GIÀNH GIẬT SỰ SỐNG TỪ TAY TỬ THẦN – BUH PHỐI HỢP CÁC CHUYÊN KHOA CỨU SỐNG 2 CA CẤP CỨU “CĂNG NÃO” 

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã phải túc trực từng giây, từng phút để cứu sống thành công 2 ca cấp cứu đặc biệt: nhồi máu cơ tim cấp biến chứng ngưng tim nhiều lần và xuất huyết não lần 2.

TRƯỜNG HƠP 1: Khoa Tim mạch BUH đã thực hiện can thiệp thành công bằng kỹ thuật đặt stent mạch vành khẩn cấp cho nam bệnh nhân B.V.C (77 tuổi, TP. Buôn Ma Thuột) với tình trạng nhồi máu cơ tim và ngưng tim đột ngột.

Diễn biến: Trước đó, BN đã xuất hiện những cơn đau sau xương ức, đau ngực trái, kiểu đè nặng, bóp nghẹt kéo dài hơn 30 phút kèm triệu chứng khó thở và vã mồ hôi lạnh. 

BN vào viện với tiên lượng nặng, từng có tiền sử tăng huyết áp, suy tim EF bảo tồn được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên vùng dưới/ tăng huyết áp, nhưng lần nhập viện này EF đã giảm rất nhiều (EF: phân suất tống máu cho biết chức năng co bóp cơ tim). Trong lúc các bác sĩ đang thăm khám tại khoa cấp cứu thì người bệnh đột ngột ngừng tim lúc 14h33p. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản thở máy và BN đã có tim trở lại sau 20 phút cấp cứu, nhịp thở người bệnh cũng ổn định trở lại, các dấu hiệu sinh tồn khác cũng phục hồi. Ngay sau đó, đội ngũ bác sĩ chuyên Khoa tim mạch đã tiến hành đo điện tim, chụp mạch vành và làm các xét nghiệm đánh giá toàn trạng; phối hợp với Khoa Gây mê hồi sức để can thiệp đặt stent tái thông động mạch vành phải RCA (là động mạch thủ phạm). Trong quá trình can thiệp, BN tiếp tục bị ngưng tim nhiều lần trên bàn mổ, tuy nhiên các bác sĩ của hai Khoa Tim mạch và Khoa Gây mê hồi sức đã phối hợp cấp cứu thành công, giữ cho trái tim đập trở lại, giúp người bệnh vượt qua được giai đoạn nguy hiểm. Đây là trường hợp nhồi máu cơ tim có diễn tiến nhanh, đột ngột, nguy cơ tử vong đến 95% nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Sau can thiệp, BN được chuyển về Khoa Gây mê hồi sức để tiếp tục điều trị, hồi sức và theo dõi sát sao. Tuy nhiên, tình trạng người bệnh tiếp tục diễn biến khá phức tạp: Do hậu quả của việc nhồi máu cơ tim, ngưng tim nhiều lần dẫn tổn thương não do thiếu oxy, suy đa phủ tạng (suy tim, suy gan, suy thận), viêm phổi do phù phổi, xuất huyết mũi, xuất huyết niêm mạc dạ dày do tác dụng phụ của thuốc chống đông… Trong suốt 8 ngày điều trị hồi sức tích cực tại Khoa Gây mê hồi sức, BN đã được dùng thuốc an thần, thở máy để chống phù phổi, tạo điều kiện cung cấp oxy tối ưu nhằm bảo vệ não, dùng thuốc vận mạch, trợ tim để giúp tim đập tốt hơn, nâng huyết áp nhằm tưới máu đầy đủ, bảo vệ và phục hồi chức năng các tạng đã bị suy. Ngoài ra, các bác sĩ còn thực hiện các biện pháp điều trị khác như kiểm soát đường huyết, kháng sinh, dự phòng loét do tì đè, dự phòng viêm phổi thở máy, dự phòng thuyên tắc tĩnh mạch, dinh dưỡng nâng cao thể trạng, điều chỉnh các rối loạn toan kiềm, dùng các thuốc hỗ trợ để phục hồi chức năng các tạng đã bị suy, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, vệ sinh răng miệng và cơ thể…

Kết quả: Nhờ sự chăm sóc tận tâm của đội ngũ y bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức trong suốt quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân đã được cai máy thở, các cơ quan bị tổn thương được phục hồi và chuyển lên Khoa Tim mạch để theo dõi, điều trị tiếp. Ngày 08/08 tình trạng của BN đã ổn định hẳn và được xuất viện.

BSCK1. Đặng Thế Thành – Trưởng Khoa Gây mê hồi sức chia sẻ: ”BN Chương là một trường hợp bệnh rất nặng và điều trị rất khó khăn, hậu quả của việc ngưng tim nhiều lần rất nặng nề do đã gây ra tổn thương đa cơ quan. Ngoài ra, trong suốt quá trình điều trị hồi sức, Ekip điều dưỡng và bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức ngoài điều trị chuyên môn còn phải lo lắng và đảm nhiệm thực hiện tất cả các vấn đề sinh hoạt khác cho người bệnh. Do bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê, người nhà bị hạn chế ra vào nên việc chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh, vận động thụ động, xoay trở… rất quan trọng, giúp ngăn chặn các biến chứng như: loét tì đè, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, viêm phổi, suy dinh dưỡng… Điều đặc biệt là trong suốt quá trình điều trị, người nhà luôn có niềm tin lớn ở các bác sĩ, đồng hành và theo sát người thân, giúp tạo động lực to lớn để các Bác sĩ và bệnh nhân chiến thắng tử thần.”

Trường hợp 2: BN N.V.S (60 tuổi, Buôn Đôn) – “Vượt qua cửa tử” ngoạn mục sau sau 2 lần xuất huyết não 

Xuất huyết não lần 1: Ngày 26/07, Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê do xuất huyết não bán cầu phải với tiền sử tăng huyết áp, nghiện rượu, rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu. 

Các bác sĩ BUH đã nhanh chóng thực hiện phẫu thuật mở sọ, lấy máu tụ trong não, giải áp, cấp cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Trong quá trình phẫu thuật, Ê-kíp phẫu thuật gồm bác sĩ chuyên Khoa Ngoại thần kinh, Khoa Gây mê hồi sức đã phối hợp rất nhịp nhàng và hiệu quả trong suốt quá trình phẫu thuật để cuộc mổ diễn ra nhanh chóng, an toàn và thành công.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về Khoa Gây mê hồi sức để theo dõi và hồi sức. Việc chăm sóc, điều trị hồi sức bệnh nhân sau phẫu thuật thần kinh sọ não là vô cùng khó khăn, phức tạp  là trên cơ địa người bệnh có tăng huyết áp, nghiện rượu, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu… Nhưng tại đây, ở tất cả các khâu từ hồi sức chống phù não đến điều trị chống nhiễm trùng, dinh dưỡng tích cực, giữ ổn định áp lực nội sọ, chống động kinh, kiểm soát huyết áp, điều chỉnh rối loạn đông máu, điều trị hội chứng cai rượu… đều được các nhân viên thực hiện một cách đầy nỗ lực, kiên trì và phối hợp chặt chẽ với nhau. 

Và điều kỳ diệu cuối cùng đã xảy ra: Sau 5 ngày được chăm sóc và điều trị hồi sức tích cực, BN đã cai được máy thở. Sau 10 ngày điều trị, BN tỉnh táo, sinh hiệu ổn, ăn uống tốt, đi lại được và tiếp tục theo dõi điều trị tiếp hội chứng cai rượu. Sau khi sức khỏe ổn định BN được chỉ định xuất viện và tiếp tục điều trị vật lý trị liệu.

Xuất huyết não lần 2: Sau 10 ngày xuất viện, bệnh nhân đột ngột kích động, lú lẫn và hôn mê, được chẩn đoán xuất huyết não bên phải lần 2 vào ngày 28/08 khi đang điều trị vật lý trị liệu. Ngay lập tức, BN được chuyển cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, chỉ số Glasgow chỉ ở 5 điểm (mức độ nặng), huyết động phụ thuộc vào thuốc vận mạch.

Sau khi hội chẩn đánh giá, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành phẫu thuật giải áp, lấy máu tụ trong bán cầu não phải lần thứ 2 cho bệnh nhân. Hậu quả của xuất huyết não lần 2 thường rất nặng nề và khả năng phục hồi ít hơn, công tác điều trị cũng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. 

Song, với sự hỗ trợ tận tình, nhanh chóng cùng năng lực và kinh nghiệm chuyên môn hồi sức tích cực sau mổ của đội ngũ y bác sĩ tại Khoa gây mê hồi sức, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công ngoạn mục, BN đã có những hồi phục rất khả quan và chuyển về điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp.

Kết quả: BN đã chuyển lên Khoa Ngoại tổng hợp để tiếp tục điều trị, chăm sóc, theo dõi phục hồi và xuất viện trong tình trạng ổn định.

Nhìn lại toàn bộ quá trình tiếp nhận và giải quyết ca cấp cứu trên, sự thành công trong việc cứu sống bệnh nhân đều phụ thuộc vào sự phản ứng kịp thời  và phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ trong ê-kíp Cấp cứu, Gây mê hồi sức và các chuyên khoa. Trong trường hợp này, nếu không can thiệp kịp thời trong khoảng “thời gian vàng”, dù chỉ một phút thôi, cũng khiến bệnh nhân mất đi cơ hội sống sót.

Hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã và đang tiếp nhận, điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, xuất huyết não, đột quỵ … đồng thời sự phối hợp giữa các khoa chuyên môn và đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đã giúp quá trình cấp cứu bệnh nhân được diễn ra nhanh chóng, hạn chế di chuyển lên tuyến trên, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

 

 

 

Để lại một bình luận