PHẪU THUẬT GHÉP KHUYẾT SỌ TRONG CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO
Phẫu thuật ghép khuyết sọ trong chấn thương sọ não nhằm mục đích sửa chữa một khuyết hổng xương sọ sau chấn thương sọ não hoặc phẫu thuật mở sọ giải áp. Hiện nay có hai phương pháp chính để tạo hình khuyết hổng xương sọ là ghép sọ tự thân hoặc ghép sọ bằng các vật liệu nhân tạo như xi măng sinh học, vật liệu carbon hoặc lưới Titanium,… Tại Đơn vị Ngoại thần kinh – Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột đã và đang triển khai phẫu thuật ghép khuyết sọ với đội ngũ Bác sĩ chuyên môn cao và đầy đủ trang thiết bị hiện đại hỗ trợ.
1. Phẫu thuật ghép khuyết sọ trong chấn thương sọ não
Phẫu thuật ghép khuyết sọ trong chấn thương sọ não nhằm mục đích sửa chữa một khuyết hổng xương sọ sau chấn thương sọ não hoặc phẫu thuật mở sọ giải áp. Hiện nay có hai phương pháp chính để tạo hình khuyết hổng xương sọ là ghép sọ tự thân hoặc ghép sọ bằng các vật liệu nhân tạo như xi măng sinh học, vật liệu carbon hoặc lưới Titanium …
Bệnh nhân bị khuyết xương sọ có thể gặp tình trạng chóng mặt, đau nhức đầu, có thể dẫn đến liệt, ý thức bị suy giảm, rối loạn cơ vòng. Phần não nằm dưới cùng khuyết xương sọ cũng dễ bị tổn thương. Một số trường hợp xương sọ bị lõm còn gây nên tình trạng thần kinh chậm phát triển và chứng động kinh ở người bệnh.
Ngoài vấn đề về sức khỏe người khuyết sọ còn cảm thấy mất tự tin trong giao tiếp, mặc cảm vì hình dáng bên ngoài do việc khiếm khuyết hộp sọ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

2. Các phương pháp trong phẫu thuật ghép khuyết sọ
Hiện nay có hai phương pháp chính để tạo hình khuyết hổng xương sọ là ghép sọ tự thân hoặc ghép sọ bằng các vật liệu nhân tạo:
- Phương pháp ghép sọ tự thân
Phẫu thuật ghép khuyết sọ tự thân là phương pháp thường được sử dụng sau các phẫu thuật giải áp điều trị phù não do chấn thương, sau phẫu thuật u não. Phương pháp này mang lại hiệu quả lâu dài cho người bệnh, chống chỉ định với là những bệnh nhân đang mắc nhiều bệnh nền, bệnh nhân có vấn đề về tâm thần cũng như vùng khuyết xương sọ bị viêm nhiễm nặng.
Xương tự thân dùng để ghép có thể là xương mào chậu, bản ngoài xương sọ hoặc xương sườn, được lấy để ghép vào vùng khuyết xương sọ, sau đó đặt dẫn lưu trong các trường hợp cần thiết. Hoặc cũng có thể tạo hình xương sọ bằng chính mảnh sọ cắt ra lúc phẫu thuật giải áp. Mảnh sọ được cắt ra và chuyển đến các ngân hàng mô, bảo quản và tiệt trùng với tia gamma, giữ ở nhiệt độ -85°C. Theo khuyến cáo phẫu thuật nên được ghép lại từ 3-9 tháng sau phẫu thuật mở sọ đầu để tránh nguy cơ viêm rò, tiêu sập xương sọ do phản ứng đào thải của cơ thể.
Một số biến chứng có thể gặp phải sau khi tạo hình xương sọ bằng xương tự thân đó là chảy máu vết thương, tụ máu dưới da, nhiễm trùng vết mổ, viêm não, viêm màng não, hoại tử vùng da đầu, hoại tử mảnh ghép…Những biến chứng này được xử trí bằng cách bù tuần hoàn, cầm máu, băng ép, cấy dịch vết thương để làm kháng sinh đồ, điều trị nhiễm trùng và viêm não màng não theo kháng sinh đồ. Ngoài ra có thể phẫu thuật lấy mảnh ghép ra lại và tiến hành tạo hình bảo vệ màng cứng bằng cách ghép sọ bằng chất liệu nhân tạo.
- Phương pháp ghép sọ bằng chất liệu nhân tạo
Ghép sọ nhân tạo được chỉ định trong trường hợp: Chấn thương sọ não kín gây lún sọ; Vết thương sọ não hở gây vỡ vụn, vỡ nát xương sọ; Viêm rò mảnh sọ tự thân sau phẫu thuật ghép sọ thì đầu; Viêm tiêu mảnh ghép xương sọ.
Hiện nay vật liệu nhân tạo thường được sử dụng để tạo hình xương sọ như lưới titan vá sọ, xi măng nhân tạo, carbon…
- Vá sọ bằng vật liệu xi măng (là loại xi măng sinh học trong y khoa), sau khi trộn lên và tạo hình thì trong vòng 7 phút sẽ đông cứng khối xi măng đó. Như vậy sẽ cho hình ảnh của 1 khối chắc chắn, bảo quản được tổ chức mô bên dưới. Nếu tạo hình không khéo thì hộp sọ sẽ không được tròn trịa, cong vênh và khi đặt vào vị trí khuyết sẽ không hợp. Đứng về góc độ thẩm mỹ sẽ không được như ý, đây là lý do tạo hình ghép khuyết sọ 3D đã ra đời và hỗ trợ phương diện thẩm mỹ khi thực hiện tạo hình.
- Sử dụng miếng ghép nhân tạo bằng titan để ghép khuyết sọ, thời gian tạo hình không bị giới hạn, có thể sử dụng miếng sọ đó uốn nắn sao cho như ý và cố định vào hộp sọ của người bệnh. Phương pháp này đảm bảo được tính thẩm mỹ cao cho người bệnh.
Để có được miếng ghép xương sọ nhân tạo có kích thước và hình dáng phù hợp với phần khuyết của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp ghép sọ 3D. Bước đầu, bệnh nhân sẽ được chụp cắt lớp vi tính sọ não để có được hình ảnh 3D của vùng khuyết xương sọ, sau đó các thông tin này sẽ được sử dụng trong giai đoạn dựng hình 3D để cho ra được ổ khuyết sọ. Tùy theo hình dáng của sọ, người ta sẽ đúc 1 phần nắp sọ bằng xi măng hoặc bằng titan vừa khít với diện khuyết của bệnh nhân. Lúc đó bác sĩ sẽ mở phần dưới da và đặt nắp sọ vào và đảm bảo được tính thẩm mỹ.
3. Phẫu thuật ghép khuyết sọ tại Đơn vị Ngoại thần kinh BUH

Ghép sọ bằng vật liệu nhân tạo là một trong những bước tiến hiện đại trong phẫu thuật ghép khuyết sọ, sự ra đời của các mảnh ghép xương sọ nhân tạo góp phần to lớn đến khả năng thành công của phẫu thuật tạo hình xương sọ, giúp được nhiều bệnh nhân khuyết xương sọ trong việc giải quyết các vấn đề về sức khỏe và mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho bệnh nhân. Tuy nhiên để lựa chọn phương pháp hiệu quả và phù hợp nhất trong các trường hợp cần ghép khuyết sọ, các Bác sĩ ngoại thần kinh sẽ cân nhắc theo từng tình trạng bệnh lý của người bệnh.
Phẫu thuật ghép khuyết sọ là một kỹ thuật phức tạp, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế có đủ điều kiện để thực hiện, đặc biệt cần được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ cao, cơ sở vật chất hiện đại đảm bảo hiệu quả lâu dài cho người bệnh.

Ghép sọ tự thân và ghép sọ nhân tạo là hai phương pháp đang được áp dụng thường quy tại Đơn vị Ngoại thần kinh – Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột nhằm khôi phục phần xương sọ bị khuyết cho người bệnh. Với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên viên, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm tay nghề trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.