Viêm da thần kinh hay còn gọi là lichen đơn dạng mạn tính, là một thể của bệnh chàm, rất khó để điều trị triệt để gây ảnh hưởng nhiều lên chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy bệnh lý này có đặc điểm thế nào? Nguyên nhân và cách điều trị ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

 

Viêm da thần kinh là gì?

Viêm da thần kinh hay lichen đơn dạng mạn tính là một dạng của bệnh chàm, biểu hiện bởi các vùng da khô, có vảy và dày lên của thượng bì. Nguyên nhân của sự dày lên thượng bì là do việc cào gãi liên tục ở một vùng da trong thời gian dài. Căn nguyên có thể do một rối loạn tâm lý hoặc thứ phát sau các bệnh lý da sẵn có như là viêm da cơ địa hoặc vảy nến. Mặc dù viêm da thần kinh là một rối loạn da không đe dọa tính mạng, không lây cho người khác, ít khi tiến triển ác tính, nhưng việc ngứa thường xuyên, kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

viêm da mạn tính

Vị trí bệnh viêm da mạn tính thường xuất hiện như: đầu, cổ, cánh tay, da đầu,…. 

Nguồn : Lichen Simplex Chronicus Flashcards | Quizlet

Đặc điểm của viêm da thần kinh

Ngứa là triệu chứng thường gặp nhất. Các cơn ngứa có thể rất dữ dội, thành từng cơn hoặc liên tục. Vòng xoắn ngứa – gãi – ngứa là một đặc điểm làm cho bệnh rất khó điều trị và làm xuất hiện rộng hơn các sang thương ở da. 

Sang thương có thể đơn lẻ hoặc nhiều tổn thương. Vị trí tổn thương có thể ở bất cứ vùng da nào, nhưng thường xuất hiện nhất ở các vị trí dễ tiếp cận như: đầu, cổ, cánh tay, da đầu, vùng sinh dục, hậu môn. 

Sang thương da có đặc điểm dày, gồ trên mặt da, có thể có vảy. Màu sắc thương đậm hơn các vùng da lành.Kích thước của mảng ngứa rất đa dạng, từ 1-2cm tới hơn 10cm. 

viêm da mạn tính

Hình: Lichen đơn dạn mạn tính 

(nguồn: Lichen Simplex Chronicus – Rối loạn Da liễu – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia (msdmanuals.com))

Dịch tễ – nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của viêm da thần kinh  

Viêm da thần kinh – lichen đơn dạng mạn tính, được ước tính xuất hiện ở khoảng 12% dân số. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thường bắt đầu ở độ tuổi trưởng thành và đạt đỉnh ở độ tuổi từ 30 tới 50 tuổi. Điều này có thể xuất phát từ việc gia tăng đáng kể của tình trạng căng thẳng ở độ tuổi lao động. Ngoài ra, rối loạn này phổ biến hơn ở nữ giới với tỷ lệ 2 nữ : 1 nam. 

 

Mặc dù có nhiều giả thiết về nguyên nhân, nhưng nguyên nhân thật sự vẫn chưa được biết rõ. Bệnh thường xuất hiện khi các dây thần kinh trên da bị phản ứng quá mức. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan của viêm da thần kinh với các yếu tố cảm xúc. Căng thẳng gây ra kích ứng và thúc đẩy việc gãi trên da lặp đi lặp lại theo chu kỳ như một phương tiện để xoa dịu các rối loạn cảm xúc. Kết quả là hàng rào bảo vệ ra bị rối loạn, các sang thương da xuất hiện và lan rộng. 

 

Yếu tố nguy cơ mắc viêm da thần kinh  

Về mặt nhân chủng học thì những phụ nữ, trong độ tuổi từ 30-50 tuổi và người Mỹ gốc Phi, hoặc người Châu Á dễ mắc bệnh này hơn. 

Nguy cơ mắc viêm da thần kinh còn tăng cao ở các bệnh nhân có bệnh da có sẵn như: viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, vảy nến, khô da. Ngoài ra, nguy cơ tăng cao ở các bệnh nhân mắc ám ảnh cưỡng chế hoặc rối loạn lo âu. 

Một số yếu tố thúc đẩy viêm da thần kinh  

  • Dị ứng 
  • Côn trùng cắn
  • Khô da
  • Quần áo chật
  • Đổ mồ hôi nhiều – nóng
  • Các vấn đề tâm lý như: lo lắng, áp lực, chán nản, suy sụp. 

 

Chẩn đoán – điều trị và biện pháp cải thiện bệnh viêm da thần kinh.  

Chẩn đoán 

Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào thăm khám chuyên khoa, các bác sĩ da liễu sẽ kiểm tra mảng ngứa, khai thác bệnh sử, tiền căn của bệnh nhân. 

Trong một vài trường hợp cần thiết, thì bác sĩ sẽ sử dụng một xét nghiệm gọi là sinh thiết da – tức là lấy một mẫu da nhỏ để làm giải phẫu bệnh. Đặc điểm mô bệnh học của viêm da thần kinh cho thấy một mảng tăng sừng với các ổ á sừng hóa, lớp tế bào hạt, thượng bì dày không đều, kèm tăng sản biểu mô, xơ hóa bì nhú có hiện tượng xốp bào cũng như viêm quanh mạch, đôi khi có thể thấy bạch cầu lympho và bạch cầu ái toan. 

Chẩn đoán phân biệt: 

Cần khai thác kỹ bệnh sử, thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh: nấm, ung thư tế bào đáy, vảy nến, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, lichen phẳng. 

 viêm da thần kinh

Hình: Hình ảnh hóa mô miễn dịch trên mẫu sinh thiết của bệnh nhân viêm da thần kinh. Với hình ảnh dày sừng, á sừng hóa ( tế bào ở lớp sừng còn nhân), xốp bào. ( nguồn: Lichen simplex chronicus – Wikipedia)

Điều trị  

Thông thường viêm da thần kinh hiếm khi tự hết mà cần tuân thủ chặt chẽ kế hoạch điều trị của bác sĩ chuyên khoa. 

Điều trị tại chỗ

  • Thuốc thoa corticosteroid: thuốc thoa hiệu lực từ trung bình đến mạnh. Thời gian sử dụng thuốc hiệu lực cao có thể lên tới 3 tuần. 
  • Chất dưỡng ẩm – làm mềm da
  • Kem capsaicin hoặc doxepin: giúp làm giảm ngứa.
  • Thuốc ức chế calcineurin: nếu bệnh lý xuất hiện tại các vùng niêm mạc hoặc da mỏng. 

Điều trị toàn thân  

  • Thuốc kháng histamin: giúp kiểm soát triệu chứng ngứa thông qua việc ức chế các chất trung gian dị ứng. 
  • Thuốc kháng sinh: trong trường hợp bị nhiễm trùng kèm theo. 
  • Thuốc điều trị rối loạn lo âu – trầm cảm: việc cải thiện các triệu chứng tâm lý sẽ góp phần giảm kích thích thần kinh tại da. 

Các điều trị khác 

  • Tiêm corticosteroid nội thương tổn: trong trường hợp thuốc bôi không giúp kiểm soát bệnh thì việc tiêm trực tiếp có thể làm giảm triệu chứng nhanh. 
  • Liệu pháp ánh sáng: quang trị liệu với tia UVA và/hoặc tia UVB được sử dụng trong các trường hợp nghiêm trọng, lan tỏa trừ trường hợp ở vùng sinh dục. 
  • Thoa dung dịch gồm aspirin và dichloromethane: một vài nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả của sử dụng dung dịch này với các trường hợp kháng trị. 
  • Tiêm botulinum toxin trong thương tổn: liệu pháp này đang được nghiên cứu. 

 

 Biện pháp cải thiện bệnh viêm da thần kinh

Viêm da thần kinh là bệnh mạn tính, nhưng có thể kiểm soát với điều trị. Người bệnh cần tuân thủ kế hoạch trị liệu của bác sĩ: gồm thuốc uống, thuốc bôi và các thủ thuật. Những thói quen cần điều chỉnh bao gồm:

  • Hạn chế cào gãi, chà xát: trong lúc ngủ có thể sử dụng gạc băng corticosteroid để che chắn. 
  • Đắp khăn mát lên vùng bị ngứa. 
  • Dưỡng ẩm thường xuyên, ít nhất 1 lần/ 1 ngày, đặc biệt là ngay sau khi tắm.
  • Cắt ngắn móng tay: làm giảm tổn thương da khi cào giã. 
  • Giảm căng thẳng: khi cơ thể căng thẳng, lo âu sẽ làm tăng kích thích tại dây thần kinh và khởi phát mảng ngứa. 
  • Mặc quần áo rộng mát và mịn màng.
  • Giữ nhiệt độ phòng thoải mái: không quá lạnh, không quá nóng. 

Tóm lại, viêm da thần kinh hay lichen đơn dạng mạn tính là một bệnh da kéo dài, chưa rõ nguyên nhân nên việc điều trị triệt để còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ da liễu thì triệu chứng sẽ được cải thiện và chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ hạn chế tối đa việc bị ảnh hưởng. 

 

Ths. BS Phạm Thành Trung (1)

Đơn vị Da liễu và Thẩm mỹ Da – Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột

Tài liệu tham khảo:
  1. Charifa A, Badri T, Harris BW. Lichen Simplex Chronicus.
  2. Borghi A, Virgili A, Corazza M. Dermoscopy of Inflammatory Genital Diseases: Practical Insights. Dermatol Clin. 2018 Oct;36(4):451-461. 
  3. Boozalis E, Grossberg AL, Püttgen KB, Cohen BA, Kwatra SG. Itching at night: A review on reducing nocturnal pruritus in children. Pediatr Dermatol. 2018 Sep;35(5):560-565
  4. Chibnall R. Vulvar Pruritus and Lichen Simplex Chronicus. Obstet Gynecol Clin North Am. 2017 Sep;44(3):379-388. 
  5. Liao YH, Lin CC, Tsai PP, Shen WC, Sung FC, Kao CH. Increased risk of lichen simplex chronicus in people with anxiety disorder: a nationwide population-based retrospective cohort study. Br J Dermatol. 2014 Apr;170(4):890-4

Trả lời