NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LẬU
Bệnh lậu là gì? Rủi ro khi mắc lậu ở nam và nữ là gì? Trong bài viết dưới đây của ThS.BS Phạm Thành Trung – bác sĩ Đơn vị Da liễu & Thẩm mỹ da BUH sẽ cung cấp cho người đọc thông tin cơ bản và khái quát nhất về loại bệnh dễ gặp phải nhất trong nhóm bệnh lý lây qua đường tình dục chỉ sau sùi mào gà.
Ths. Bs Phạm Thành Trung (1)
(1) Đơn Vị Da Liễu Và Thẩm Mỹ Da – Bệnh Viện Đại Học Y Dược Buôn Ma Thuột
Bệnh lậu là căn bệnh khá phổ biến trong nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục cho cả nam và nữ. Với tính chất lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, bệnh có thể biểu hiện ở vùng sinh dục, hầu họng,..bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất mà còn gây ảnh hưởng tới trạng thái tinh thần đồng thời có thể có những biến chứng lâu dài lên sức khỏe người mắc.
Bệnh lậu là gì?
Lậu là bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục, gây ra bởi vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae. N.gonorrhoeae được tìm thấy vào năm 1879, là vi khuẩn gram âm có dạng song cầu hình hạt cà phê. Bệnh lậu chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục do vậy thường gây triệu chứng ở niệu đạo, cổ tử cung. Tuy nhiên, triệu chứng cũng có thể phát triển ở niêm mạc hầu họng, hậu môn thậm chí là ở kết mạc.
Tỷ lệ lây truyền từ nữ sang nam khoảng 20 tới 30%, nhưng ở chiều ngược lại thì có vẻ cao hơn có thể lên tới 80%.
(European report warns XDR gonorrhea threatens future treatment | CIDRAP (umn.edu))
Đường lây truyền bệnh lậu
- Đường lây truyền chủ yếu là hoạt động tình dục không an toàn, bao gồm cả việc quan hệ bằng đường miệng hoặc hậu môn. Ngoài ra, còn một số con đường lây truyền vi khuẩn lậu:
- Dùng chung đồ cá nhân: Mặc dù vi khuẩn khó tồn tại ở môi trường ngoài cơ thể, nhưng vẫn có nguy cơ lây truyền gián tiếp qua việc sử dụng chung đồ lót, khăn tắm…
- Từ mẹ sang con: Đây là nguyên nhân chủ yếu của bệnh lậu sơ sinh.
- Tiếp xúc qua vết thương hở, đường truyền máu..
Yếu tố nguy cơ bệnh lậu:
- Có nhiều bạn tình hoặc bạn tình có QHTD không an toàn.
- QHTD không an toàn
- QHTD trong trạng thái không tỉnh táo
- Người mắc bệnh lây qua đường tình dục khác
Bệnh lậu có thời gian ủ bệnh bao lâu?
Thời gian ủ bệnh được tính từ lúc phơi nhiễm tác nhân cho tới lúc biểu hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh, thông thường, với bệnh lậu thời gian ủ bệnh là từ 1 cho tới 14 ngày sau hành vi nguy cơ. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, đáp ứng miễn dịch mà mỗi người có thể có thời gian ủ bệnh khác nhau, một số trường hợp nhiễm lậu cầu không triệu chứng.
Bệnh lậu nguy hiểm như thế nào? Những rủi ro khi mắc lậu:
Nhiễm lậu lan tỏa (DGI): là một thể hiếm gặp của bệnh lậu, nhưng là một tình trạng nguy hiểm khi vi khuẩn lậu xâm nhập vào máu và lan rộng ở các cơ quan: gây viêm màng tim, viêm nội tâm mạc, viêm màng não…
Các bệnh lý ngoài vùng sinh dục: viêm họng do lậu, viêm kết mạc mắt do lậu, viêm khớp do lậu…
Ở phụ nữ:
- Viêm cổ tử cung: có thể xuất hiện đồng thời với viêm niệu đạo, với các triệu chứng từ nhẹ tới nặng như tiểu khó, ra dịch âm đạo..
- Viêm tiểu khung: có thể bao gồm viêm vòi trứng, viêm phúc mạc vùng chậu, áp xe khung chậu.. Hậu quả có thể gây ra hiếm muộn hoặc tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.
- Lây truyền cho con: Bệnh lậu có thể lây cho trẻ trong quá trình sinh nở, gây ra các triệu chứng ở mắt, khớp thậm chí là toàn thân.
Nam giới:
- Viêm niệu đạo cấp: đau nhức, tiết dịch, tiểu mủ là những biểu hiện đặc trưng.
- Viêm mào tinh: đau bìu, sưng tấy…có thể gây áp xe, điều trị không thích hợp có thể gây ra hiếm muộn.
Kết luận:
Bệnh lậu là bệnh lây qua đường tình dục thường gặp ở đối tượng bệnh nhân quan hệ tình dục không an toàn. Nếu không điều trị phù hợp có thể để lại nhiều hậu quả, biến chứng khó lường lên sức khỏe thể chất, tinh thần thậm chí là gây ra hiếm muộn.
Tài liệu tham khảo
- Sheldon R. Morris , MD, MPH, University of California San Diego
- US Preventive Services Task Force: Chlamydia and Gonorrhea: Screening: A review of evidence that screening tests can accurately detect chlamydia and gonorrhea
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hoặc cần được tư vấn nhanh về vấn đề bệnh lậu, hãy liên hệ với chúng tôi ngay tại đây: m.me/dalieuthammydabuh