Chụp cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh tầm soát bệnh lý thông qua việc sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong của cơ thể. Đây là phương pháp chẩn đoán hiện đại, không xâm lấn mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán. Với hệ thống máy MRI Prodiva 1.5T CS của Philips là thiết bị chẩn đoán hình ảnh cao cấp, Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh BUH trở thành đơn vị hàng đầu tại Khu vực Tây Nguyên trong chẩn đoán, tầm soát hầu hết các bệnh lý nhanh chóng và kịp thời điều trị cho người bệnh.
Tính ứng dụng của chụp cộng hưởng từ MRI
Hiện nay chụp cộng hưởng từ MRI được ứng dụng rộng rãi trong tầm soát và phát hiện các bệnh lý thông qua các kỹ thuật chụp khác nhau MRI đã hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán chính xác các bệnh lý trên nhiều bộ phận người bệnh.
Chụp MRI Tim:
- Khảo sát các bệnh lý tim bẩm sinh: bất thường giải phẫu, luồng thông, van tim..
- Đánh giá chức năng tim, tính sống còn cơ tim trong nhồi máu cấp và mạn tính
- Các bệnh lý u tim, màng ngoài tim, bệnh lý chuyển hóa.
Chụp MRI tuyến vú:
- Tầm soát ung thư vú ở nhóm phụ nữ có nguy cơ cao
- Đánh giá lan rộng ung thư vú trước và sau điều trị
- Khảo sát biến chứng rách, vỡ túi tạo hình ngực.
MRI toàn thân:
- Tầm soát các bệnh lý trên nhiều cơ quan trong một lần thăm khám.
- Phát hiện di căn xa của ung thư trên toàn bộ cơ thể.
MRI Cột sống toàn trục:
- Xác định các bất thường hình thái toàn bộ cột sống: cong, vẹo, dị dạng bẩm sinh…
- Phát hiện các tổn thương di căn thứ phát ở vùng cột sống.
MRI Các bó sợi thần kinh:
- Giúp ích cho các phẫu thuật viên trong việc đánh giá mối tương quan giữa vùng tổn thương với bó sợi trục thần kinh.
- MRI Khuếch tán (MRI DWI-Diffusion-weighted Imaging)
- Rất nhạy trong phát hiện nhồi máu não giai đoạn rất sớm chỉ sau vài phút khởi phát, giúp bác sĩ xử lý kịp thời và hạn chế các di chứng đột quỵ.
Chụp MRI động học sàn chậu:
- Cho phép đánh giá tốt tình trạng sàn chậu, chẩn đoán sớm các chứng sa sinh dục, rối loạn gây tắc nghẽn đường thoát phân không do u.
Chụp MRI Tưới máu não:
- CHT tưới máu não (perfusion MRI) nhằm đánh giá vi tuần hoàn não. đặc biệt phối hợp với MRI khuếch tán (DWI) để đánh giá khả năng sống còn của nhu mô não.
- Chẩn đoán nhồi máu não giai đoạn cấp tính: Nhằm tìm kiếm vùng nhu mô não thiếu máu nhưng còn khả năng hồi phục.
Chụp MRI Phổ não:
- Giúp phát hiện và đánh giá được các chất chuyển hóa đặc hiệu của tổn thương. Đồng thời có thể đo và so sánh nồng độ các chất chuyển hóa trong vùng thăm khám để suy ra bản chất của tổn thương.
Những ưu điểm nổi bật của chụp cộng hưởng từ trong chẩn đoán hình ảnh
Thiết bị chụp cộng hưởng từ MRI sử dụng một nam châm với từ trường cực mạnh cộng hưởng với các xung tần số radio kết hợp với máy điện toán để cho ra những hình ảnh rõ ràng và chi tiết của các bộ phận trong cơ thể mang lại hiệu quả chẩn đoán cho bác sĩ đối với bệnh lý của bệnh nhân.
Máy chụp cộng hưởng từ MRI tại Khoa Chẩn Đoán Hình ảnh BUH
MRI không sử dụng tia X nên khi chụp sẽ không phải đối diện với rủi ro nhiễm xạ.
MRI được sử dụng cho nhiều đối tượng, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai. Những trường hợp chống chỉ định chụp CT thì giờ đây đã được MRI sử dụng để chẩn đoán hình ảnh.
MRI có nhiều góc độ chụp (cắt ngang, đứng dọc, đứng ngang), máy có thể quét trên một vùng cơ thể với 3 mặt phẳng: mặt phẳng trục, mặt phẳng nhỏ và mặt phẳng vành nhờ đó người bệnh không cần phải di chuyển trong quá trình quét.
Tuy nhiên thiết bị chụp MRI cũng có những hạn chế nhất định như: tiếng ồn lớn, thời gian chụp lâu không thích hợp trong trường hợp khẩn cấp, thiết bị gây ra phản ứng với kim loại vì vậy MRI chống chỉ định đối với một số trường hợp.
Những trường hợp chống chỉ định chụp MRI
Do tính từ trường của máy rất cao và mạnh nên có thể gây ảnh hưởng đến một số thiết bị cấy – ghép bằng kim loại bên trong cơ thể. Vì vậy nếu rơi vào những trường hợp sau cần thông báo với bác sĩ và nhân viên y tế tại phòng chụp MRI:
– Dùng máy tạo nhịp tim.
– Clips phẫu thuật phình mạch.
– Có mảnh kim loại trong mắt.
– Máy bơm cấy trong da (như các trường hợp bệnh nhân bị tiểu đường).
– Cấy ghép thiết bị kim loại khác trong cơ thể như nẹp xương, răng giải, khớp giả.
– Ngoài ra, không được mang đồ trang sức, đồng hồ, kẹp tóc, chìa khóa, máy tính, điện thoại, thẻ tín dụng (các vật dụng bằng kim loại có chứa sắt từ cao) vào phòng chụp MRI.
Chụp cộng hưởng từ MRI tại Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh BUH
Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) được trang bị hệ thống máy MRI Prodiva 1.5T CS của Philips có thể khảo sát được rõ ràng, chi tiết và chính xác các bộ phận trên cơ thể như hệ thần kinh, hệ cơ-xương-khớp, hệ mạch máu…. ngoài ra có thể khảo sát động mạch thận, động-tĩnh mạch não, động mạch cảnh, hệ tiết niệu không cần tiêm thuốc tương phản từ; khảo sát chính xác các tổn thương về dây thần kinh, gân, cơ, dây chằng các khớp. Khi cần chẩn đoán tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống, đây là hệ thống rất có lợi thế.
Chụp cộng hưởng từ MRI Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (MRI)
Đặc biệt với kỹ thuật chụp cộng hưởng từ toàn thân giúp tầm soát ung thư hoặc các bệnh lý toàn thân, giúp phát hiện sớm các bệnh lý và giúp cho các bác sĩ có phác đồ điều trị chính xác và hiệu quả nhất. Đồng thời Protocol sử dụng trong chụp MRI là Protocol chuẩn theo bộ y tế và được các các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm tại 1 số bệnh viện lớn soạn thảo và thẩm định.
Để người bệnh an tâm khi chụp MRI các Bác sĩ Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh BUH đã có những phương pháp hỗ trợ tâm lý đặc biệt thông qua đội ngũ kỹ thuật viên luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn cộng hưởng từ, được đào tạo về an toàn cộng hưởng từ theo chương trình an toàn cộng hưởng từ của Hoa kỳ.
Tại phòng chụp MRI còn trang bị thêm máy dò kim loại để đảm bảo không còn các vật dụng kim loại trước khi bước vào phòng cộng hưởng từ, các thiết bị giảm tiếng ồn như tai phone, nút bịt tai chuyên dụng, với những nền tảng này sẽ đảm bảo cho người bệnh an toàn nhất và thoải mái trong quá trình thăm khám cộng hưởng từ.
Những lưu ý khi chụp cộng hưởng từ MRI
- Loại bỏ bỏ tất cả các vật dụng bằng kim loại ra ngoài trước khi bước vào phòng MRI.
- Đối với các kỹ thuật chụp MRI có tiêm thuốc tương phản qua đường tĩnh mạch cần nhịn ăn ít nhất 4 tiếng trước khi chụp MRI
- Khi đến buổi hẹn chụp MRI bệnh nhân nên mang theo tóm tắt bệnh án, các phiếu xét nghiệm, các phim X-quang, siêu âm, chụp CT, MRI trước đó để bác sĩ có thể tham vấn và so sánh các kết quả.
- Khi chụp, bệnh nhân nên nằm yên, không cử động để và phối hợp theo các yêu cầu của kỹ thuật viên để có được hình ảnh đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất.