UNG THƯ VÚ
BS. CKI Trần Thành Sơn
Đơn vị Ung Bướu – Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột
I. ĐẠI CƯƠNG
Ung thư xảy ra khi có những thay đổi được gọi là đột biến, xảy ra trong các gen quy định sự phát triển của tế bào. Các đột biến này làm cho các tế bào phân chia và nhân lên một cách mất kiểm soát (- Ung thư bắt nguồn từ nơi sâu thẳm của sự sống -).
Ung thư vú là ung thư phát triển trong các tế bào của vú. Thông thường, ung thư hình thành trong các tiểu thùy hoặc các ống dẫn của vú.
Các tuyến sữa là các tuyến sản xuất sữa, và các ống dẫn sữa là đường dẫn sữa từ các tuyến sữa đến núm vú. Ngoài ra, ung thư cũng có thể xảy ra trong mô mỡ hoặc mô liên kết khác ở trong vú.
Các tế bào ung thư không được kiểm soát thường xâm lấn các mô vú khỏe mạnh khác và có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết dưới nách và cánh tay. Một khi ung thư xâm nhập vào các hạch bạch huyết, nó có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, gọi là di căn xa.

II. DỊCH TỄ
Ung thư vú đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới trên thế giới và tại Việt Nam. Theo tổ chức ghi nhận ung thư thế giới GLOBOCAN 2020, hàng năm, trên thế giới có hơn 2,2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng người 680.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới với hơn 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong. Nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn rất sớm đạt 98% thì ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn khoảng 10%. Với sự tiến bộ trong sàng lọc, chẩn đoán, bệnh ung thư vú có thể chẩn đoán sớm và điều trị khỏi.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú:
– Tiền sử gia đình: có mẹ, con gái, chị, em gái bị ung thư vú.
– Phụ nữ có đột biến gen BRCA1, BRCA2.
– Tuổi cao ≥ 40 tuổi.
– Người có tiền sử chiếu xạ vùng ngực.
– Phụ nữ hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi).
– Phụ nữ mang thai muộn (>30 tuổi), không mang thai, không cho con bú.
– Những người mắc bệnh béo phì, hút thuốc lá.
– Có tiền sử mắc bệnh ung thư trước đó: vú, buồng trứng, nội mạc tử cung…
III. CÁC DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA UNG THƯ VÚ
Trong giai đoạn đầu, ung thư vú có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Trong nhiều trường hợp, có thể sờ thấy một khối u quá nhỏ, nhưng vẫn có thể nhìn thấy bất thường trên phim chụp quang tuyến vú.
Nếu có thể sờ thấy một khối u, dấu hiệu đầu tiên thường là một khối u mới ở vú mà trước đó không có. Tuy nhiên, không phải tất cả các cục u đều là ung thư.
Mỗi loại ung thư vú có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Nhiều trong số các triệu chứng này tương tự nhau, nhưng một số có thể khác. Các triệu chứng của bệnh ung thư vú phổ biến nhất bao gồm:
- Một khối u vú hoặc mô dày lên có cảm giác khác với mô xung quanh và là mô mới.
- Đau vú
- Da đỏ hoặc đổi màu, rỗ trên vú
- Sưng toàn bộ hoặc một phần vú.
- Núm vú tiết dịch bất thường
- Chảy máu từ núm vú.
- Bong tróc, đóng vảy hoặc bong tróc da trên núm vú hoặc vú
- Sự thay đổi đột ngột, không giải thích được về hình dạng hoặc kích thước của vú.
- Núm vú ngược
- Một cục u hoặc sưng tấy dưới cánh tay.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, điều đó không nhất thiết là ung thư vú. Ví dụ, đau ở vú hoặc một khối u ở vú có thể do u nang lành tính gây ra.

Tuy nhiên, nếu chúng ta phát hiện thấy một khối u trong vú hoặc có các triệu chứng khác, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để được kiểm tra và xét nghiệm thêm.
IV. CÁC GIAI ĐOẠN UNG THƯ VÚ
Ung thư vú được chia thành các giai đoạn dựa trên kích thước của khối u và mức độ di căn của nó.
Để xác định giai đoạn ung thư vú, các bác sĩ chuyên khoa ung bướu cần biết:
- Ung thư xâm lấn hoặc không xâm lấn
- Kích thước khối u
- Các hạch bạch huyết có bị di căn không
- Ung thư đã lan đến các mô hoặc cơ quan khác hay chưa
Ung thư vú có năm giai đoạn chính: giai đoạn 0 đến 4.
Ung thư vú giai đoạn 0
Giai đoạn 0 là ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS). Các tế bào ung thư trong DCIS vẫn giới hạn trong các ống dẫn trong vú và chưa lan sang các mô lân cận.
Ung thư vú giai đoạn 1
Khối u nguyên phát có kích thước từ 2cm trở xuống. Không có di căn hạch bạch huyết kế cận
Ung thư vú giai đoạn 2
Khối u có kích thước từ 2 đến 5 cm và đã lan đến 1 đến 3 hạch bạch huyết ở nách hoặc lớn hơn 5 cm và không lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào.
Ung thư vú giai đoạn 3
Khối u lớn hơn 5 cm, có di căn đến các hạch, hoặc ung thư di căn hơn 4 hạch, hoặc ung thư xâm lấn thành ngực, da, hoặc ung thư lan đến các hạch trên đòn…
Ung thư vú giai đoạn 4 (ung thư vú di căn)
Ung thư vú giai đoạn 4 có thể có một khối u ở bất kỳ kích thước nào. Các tế bào ung thư của nó đã lan đến các cơ quan ở xa.
Các xét nghiệm được thực hiện sẽ xác định giai đoạn ung thư v, điều này sẽ quyết định việc điều trị.

V. TỶ LỆ SỐNG SÓT SAU UNG THƯ VÚ
Tỷ lệ sống sót của ung thư vú rất khác nhau dựa trên nhiều yếu tố.
Hai trong số các yếu tố quan trọng nhất là loại ung thư vú mắc phải và giai đoạn ung thư tại thời điểm được chẩn đoán. Các yếu tố khác có thể đóng một vai trò nào đó bao gồm:
- Tuổi
- Tốc độ phát triển của ung thư
- Khả năng điều trị
Hiện nay, tỷ lệ sống sót sau ung thư vú đang được cải thiện rất đáng kể so với trước kia
Theo hiệp hội ung thư Hoa kỳ (ACS), vào năm 1975, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư vú ở phụ nữ là 75,2%. Nhưng đối với phụ nữ được chẩn đoán từ năm 2008 đến năm 2014, con số này là 90,6%.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư vú khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn được chẩn đoán. Chúng dao động từ 99% đối với ung thư khu trú giai đoạn đầu đến 27% đối với ung thư di căn tiến triển.

VI. CHẨN ĐOÁN UNG THƯ VÚ
Các xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán ung thư vú bao gồm:
- Chụp quang tuyến vú. Đây là phương tiện chính sử dụng để tầm soát và phát hiện ung thư vú sớm. Nhiều phụ nữ từ 40 tuổi trở lên được chụp nhũ ảnh hàng năm để kiểm tra ung thư vú.
- Siêu âm. Siêu âm vú sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các mô sâu trong vú. Siêu âm có thể giúp phân biệt giữa khối rắn, chẳng hạn như khối u và u nang lành tính.
Ngoài ra còn có thể chụp MRI hoặc sinh thiết vú.
Sinh thiết vú
Nếu nghi ngờ ung thư vú dựa trên các xét nghiệm như chụp quang tuyến vú hoặc siêu âm, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật gọi là sinh thiết vú.
Một số phương pháp sinh thiết vú: chọc hút kim nhỏ (FNA) để lấy tế bào xét nghiệm; sinh thiết lõi kim (core biopsy) và sinh thiết mở giúp lấy mẫu mô tổn thương để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, giúp chẩn đoán chính xác ung thư vú.

VII. ĐIỀU TRỊ UNG THƯ VÚ
Giai đoạn ung thư vú, mức độ xâm lấn của nó (nếu có) và khối u đã phát triển lớn như thế nào đều đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định phương thức điều trị.
Để bắt đầu điều trị, cần phải xác định kích thước, giai đoạn và mức độ ung thư vú. Mức độ ung thư mô tả khả năng ung thư phát triển và lan tràn.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư vú phổ biến nhất. Nhiều người còn có các phương pháp điều trị bổ sung, chẳng hạn như hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, xạ trị hoặc liệu pháp hormone, điều trị miễn dịch.
1. Phẫu thuật
Một số loại phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ ung thư vú, bao gồm:
- Cắt bỏ khối u, bảo tồn vú. Thủ thuật này loại bỏ khối u và một số mô xung quanh, giữ nguyên phần còn lại của vú.
- Cắt bỏ vú. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ toàn bộ một bên vú. Trong một ca phẫu thuật có thể cắt bỏ cả hai vú.
- Sinh thiết hạch. Phẫu thuật này loại bỏ một vài hạch bạch huyết nhận dẫn lưu bạch huyết từ khối u (hạch lính gác). Các hạch bạch huyết này sẽ được kiểm tra xét nghiệm. Nếu chúng không bị di căn thì có thể không cần phẫu thuật bổ sung để loại bỏ thêm các hạch bạch huyết khác.
- Nạo hạch nách. Nếu các hạch bạch huyết bị loại bỏ trong quá trình sinh thiết hạch lính gác có chứa tế bào ung thư, cần loại bỏ thêm các hạch bạch huyết khác.
- Cắt bỏ vú dự phòng bên. Mặc dù ung thư vú có thể chỉ xuất hiện ở một bên vú, nhưng một số người chọn phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng một bên. Phẫu thuật này loại bỏ vú lành còn lại để giảm nguy cơ phát triển ung thư vú trở lại.

2. Xạ trị
Với xạ trị, các chùm tia bức xạ công suất cao được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hầu hết các điều trị xạ tri ung thư vú đều sử dụng tia bức xạ ngoài.
3. Hóa trị liệu
Hóa trị là một phương pháp điều trị bằng thuốc hóa chất, được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này thường được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là phẫu thuật.
Một số người sẽ được phẫu thuật trước sau đó là các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như hóa trị hoặc xạ trị. Đây được gọi là liệu pháp bổ trợ. Những người khác có thể hóa trị trước để thu nhỏ ung thư, được gọi là liệu pháp tân bổ trợ, sau đó phẫu thuật.
4. Liệu pháp hormone
Nếu loại ung thư vú có xét nghiệm thụ thể nhạy cảm với hormone, bác sĩ có thể bắt đầu điều trị bằng liệu pháp hormone . Estrogen và progesterone, hai nội tiết tố nữ, có thể kích thích sự phát triển của các khối u ung thư vú.
Liệu pháp hormone hoạt động bằng cách ngăn chặn cơ thể sản xuất các hormone này hoặc bằng cách ngăn chặn các thụ thể hormone trên tế bào ung thư, giúp làm chậm và có thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
5. Thuốc bổ sung
Một số phương pháp điều trị được dùng để tấn công các bất thường hoặc đột biến cụ thể trong tế bào ung thư.
Ví dụ, Herceptin (trastuzumab) có thể ngăn cơ thể bạn sản xuất protein HER2. HER2 giúp tế bào ung thư vú phát triển, vì vậy dùng thuốc làm chậm quá trình sản xuất protein này có thể giúp làm chậm sự phát triển của ung thư.
Ngoài ra còn các thuốc điều trị miễn dịch khác.
Đơn vị Ung Bướu – Khoa Ngoại Tổng hợp BUH là đơn vị chuyên khoa có chức năng chẩn đoán, tầm soát và điều trị ung thư. Đơn vị liên tục cập nhập các phác đồ điều trị mới nhất trên thế giới, điều trị ung thư phối hợp đa mô thức với các phương pháp như: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, sinh học, trúng đích, miễn dịch và một số phương pháp khác.
Đơn vị Ung bướu tiếp nhận điều trị Ung thư vú ở tất cả các giai đoạn. Đặc biệt, Đơn vị có thực hiện phẫu thuật tái tạo lại vú sau cắt bỏ theo đúng chỉ định cho từng giai đoạn bệnh, giúp phục hồi tính thẩm mỹ, tâm lý và tái hòa nhập cuộc sống bình thường cho người phụ nữ.
Để được tư vấn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, Quý Khách Hàng vui lòng bấm số HOTLINE 1900 1147