NANG XƯƠNG HÀM DO ĐIỀU TRỊ TỦY SAI CÁCH - “Thủ phạm” phá hủy xương thầm lặng

Nang là một hốc bệnh lý trong xương hàm có chứa dịch loãng hoặc nửa loãng hoặc khí, được lót bằng lớp tế bào biểu mô nhưng không phải luôn luôn có. Nang xương hàm được tạo thành bởi nguyên nhân do răng hoặc không do răng và các loại nang bẩm sinh, trong đó nang xương hàm do răng là một tình trạng bệnh lý phổ biến nhất, thường gặp nhất trên lâm sàng.

1. Phân loại nang xương hàm.

Có nhiều cách phân loại nang xương hàm, nhưng hai loại phổ biến thường gặp trên lâm sàng là nang chân răng và nang thân răng.

  • Nang chân răng:

        Là nang phát triển liên quan trực tiếp với chân răng, là loại nang thường gặp nhất ở xương hàm. Nguyên nhân là do sự nhiễm trùng mãn tính ở quanh cuống răng tạo nên tổ chức hạt quanh cuống, đồng thời cũng kích thích mảnh vụn biểu mô Malassez phát triển để hình thành u hạt biểu mô, rồi sẽ tiến triển hình thành nang chân răng. Nang chứa dịch bên trong lớn dần đưa đến sự tiêu xương lân cận và sự bành trướng của nang.

  • Nang thân răng

       Nang thân răng là nang bao bọc quanh một hoặc nhiều thân răng ngầm chưa mọc trên cung hàm. Nguyên nhân gây nên nang thân răng có thể là do viêm mạn tính quanh cuống răng sữa làm thay đổi thoái hóa ở cơ quan tạo men để phát triển thành nang, hoặc sự hình thành nang có thể từ một điểm nào đó của dây kéo răng đã có sự thay đổi dẫn tới hình thành nang ở vị trí trên răng hoặc nang phát triển quanh một thân răng ngầm.

2. Cách để phát hiện nang xương hàm

Nang xương hàm thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Bác sĩ hoặc nha sĩ có thể phát hiện ra bệnh trong quá trình kiểm tra hoặc chụp X-quang định kỳ. Bệnh thường có những triệu chứng giống như một vết sưng hoặc cục không đau. Những u nang và khối u này thường lành tính (không phải ung thư), tuy vậy tất cả các khối u ở đầu và cổ phải được các bác sĩ phẫu thuật miệng, hàm mặt kiểm tra càng sớm càng tốt.

Sau khi bác sĩ phẫu thuật kiểm tra u nang hoặc khối u, thường sẽ đề nghị bạn chụp X-quang panorex (chụp X-quang miệng và hàm), chụp CT (X-quang cho thấy bên trong một bộ phận cơ thể) hoặc MRI vùng đầu cổ.

3. Trung tâm Răng Hàm Mặt BUH điều trị kịp thời bệnh nhân nang xương hàm do điều trị tủy răng không đúng cách

Vừa qua, BUH tiếp nhận trường hợp bệnh nhân (BN) P.D.T (nam, 23 tuổi) cách đây 3 năm bệnh nhân đã được điều trị tủy và bọc sứ răng 46. BN đến Trung tâm Răng Hàm Mặt BUH để khám định kỳ, sau khi chụp phim và thăm khám: bác sĩ phát hiện nang xương hàm dưới khá to nguyên nhân do răng 46 điều trị tủy không tốt dẫn đến hình thành nang xương, gây tiêu xương, nang không đau, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng to dần dần đến biến dạng mặt và cần phẫu thuật để loại bỏ nang xương.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thùy Phương – Trưởng Đơn Nguyên Răng Hàm Mặt BUH cho biết: “Đây là bệnh lý mang tính chất lành tính, diễn tiến âm thầm phá hủy xương mà hoàn toàn không đau, không có triệu chứng cho đến khi giai đoạn toàn phát quá muộn mới bộc lộ ra bên ngoài. Bệnh này thường để lại những hậu quả nặng nề về thẩm mỹ, gây tiêu xương, thậm chí gây gãy xương bệnh lý.”

Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhổ răng 46, cắt nang xương hàm, ghép xương nhân tạo; và đặt lịch hẹn cấy implant cho khách khi xương tích hợp với hàm. 

Tại Trung Tâm Răng Hàm Mặt BUH, bệnh lý này còn khá phổ biến và thường đến khám vào giai đoạn bệnh lý đã quá muộn khi mà xương hàm đã bị phá hủy rất nghiêm trọng. Khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng xương hàm mặt, người bệnh cần thăm khám bác sĩ kịp thời để phát hiện sớm khối u hàm mặt. Tránh tình trạng để u nang hàm phát triển gây ra những triệu chứng nặng và gây biến dạng khuôn mặt

Để lại một bình luận