BỆNH GHẺ NGỨA VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Bác sĩ: Nguyễn Thị Thu Sang

Đơn vị Da liễu & Thẩm mỹ da – Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột

Bệnh ghẻ ngứa là một tình trạng dễ mắc phải ở người lớn và trẻ con, trong bài viết dưới đây Bác sĩ Da liễu Thu Sang sẽ phân tích về nguyên nhân, cách phân biệt cũng như cách điều trị đối với loại bệnh lý ở da này.

1. NGUYÊN NHÂN CỦA GHẺ NGỨA:

Ghẻ là 1 bệnh lây nhiễm ngoài da do một loại ký sinh trùng tên là Sarcoptes scabiei (cái ghẻ).

2. CĂN NGUYÊN GÂY NÊN TÌNH TRẠNG GHẺ NGỨA:

  • Ký sinh trùng ghẻ đào hang ở lớp sừng, đẻ trứng qua chu kì 3 ngày thành ký sinh trùng ghẻ.
  • Sinh sản nhanh trong điều kiện thuận lợi sau 3 tháng một ký sinh trùng ghẻ có thể sinh sản ra một dòng họ 150 triệu con.

GHẺ NGỨA

Hình ảnh con ghẻ qua kính hiển vi khi ký sinh.

  • Nguồn lây bệnh ghẻ:

Bệnh lây từ người sang người, qua 2 con đường:

    • Trực tiếp: tiếp xúc thông thường hoặc quan hệ tình dục.
    • Gián tiếp: qua đồ vật: giường, chăn, mền, chiếu…
  • Đặc điểm của CÁI GHẺ:

Cái ghẻ hoạt động về đêm, khi ra khỏi ký chủ sẽ chết trong vòng 3-4 ngày, nhưng có thể sống đến 7 ngày ở những bệnh nhân ghẻ Na UY.

bệnh ghẻ cái

Vết cắn do ghẻ cái gây nên trên da người.

3. CHẨN ĐOÁN GHẺ CÁI ĐƠN GIẢN:

  • Dịch tể: nhiều người xung quanh cùng bị.
  • Lâm sàng:
    • Thời gian ủ bệnh: 
      • Từ 2-6 tuần, nếu nhiễm lần đầu.
      • Từ 1-3 ngày, nếu tái nhiễm
    • Triệu chứng cơ năng:
      • Ngứa nhiều về đêm.
      • Xung quanh có nhiều người bị ngứa.
      • Ngứa nhiều ở vùng da non.
      • Mức độ ngứa thay đổi tùy cơ địa mỗi người.
    • Triệu chứng thực thể:
      • Rãnh ghẻ
      • Mụn nước
      • Sẩn cục ( nốt ghẻ)
      • Vết xước do cào gãi
  • Vị trí thương tổn: đối xứng, khắp người ( trừ mặt), vùng da non: kẽ ngón, quanh rốn, bụng dưới, mặt trong đùi,…

bệnh ghẻ cái

Biểu hiện và vị trí của bệnh ghẻ trên da hay xuất hiện.

4. MỘT SỐ CHẨN ĐOÁN GHẺ NGỨA KHÁC: 

  • Ghẻ nhiễm khuẩn (ghẻ + mụn mủ)
  • Ghẻ chàm hóa.
  • Điều trị:

  • Nguyên tắc điều trị:

    • Phát hiện sớm, để tránh biến chứng và lây lan cộng đồng.
    • Điều trị cho mọi người xung quanh.
    • Vệ sinh đồ dùng cá nhân: quần áo, khăn tắm, khăn trải giường ( giặt, sấy khô ở nhiệt độ trên 60 độ hoặc luộc nước sôi, phơi nắng, ủi nóng 2 mặt) hoặc loại bỏ, không tiếp xúc với người bệnh ( cất vào tủ) ít nhất 4 ngày, để tránh lây lan cộng đồng và tái nhiễm.
    • Thoa thuốc đúng cách: 1 lần/ buổi tối (bôi sau khi tắm), bôi toàn thân trừ mặt và đầu.
  • Điều trị cụ thể:

  • Tại chỗ:
    • D.E.P ( diethylphtalat).
    • Kem Eurax trị ghẻ và sẩn ngứa.
    • Dung dịch hoặc kem Kwell rất tốt chỉ cần bôi 1-2 lần là khỏi.
    • Kem permethrin 5% : bôi và tắm sạch sau 8-12 giờ; lặp lại sau 1 tuần.( dùng cho trẻ > 2 tháng, hạn chế phụ nữ có thai và cho con bú). Hoặc chai xịt Permethirn 1%.
    • Hoặc nhũ dịch hoặc Kem Benzyl benzoate 10%: bôi 24 giờ sau tắm sạch ( 12 giờ đối với phụ nữ có thai và trẻ nhũ nhi), trong 3-5 ngày liên tiếp.
    • Ivermectin.

bệnh ghẻ cái

Kẽ tay là vị trí hay thường gặp nhất của bệnh ghẻ

  • Thuốc toàn thân:
    • Chống ngứa: Kháng histamin như Chlopheniramin 4mg 2 viên/ ngày.
    • Vitamin B1, C.
    • Kháng sinh Ampixillin 500mg 3 viên/ngày x 7 ngày cho ghẻ nhiễm khuẩn.\
    • Đông y: tắm lá đắng ( ít tác dụng) , Dầu hạt máu chó.

5. PHÒNG NGỪA VÀ KHẮC PHỤC BỆNH GHẺ CÁI TẠI NHÀ:

  • Vệ sinh cá nhân hằng ngày với xà phòng tắm.
  • Khi có người ở xung quanh bị ngứa, nhất là ngứa đêm, nên đi khám chuyên khoa da liễu.
  •  Tránh tiếp xúc với người bị ghẻ như: bắt tay, giặt đồ, phơi đồ chung.
  • Nếu bị ghẻ cần: Vệ sinh đồ dùng cá nhân: quần áo, khăn tắm, khăn trải giường (giặt, sấy khô ở nhiệt độ trên 60 độ hoặc luộc nước sôi, phơi nắng, ủi nóng 2 mặt) hoặc loại bỏ, không tiếp xúc với người bệnh (cất vào tủ) ít nhất 4 ngày, để tránh lây lan cộng đồng và tái nhiễm.
  • Điều trị sớm để tránh lây nhiễm cộng đồng và biến chứng.

 

Tài liệu tham khảo:
  1. Arora P, Rudnicka L, Sar-Pomian M, et al. Scabies: A comprehensive review and current perspectives. Dermatol Ther. 2020;33(4):e13746. doi:10.1111/dth.13746. Review
  2. Engelman D, Yoshizumi J, Hay RJ, et al. The 2020 International Alliance for the Control of Scabies Consensus Criteria for the Diagnosis of Scabies. Br J Dermatol. 2020;183(5):808–20. doi:10.1111/bjd.18943. Journal
  3. Leung AKC, Lam JM, Leong KF. Scabies: A Neglected Global Disease. Curr Pediatr Rev. 2020;16(1):33–42. doi:10.2174/1573396315666190717114131. Review
  4. Richards RN. Scabies: Diagnostic and Therapeutic Update. J Cutan Med Surg. 2021;25(1):95–101. doi:10.1177/1203475420960446. Journal

Để lại một bình luận