Ung thư tuyến giáp là một căn bệnh ác tính phổ biến nhất chiếm tới 90% trong các ca ung thư về nội tiết. Với sự phát triển vượt bậc về công nghệ, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ngày càng có độ nhạy cao, mọi bất thường nhỏ liên quan đến ung thư cũng được phát hiện sớm mang lại hiệu quả điều trị cao. Điều này vô tình trở thành “con dao hai lưỡi”, việc “lạm dụng tầm soát và điều trị quá tay” gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe, hiệu quả điều trị và tốn kém cho người tầm soát.
Vậy việc thăm khám và điều trị ung thư tuyến giáp nên thực hiện như thế nào ở thời điểm hiện tại? Các bác sĩ Đơn vị Ung bướu – Khoa Ngoại BUH sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể để trả lời câu hỏi trên trong bài dưới đây.
Thực trạng báo động “lạm dụng tầm soát và điều trị quá tay” ung thư tuyến giáp hiện nay
Theo Tạp chí Y khoa lớn nhất thế giới The New England Journal of Medicine về “tỷ lệ ung thư tuyến giáp thể nhú” ở Hàn Quốc năm 2014: Năm 1999, Chính phủ Hàn Quốc phát động chương trình hỗ trợ tầm soát ung thư và các bệnh thông thường khác bao gồm: Ung thư vú, dạ dày, gan, tuyến giáp. Sự phát triển vượt bậc của các công cụ tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư nhưng các chuyên gia lại lo ngại về việc “Lạm dụng tầm soát và điều trị quá tay ung thư tuyến giáp”. Số liệu thực tế cho thấy, tỷ lệ ung thư tuyến giáp tăng đột ngột nhanh chóng từ năm 1999 tới năm 2010. Hơn 40.000 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp vào năm 2010, cao hơn 100 lần số người chết vì bệnh lý này trong một thập kỷ qua. Đáng lưu ý là ⅔ trong số đó phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp triệt để bất chấp các nguyên tắc khuyến nghị. Hầu hết các di chứng phẫu thuật theo bệnh nhân suốt quãng thời gian sống còn lại.
Tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến giáp và tử vong do bệnh ở Hàn Quốc năm 1993 – 2011
(Theo The New England Journal of Medicine)
Tác hại của việc “lạm dụng tầm soát và điều trị quá tay” ung thư tuyến giáp
Theo tài liệu của Bộ Y tế, tầm soát ung thư là quá trình tìm kiếm những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư trên người chưa có triệu chứng của bệnh giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, tăng tỷ lệ chữa khỏi, giảm nguy cơ tử vong do ung thư. Tầm soát ung thư được áp dụng đối với nhóm người có yếu tố nguy cơ, tiếp xúc với tác nhân gây ung thư. Tầm soát ung thư chỉ mang lại hiệu quả khi thực hiện tầm soát trên 80% các bộ phận cần tầm soát và phải được thực hiện ở cơ sở Y tế có năng lực tổ chức được hệ thống theo dõi và điều trị.
Hiện nay việc áp dụng tầm soát ung thư sớm tại các cơ sở Y tế đã hạn chế được tỉ lệ tử vong và cải thiện kết quả điều trị hơn trước nhờ phát hiện sớm nên quá trình chữa trị trở nên thuận lợi và ít tốn kém hơn. Từ đó người bệnh ít đau đớn và giảm gánh nặng cho cả hệ thống Y tế. Bên cạnh những lợi ích mang lại từ việc tầm soát phát hiện sớm ung thư cũng kèm theo những hệ lụy khi lạm dụng thực hiện tầm soát, điều trị không theo khuyến nghị, can thiệp phẫu thuật không đúng giai đoạn hay còn gọi là “chẩn đoán và điều trị quá tay”.
Để làm rõ hơn những hệ lụy từ việc “lạm dụng tầm soát và điều trị quá tay”, các Bác sĩ Đơn vị Ung bướu BUH đã chỉ ra những hậu quả trong việc điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp không theo khuyến nghị trong Y khoa:
- Người bệnh không còn hóc môn tuyến giáp (suy tuyến giáp) dẫn tới rối loạn nhịp tim và các triệu chứng rối loạn chuyển hóa khác như mệt mỏi, tăng cân không kiểm soát…
- Tổn thương thần kinh điều khiển thanh quản, khàn họng, hạ canxi, các biến chứng sau phẫu thuật có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh sau phẫu thuật.
Để mang khái niệm “tầm soát ung thư sớm” về đúng nghĩa các chuyên gia trên thế giới đã đi tìm giải pháp và đưa ra khuyến nghị để tầm soát và điều trị ung thư hiệu quả.
Chuyên gia khuyến nghị cách tầm soát ung thư tuyến giáp hiệu quả
Trong điều trị bệnh lý ung thư tuyến giáp, Hiệp hội chẩn đoán hình ảnh học Hoa Kỳ – The American College of Radiology (ACR) đã đưa ra hệ thống tính điểm được tiêu chuẩn hóa để đánh giá một khối u tuyến giáp, từ đó đưa ra thời điểm sử dụng sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA) hoặc chỉ theo dõi định kỳ các nốt nghi ngờ. Khuyến nghị này cũng đã chỉ ra rằng, việc điều trị ung thư tuyến giáp cần được các Bác sĩ theo dõi, cân nhắc để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho từng giai đoạn.
Tạp chí Y Khoa Jamanetwork cũng đưa ra kết luận “Không nên tầm soát ung thư tuyến giáp ở người không có triệu chứng” thông qua nghiên cứu cụ thể của Nhóm chuyên trách các dịch vụ dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF). Đối với những người có triệu chứng: khàn giọng, nuốt vướng, đau vùng cổ … hoặc có nguy cơ cao ung thư tuyến giáp thì cần đi khám và tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa Ung bướu.
Một số nhóm có nguy cơ cao ung thư tuyến giáp như:
– Tiền sử chiếu xạ vùng cổ.
– Tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp thể tủy, có thể di truyền.
– Gia đình có người mắc nhóm bệnh lý đa bướu nội tiết.
Định hướng tầm soát ung thư tại BUH
Để tránh tình trạng “lạm dụng tầm soát và điều trị quá tay” ung thư tuyến giáp nói riêng và các bệnh ung thư nói chung, các bác sĩ Đơn vị Ung bướu – Khoa Ngoại BUH đã đưa ra các tiêu chí và những lưu ý để đảm bảo lợi ích cho người tầm soát như sau:
- Người tầm soát cần được xác định thuộc nhóm đối tượng tầm soát ung thư nào?
- Phương pháp thực hiện tầm soát nào cần được thực hiện?
- Lịch trình theo dõi và tầm soát.
- Phác đồ điều trị cụ thể khi phát hiện ung thư.
Khách hàng khi đến tầm soát tại BUH, các Bác sĩ thông qua việc khám sàng lọc, phân loại đối tượng cụ thể để có những chỉ định chẩn đoán cần thiết, phù hợp với từng đối tượng từ đó có hướng dẫn tầm soát cụ thể. Sau khi khám sàng lọc, các bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định chẩn đoán cần thiết thông qua các thiết bị chụp CT, MRI, siêu âm, nội soi… phù hợp với từng loại ung thư nghi ngờ. Cuối cùng để kết quả được chính xác nhất và Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.
Tại BUH phác đồ điều trị ung thư BUH được xây dựng theo hướng dẫn Quốc tế, có quy trình khám và điều trị chuyên nghiệp, sự kết hợp giữa các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác nhau tại BUH mang lại phác đồ điều trị tối ưu với chi phí điều trị hợp lý. Lựa chọn tầm soát ung thư tại BUH người tầm soát hoàn toàn yên tâm với cơ sở thiết bị hiện đại và quy trình thăm khám đảm bảo lợi ích sức khỏe và chi phí cho khách hàng.
Nguồn:
https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2625325
https://radiopaedia.org/articles/acr-thyroid-imaging-reporting-and-data-system-acr-ti-rads