thường không có | Có thể có |
- Xoắn mấu phụ tinh hoàn: Đây là bệnh hiếm gặp. Siêu âm Doppler bìu giúp chẩn đoán xác định, phẫu thuật không cần đặt ra vì mấu phụ sẽ hoại tử và tự teo.
- Thoát bị bẹn nghẹt: Siêu âm bìu sẽ thấy hình ảnh ống tiêu hóa hoặc mạc nối trong túi thoát vị.
Khoa Ngoại tổng hợp BUH điều trị kịp thời bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn
Vừa qua, BUH tiếp nhận trường hợp bệnh nhân (BN) nam 17 tuổi bị xoắn tinh hoàn vào thời gian muộn có nguy cơ phải cắt bỏ cao. BN đã được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma thuột phẫu thuật tháo xoắn và bảo tồn tinh hoàn thành công.
BN nhập viện trong tình trạng đau nhiều ở vùng bìu bên trái. Trước đó, BN đã phát cơn đau ở nhà nhưng vì đau từng cơn nên tới buổi tối cùng ngày, khi cơn đau trở nên dữ dội BN mới được người nhà đưa đi cấp cứu. Thăm khám cho thấy:
- BN đau nhiều tinh hoàn bên trái, nâng bìu trái đau tăng.
- Tinh hoàn trái nằm cao và nằm ngang hơn bên phải.
Sau khi thực hiện siêu âm Doppler bìu, các bác sĩ khoa Ngoại BUH chẩn đoán BN bị xoắn tinh hoàn trái và cần phẫu thuật cấp cứu ngay.
Trong quá trình mổ, quan sát thấy tinh hoàn bị tím, tiết nhiều dịch hồng, xoắn 2 vòng. Bệnh nhân được các bác sĩ tháo xoắn, ủ ấm tinh hoàn, nhỏ lidocain vào thừng tinh và cố định lại tinh hoàn. Sau mổ tinh hoàn đã hồng trở lại, tinh hoàn đã được bảo tồn thành công. Tuy nhiên vì thời gian can thiệp muộn nên tinh hoàn trái có khả năng sẽ bị suy giảm chức năng, có nguy cơ viêm tinh hoàn mãn tính hoặc teo tinh hoàn sau này.
Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ dậy thì. Việc chẩn đoán và phẫu thuật được thực hiện đơn giản. Vì vậy phụ huynh cần chú ý và quan tâm tới trẻ nhiều hơn để không để xảy ra những điều đáng tiếc dẫn đến việc tinh hoàn phục hồi kém, hoặc nặng hơn là hoại tử phải cắt tinh hoàn. Khi xuất hiện các triệu chứng đau đột ngột vùng bìu, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.