ĐIỀU TRỊ KHUYẾT HỔNG PHẦN MỀM – VẾT THƯƠNG MẠN TÍNH, NHIỄM TRÙNG BẰNG LIỆU PHÁP HÚT ÁP LỰC ÂM (VAC)

Khuyết hổng phần mềm do chấn thương, vết thương chậm liền, không liền, nhiễm trùng từ lâu vẫn luôn là nỗi trăn trở của không chỉ các phẫu thuật viên mà cả bệnh nhân và gia đình người bệnh. Chúng gây nên những ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khoẻ, gia tăng gánh nặng tài chính và đặc biệt khiến bệnh nhân có nguy cơ cao bị tàn tật và tử vong. Để hạn chế những ảnh hưởng này, Khoa ngoại BUH đã tiên phong ứng dụng liệu pháp hút lực âm (VAC) trong điều trị khuyết hổng phần mềm với những ưu điểm vượt trội như: Thúc đẩy quá trình liền vết thương nhanh, tăng hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian nằm viện.

1. Liệu pháp hút áp lực âm (VAC) là gì?

Khuyết hổng phần mềm do chấn thương, vết thương chậm liền, không liền, nhiễm trùng từ lâu vẫn luôn là nỗi trăn trở của không chỉ các phẫu thuật viên mà cả bệnh nhân và gia đình người bệnh. Chúng gây nên những ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khoẻ, gia tăng gánh nặng tài chính và đặc biệt khiến bệnh nhân có nguy cơ cao bị tàn tật và tử vong.

Các biện pháp chăm sóc, điều trị thường áp dụng như: cắt lọc tổ chức hoại tử, thay băng, dùng các dung dịch chăm sóc vết thương thích hợp… tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài và chi phí điều trị cao.

Hệ thống hút áp lực âm (Vacuum assisted closure: VAC) được xem là một bước đột phá, một phương tiện tiên tiến áp dụng trong việc điều trị, hỗ trợ làm lành các vết thương, tối ưu hóa việc chăm sóc người bệnh và làm giảm chi phí điều trị. Phương pháp này sử dụng hệ thống hút chuyên dụng bao gồm một miếng bọt xốp (foam) hoặc gạc (gauze) đặt vào vết thương, phủ kín bằng những miếng dính trong nối với máy hút chân không qua hệ thống ống dẫn kín nối từ miếng xốp hoặc gạc. Với mục đích tạo áp lực âm trong toàn bộ vết thương để loại bỏ dịch ứ đọng, những mảnh tổ chức hoại tử nhỏ trong vết thương và dịch phù nề ở tổ chức xung quanh vết thương.

VAC được giới thiệu lần đầu do nhà phẫu thuật tạo hình Mỹ Argenta & Michael Morykwas 1993 nhằm trợ giúp việc dẫn lưu dịch và máu tại chỗ. Từ năm 1997 đã bắt đầu áp dụng rộng rãi để điều trị các VT cấp cũng như mạn tính. Ở Việt Nam, từ cuối năm 2006, các bác sĩ đã triển khai áp dụng trong điều trị những vết thương phức tạp thuộc cơ quan vận động. Đến nay, tại các Trung tâm chấn thương chỉnh hình ở Hà Nội, Huế, TP HCM… liệu pháp này được áp dụng khá phổ biến, đem lại kết quả điều trị hơn hẳn so phương pháp kinh điển.

VAC tạo thay đổi huyết động ở vi mạch, cải thiện sự cung cấp máu tại chỗ, loại bỏ dịch tiết, các yếu tố ức chế lành vết thương, kích thích tạo mô hạt, giảm sự phát triển, ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, kéo mép vết thương lại gần nhau làm giảm kích thước mang tính cơ học, đồng thời duy trì môi trường ẩm. Các yếu tố đó sẽ phần thúc đẩy làm nhanh chóng tiến trình lành của vết thương.

2. Lợi ích vượt bậc khi ứng dụng liệu pháp hút áp lực âm (VAC) trong điều trị

Với nguyên lý trên, trong thực tiễn điều trị VAC sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn:

a. Đối với điều dưỡng

  • Giảm số lần thay băng (thay băng cách 2 – 3 ngày/1 lần, thậm chí là 7 ngày/lần đối với vết thương sạch).
  • Tránh nhiễm khuẩn chéo do vết thương được bịt kín.
  • Khả năng phân tích dịch, vi khuẩn lấy từ bình chứa đảm bảo chính xác.
  • Cho phép theo dõi lâm sàng tình trạng phần mềm xung quanh vết thương do tấm dán trong suốt.
  • Giảm yêu cầu chăm sóc vệ sinh do dịch vết thương không thấm vào quần áo, chăn màn của người bệnh.
  • Có khả năng ngắt quãng để khử khuẩn, thay bình đựng dịch.
  • Dễ sử dụng và an toàn.

b. Đối với người bệnh

  • Dễ chịu và không có mặc cảm tự ti do vết thương khô, sạch, không có mùi hôi.
  • Hạn chế đau đớn do số lần thay băng ít, nhất là những trường hợp có vết thương lớn, phức tạp.
  • Có thể vận động chi thể bị tổn thương trong thời gian điều trị.
  • Với vết thương không phức tạp, có thể điều ngoại trú.
  • Giảm chi phí điều trị so với phương pháp thay băng – đắp gạc ẩm truyền thống vì:
    • Nhanh chóng làm liền hoặc thành vết thương đơn giản hơn để tạo hình làm liển căn bản, giảm ngày điều trị, người bệnh nhanh chóng trở lại với lao động và sinh hoạt bình thường.
    • Giảm chi phí cho công tác điều dưỡng.
    • Giảm chi phí cho sử dụng thuốc kháng sinh.

3. Chỉ định và chống chỉ định của VAC:

  • VAC được chỉ định trong các trường hợp sau:
    • Vết thương cấp tính do chấn thương.
    • Vết thương do phẫu thuật.
    • Vết thương mạn: loét do tì đè giai đoạn 3,4. Loét bàn chân đái tháo đường. Loét do ứ trệ tĩnh mạch…
    • Chuẩn bị nền ghép da, làm vạt vi phẫu….
  • Chống chỉ định:
    • Vết thương do bệnh lý ác tính.
    • Vết thương lộ gân, mạch máu.
    • Vết thương lộ nội tạng.
    • Bệnh nhân có nguy cơ chảy máu cao.

4. Đơn vị Chấn thương chỉnh hình – Khoa Ngoại BUH ứng dụng VAC điều trị hiệu quả nhiều ca bệnh.

Khoa Ngoại – Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) tiếp nhận điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân có tổn thương phức tạp như: gãy xương hở do chấn thương, tai nạn giao thông…, vết thương chậm liền do mất mô mềm bị nhiễm khuẩn… Việc điều trị làm liền vết thương bằng phương pháp thông thường như thay rửa băng, nặn dịch mủ có thể kéo dài hàng tháng tùy vào tình trạng vết thương và thể trạng của từng người bệnh. Để hạn chế những ảnh hưởng này, Khoa ngoại BUH đã tiên phong ứng dụng liệu pháp hút lực âm (VAC) trong điều trị khuyết hổng phần mềm với những ưu điểm vượt trội như: Thúc đẩy quá trình liền vết thương nhanh, tăng hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian nằm viện.

Trường hợp 1: Bệnh nhân N.D.T 53 tuổi, đến BUH trong tình trạng có nhiều dịch bẩn do mô mềm bị nhiễm khuẩn và tổ chức hoại tử. Sau thăm khám và các sàng lọc bệnh, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng mô mềm hoại tử cẳng chân trái kèm theo đó là suy thận và đái tháo đường type II. Bệnh nhân được các bác sĩ Chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình tiến hành cắt lọc vết thương, đặt VAC, ghép da tự thân, phối hợp với liệu pháp dinh dưỡng trong suốt quá trình điều trị. Sau 20 ngày, bệnh nhân hồi phục tốt và được xuất viện và đặt lịch tái khám.

Trường hợp 2: Bệnh nhân nhi em H 12 tuổi, đến thăm khám tại BUH với vết thương vùng gót chân phải, đứt bán phần gân achilles, chảy mủ kèm theo sưng nề tấy đỏ tại chỗ. Bệnh nhân đã được phẫu thuật tuyến dưới trước đó, nhưng sau 12 ngày vết thương nhiễm trùng nặng nên buộc phải chuyển tuyến đến BUH điều trị. Các bác sĩ đã tiến hành đặt VAC, sau đó theo dõi nếu mô hạt lên tốt sẽ phẫu thuật thì hai che phủ vết thương. Hiện tại tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, dự kiến xuất viện sau khoảng 07 ngày điều trị.

Với các trường hợp trên, bệnh nhân được Bác sĩ Đơn vị Chấn thương chỉnh hình – Khoa Ngoại BUH xử trí, sử dụng hệ thống hút áp lực âm VAC kịp thời cứu bệnh nhân trước nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng nặng nề khác.

Em H, bác T cùng rất nhiều bệnh nhân bị các vết thương nhiễm trùng, khuyết hổng phần mềm khác đã hồi sinh chi thể nhờ được áp dụng liệu pháp VAC do các bác sĩ khoa ngoại BVDHYD BMT chỉ định thực hiện. Liệu pháp này đang ngày càng trở nên phổ biến khi đem lại hiệu quả cao đối với nhiều loại vết thương thuộc nhiều chuyên ngành trong lĩnh vực ngoại khoa. Qua đó khẳng định nỗ lực không ngừng học tập, áp dụng các thành tựu y khoa tiên tiến của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột trong công tác khám chữa bệnh nhằm giúp người dân được hưởng dịch vụ y khoa chất lượng tại khu vực.

Để được tư vấn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, Quý Khách Hàng vui lòng bấm số HOTLINE 1900 1147

Để lại một bình luận