ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ GIÃN TĨNH MẠCH THỪNG TINH - BỆNH LÝ CÓ NGUY CÓ CƠ DẪN ĐẾN VÔ SINH Ở NAM GIỚI

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng những tĩnh mạch ở bìu giãn rộng hơn bình thường, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý và nguy cơ gây vô sinh ở nam giới. Tại BUH, phương pháp mổ vi phẫu được áp dụng để điều trị hiệu quả bệnh lý này với những ưu điểm nổi bật như: ít xâm lấn, bệnh nhân mau chóng hồi phục, điều trị dứt điểm, tránh tái phát… 

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở nam giới trưởng thành, bệnh xảy ra một hoặc cả hai bên tinh hoàn, tuy nhiên thường gặp ở bên trái nhiều hơn và gây suy giảm chức năng tinh hoàn ở nam giới. Theo Sức Khỏe Đời Sống tỷ lệ bệnh giãn tĩnh mạch thừng thường xuất hiện quanh tinh hoàn trái chiếm trên 80% trường hợp, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới sau tuổi dậy thì là 10-15% và chiếm 40% trong các ca nam giới hiếm muộn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Tĩnh mạch thừng tinh là hệ thống tĩnh mạch để dẫn lưu máu từ tinh hoàn, bìu và đi theo ống bẹn để về tuần hoàn chung của cơ thể mình. Vai trò của những tĩnh mạch nhằm dẫn lưu máu đi về, đảm bảo sự trao đổi chất của cơ quan bên dưới, cụ thể là tinh hoàn, làm cho tinh hoàn có thể trao đổi chất tốt và thực hiện tốt vai trò nội tiết là sản xuất ra hóc môn sinh dục nam, cũng như ngoại tiết là sản xuất ra tinh trùng ở nam giới.

Người mắc bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh thường có hiện tượng ứ trệ trong việc lưu thông máu quanh tinh hoàn, làm hệ thống tĩnh mạch giãn nở và hình thành những búi tĩnh mạch ngoằn nghèo ở bìu nam giới.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này: do suy van tĩnh mạch, do tăng nhiệt độ ở bìu, do trào ngược các chất chuyển hóa từ thượng thận và thận vào tĩnh mạch tinh, ứ đọng máu tĩnh mạch, do bẩm sinh cấu trúc của tĩnh mạch không bình thường… Các chuyên gia đã lý giải tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra khi không có van hoặc bị suy yếu khiến cho dòng máu đổ vào tĩnh mạch tinh trong. Do đó, máu từ tĩnh mạch thận hoặc tĩnh mạch chủ dưới trào ngược vào tĩnh mạch tinh làm cho tĩnh mạch tinh ngày càng giãn rộng, lượng máu ứ đọng lại quanh tinh hoàn quá nhiều. Khi bệnh tiến triển nhanh gây đau đớn, bệnh nhân cần được phẫu thuật để thắt các tĩnh mạch giãn.

Dấu hiệu nhận biết giãn tĩnh mạch thừng tinh

Bệnh ít có triệu chứng và người bệnh thường có tâm lý chủ quan trước bệnh lý này nên thường khó được phát hiện ở nam giới. Giai đoạn sớm, giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có biểu hiện lâm sàng, phần lớn các trường hợp được phát hiện khi khám hiếm muộn hoặc khi đã vào giai đoạn muộn xuất hiện triệu chứng đau tinh hoàn, sờ thấy các búi tĩnh mạch giãn ở bìu. Vì vậy khi phát hiện thấy có bất thường ở cơ quan sinh sản như: sờ thấy được búi giãn cuộn tròn bên trong bìu, kèm với cảm giác đau tức bẹn, bìu… nam giới cần đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có nguy cơ gây vô sinh 

Giãn tĩnh mạch thừng tinh không phải là bệnh lý cấp tính, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Giãn tĩnh mạch thừng tinh làm giảm chức năng của tế bào Leydig – một tế bào quan trọng trong quá trình sinh tinh. Nồng độ testosterone (được tiết ra bởi tế bào Leydig) ít hơn ở nam giới trên 30 tuổi so với nam giới nhỏ hơn cùng có giãn tĩnh mạch thừng tinh, một điều không thấy ở nhóm nam giới không có giãn tĩnh mạch thừng tinh cho thấy phần nào chức năng của tế bào Leydig bị ảnh hưởng bởi giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Sự tăng nhiệt độ ở bìu có thể là cơ chế của giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nhiệt độ ở bìu bình thường thấp hơn nhiệt độ trung tâm cơ thể khoảng 2-3 ͦ C. Nhiệt độ ở bìu tăng ở những trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh do ứ đọng dòng máu tại đám rối tĩnh mạch, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của tinh trùng, cũng như độ di động và/hoặc hình dạng của tinh trùng. Bệnh có thể gây teo tinh hoàn: có cảm giác tinh hoàn nhỏ và mềm hơn, do các van không hoạt động tốt nên máu không dồn vào các tĩnh mạch, kết quả là tăng áp lực ở các tĩnh mạch.

Khi nghi ngờ mắc bệnh thì bệnh nhân có thể đến những cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thực hiện khám thực thể bằng những nghiệm pháp như gắng sức, Valsalva…và thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng giúp chẩn đoán xác định bệnh như siêu âm Doppler bìu để đo được đường kính của tĩnh mạch thừng tinh,

Mổ vi phẫu điều trị hiệu quả bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh

Dựa vào tình trạng bệnh lý của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau, Ở bệnh nhân mắc bệnh nhẹ có thể sử dụng điều trị nội khoa. Tuy nhiên nếu có những biểu hiện sau người bệnh cần sử dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị:

  • Khi cảm thấy đau tức vùng bẹn bìu dai dẳng, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và khả năng lao động
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh và xuất hiện hiện tượng teo tinh hoàn
  • Xuất hiện tình trạng hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh kèm theo kết quả tinh dịch đồ bất thường

Ở giai đoạn bệnh lý tiến triển nặng, người bệnh sẽ phải can thiệp bằng phương pháp mổ. Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật can thiệp như: như mổ hở, mổ nội soi, tắc mạch can thiệp, bóc tách tĩnh mạch thừng tinh, thắt tĩnh mạch thừng tinh hay vi phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh. Vi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả điều trị cao nhất, ít xâm lấn đến các bộ phận khác, cũng như thời gian phục hồi nhanh, ít gây biến chứng cũng như làm giảm tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật.

Mổ vi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh đòi hỏi phải được thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín, được trang bị đầy đủ máy móc kỹ thuật hiện đại và quan trọng nhất là đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm trong phương pháp điều trị này.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) phương pháp mổ vi phẫu được áp dụng phổ biến trong điều trị và mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là kỹ thuật mổ hở thông qua kính hiển vi có khả năng phóng đại hình ảnh tĩnh mạch, giúp bác sĩ phẫu thuật có thể nhận biết rõ hơn trong quá trình thực hiện. Khi phóng lớn những động mạch tinh các bác sĩ thực hiện có thể nhận biết được những tĩnh mạch chưa giãn và bị giãn với nhau, qua đó bảo tồn những động mạch, bạch mạch và hạn chế những biến chứng sau khi phẫu thuật như teo tinh hoàn, tràn dịch tinh mạc. Ngoài ra còn phân biệt được động mạch và tĩnh mạch tránh tình trạng làm tắc động mạch tinh hoàn gây ra sự rối loạn về chức năng sinh sản của bệnh nhân.

Những lưu ý sau vi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh người bệnh cần tránh: 

  • Không hoạt động quá mạnh, nhất là những động tác liên quan đến cơ bụng như chạy, đá bóng…
  • Không mang quần áo quá chật và có chất liệu vải không khô thoáng.
  • Không tắm, vệ sinh cơ thể bằng nước nóng vì có thể gây giãn tĩnh mạch thừng tinh, nhất là thói quen ngâm mình trong bồn nước nóng.
  • Không rặn khi đi vệ sinh.
  • Không dùng những chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…
  • Tránh quan hệ tình dục trong vòng 1 tháng sau khi phẫu thuật

Để lại một bình luận