THUỐC ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP NÊN UỐNG SÁNG HAY TỐI?
Tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp và để lại nhiều hậu quả nguy hiểm về bệnh tim mạch cho bệnh nhân. Theo thống kê có tới hàng tỷ người trên thế giới đang phải điều trị tăng huyết áp [1]. Việc sử thuốc điều trị tăng huyết áp đã có nhiều hướng dẫn/phác đồ khác nhau, tuy nhiên về thời điểm dùng thuốc thì hiện vẫn còn đang tranh cãi.
Trước đây, thuốc điều trị tăng huyết áp thường được sử dụng vào ban ngày (khi có nhiều hoạt động thể lực và có nhiều yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp hơn, hoặc sự bất tiện khi sử dụng nhóm lợi tiểu vào ban đêm…). Nhưng gần đây có khá nhiều nghiên cứu đánh giá về thời gian sử dụng thuốc điều trị THA giữa ban đêm và ban ngày với các kết quả thu được khác nhau.
Năm 2011, Ping Zhao cùng cộng sự đã công bố bài phân tích “Evening versus morning dosing regimen drug therapy for hypertension” trên Cochrane Database Syst Rev [2], trong đó đánh giá dữ liệu với 21 thử nghiệm liên quan tới thời gian dùng thuốc điều trị THA (các thuốc chủ yếu thuộc nhóm ACEi, ARB và CCB). Kết quả thu được cho thấy, không có sự khác biệt giữa việc dùng thuốc ban ngày và đêm, ngoại trừ huyết áp trung bình trong 24h khi dùng ban đêm giảm tốt hơn ban ngày (-1.7/-1.38 mm Hg), tuy nhiên khác biệt 0.32 mm Hg không có ý nghĩa nhiều trong thực tế.
Năm 2017, nghiên cứu CHOSA [3] được tiến hành so sánh thời gian dùng thuốc điều trị THA ở những bệnh nhân mắc kèm bệnh ngưng thở khi ngủ (một trong những nguyên nhân gây ra THA). Kết quả cho thấy sử dụng thuốc vào ban ngày cho hiệu quả hạ huyết áp so với ban đêm là 1.8 mmHg (95% CI 1.1 to 2.5).
Tuy nhiên công bố trong năm 2019 của Hermida cùng cộng sự [4] đã gây ra rất nhiều tranh cãi về kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu tiến cứu, đa trung tâm với 19000 bệnh nhân, kết quả cho thấy sử dụng thuốc vào ban đêm (bed time) làm giảm gần 50% các biến cố tim mạch [0.55 (95% CI 0.50–0.61), p < 0.001], cũng như các trường hợp tử vong liên quan tới bệnh tim mạch vành [0.44 (0.34–0.56)]. Sau kết quả này đã có nhiều phản biện về tính chính xác của nghiên cứu, có phải là thử nghiệm “ngẫu nhiên có đối chứng” không (trong nghiên cứu dùng từ “assigned,” thay vì “randomized”.
Gần đây, Hội tim mạch châu Âu (ESC) đã công bố nghiên cứu TIME vào 8/2022 về so sánh thời điểm dùng thuốc điều trị THA [5]. Nghiên cứu tiến hành với 21000 bệnh nhân với các yếu tố đánh giá chính các bệnh về tim mạch và tử vong có liên quan tới bệnh tim mạch. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về thời điểm dùng thuốc điều trị thuốc THA giữa ngày và đêm (0.95; 0.83–1.10; p=0.53). Một trong những nguyên nhân làm cho không có sự khác biệt là thời gian tác dụng của thuốc. Trước đây một số thuốc có thời gian tác dụng ngắn (captopril) vì vậy thời điểm dùng thuốc rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay, có rất nhiều thuốc tác dụng kéo dài được sử dụng (amlodipin, lisinopril…) làm cho việc kiểm soát huyết áp trong 24h ổn định hơn.
Tóm lại, ngoại trừ một số nhóm gây ra bất tiện khi dùng ban đêm như thuốc lợi tiểu, việc sử dụng thuốc điều trị THA có thể dùng vào ban ngày hoặc đêm (tùy thuộc theo sự thuận tiện và tuân thủ của bệnh nhân).
Tài liệu tham khảo:
1. Williams B, Mancia G, Spiering W, et 2018 ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension. Eur Heart J. 2018;39:3021–3104.
2. Zhao P, Xu P, Wan C, Wang Z. Evening versus morning dosing regimen drug therapy for hypertension. Cochrane Database Syst Rev. 2011 Oct 5;2011(10):CD004184.
3. Serinel Y, Yee BJ, Grunstein RR, Wong KH, Cistulli PA, Arima H, Phillips CL. Chronotherapy for hypertension in obstructive sleep apnoea (CHOSA): a randomised, double-blind, placebo-controlled crossover trial. Thorax. 2017 Jun;72(6):550-558.
4. Ramón C Hermida, Juan J Crespo, Manuel Domínguez-Sardiña, Alfonso Otero, Ana Moyá, María T Ríos, Elvira Sineiro, María C Castiñeira, Pedro A Callejas, Lorenzo Pousa, José L Salgado, Carmen Durán, Juan J Sánchez, José R Fernández, Artemio Mojón, Diana E Ayala, for the Hygia Project Investigators, Bedtime hypertension treatment improves cardiovascular risk reduction: the Hygia Chronotherapy Trial, European Heart Journal, Volume 41, Issue 48, 21 December 2020, Pages 4565–4576
5. https://www.escaorg/The-ESC/Press-Office/Press-releases/Evening-dosing-of-blood- pressure-medication-not-better-than-morning- dosing?fbclid=IwAR057O1Y1sst9550C0ehT1ftmVrQLDn0TEHNChKEuEUZgXM3-fjRUTeeRDc