CAN THIỆP BÍT LỖ THÔNG LIÊN NHĨ BẰNG DÙ DƯỚI HƯỚNG DẪN SIÊU ÂM TIM THỰC QUẢN
Kỹ thuật tim mạch can thiệp nhằm dự phòng nguy cơ đột quỵ tái phát

Vừa qua, BUH tiếp nhận bệnh nhân (nam, 33 tuổi) nhập viện vì tình trạng ngất đột ngột. Khai thác tiền sử bệnh nhân có một số triệu chứng khó thở khi gắng sức, qua thăm khám lâm sàng các bác sĩ chẩn đoán ban đầu BN mắc bệnh lý tim mạch, BN được chỉ định thực hiện siêu âm tim qua thực quản để xác định bệnh.

Siêu âm tim qua thực quản (SATQTQ) là phương pháp siêu âm tim sử dụng đầu dò phát ra tần số cao nối với ống dài như ống nội soi dạ dày, đưa qua miệng, xuống cổ họng và đi vào thực quản. Do thực quản  nằm sát với các buồng tim và mạch máu lớn ở cuống tim nên cho hình ảnh cấu trúc tim rõ nét hơn so với siêu âm thông thường qua lồng ngực; giúp bác sĩ đánh giá chính xác các bệnh lý tim mạch.

Kết quả SATQTQ phát hiện BN có lỗ thông liên nhĩ (Atrial Septal Defect – ASD) với đường kính khoảng 16mm. ASD là một khuyết tật tim bẩm sinh, thường sẽ tự đóng trong giai đoạn 1-4 tuổi. Tuy nhiên trong trường hợp lỗ thông không tự đóng sẽ có nguy cơ shunt trái sang phải và tình trạng quá tải thể tích tâm nhĩ phải & tâm thất phải, dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe như: Suy tim; rối loạn nhịp tim; tăng nguy cơ đột quỵ. 

Theo số liệu thống kê, có đến 40-50% người đột quỵ não không rõ nguyên nhân có tồn tại lỗ thông trong tim. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc đóng lỗ thông ở những đối tượng này sẽ phòng ngừa hiệu quả việc tái phát cơn đột quỵ não. 

Sau khi hội chẩn đánh giá toàn diện, các bác sĩ đã quyết định tiến hành bít lỗ thông liên nhĩ bằng dù có đường kính 16,5mm dưới hướng dẫn siêu âm tim thực quản cho người bệnh. Đây là một kỹ thuật tim mạch can thiệp phức tạp, quá trình thực hiện được tóm tắt như sau: Các bác sĩ sẽ dùng các dây dẫn đưa qua lỗ thông liên nhĩ, sau đó dùng bóng để đo kích thước thực tế của lỗ thông nhằm lựa chọn kích thước dù phù hợp. Đồng thời sử dụng siêu âm tim qua thực quản phối hợp nhằm quan sát xem bóng đã bít hoàn toàn lỗ thông chưa hay còn có lỗ thông khác hay không; đảm bảo thủ thuật được thực hiện chính xác, an toàn, giảm thiểu tối đa biến chứng cho bệnh nhân. Ca can thiệp diễn ra thành công trong khoảng 60 phút, BN hoàn toàn tỉnh táo suốt quá trình thực hiện. Sau đó BN được chuyển về Khoa điều trị theo dõi và xuất viện sau 1-2 ngày.

Với đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, phòng Lab can thiệp được đầu tư đầy đủ trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật này hiện đã và đang áp dụng thường quy tại BUH nhằm phát hiện chính xác – điều trị kịp thời các bệnh lý tim mạch và nguy cơ dẫn đến các bệnh tim mạch, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân tại khu vực.

Để được tư vấn trực tiếp và miễn phí, vui lòng liên hệ HOTLINE 1900 1147 (7h00 – 17h00, Thứ hai – Chủ nhật)

 

Để lại một bình luận