Vừa qua, các bác sĩ tiết niệu – Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh Viện Đại Học Y Dược Buôn Ma Thuột đã tiến hành nội soi tán sỏi bàng quang và rút thông JJ cho một bệnh nhân bỏ quên thông niệu quản trong cơ thể 11 năm. Qua đây, các bác sĩ BUH cũng khuyến cáo người bệnh cần lưu ý việc chăm sóc và rút ống thông theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, tránh trường hợp để quên ống thông gây biến chứng bất lợi cho sức khỏe. 

BUH tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân có ống niệu quản (sonde JJ) bị bỏ quên trong cơ thể 11 năm

Cụ thể năm 2012, bệnh nhân L.V.H, 61 tuổi, quê ở Đắk Lắk mổ cắt đại tràng do ung thư ở bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh. Vì khối u có kích thước lớn xâm lấn một phần bàng quang, niệu quản nên các bác sĩ đã cắt một phần bàng quang và cắm lại niệu quản vào bàng quang kèm đặt lưu thông ống sonde JJ niệu quản bên trái. Sau  khi ra viện, bệnh nhân được các bác sĩ dặn dò, viết giấy hẹn quay lại tái khám. Tuy nhiên sau đó vì điều kiện đi lại khó khăn và cảm thấy sức khỏe phục hồi tốt nên bệnh nhân không đi tái khám. 

Cho đến thời gian gần đây, bệnh nhân cảm thấy đau tức vùng hạ vị và rối loạn đi tiểu nhiều nên đã tới cơ sở y tế trong khu vực thăm khám và phát hiện ra ống thông niệu quản bên trái bị bỏ quên 11 năm trong cơ thể chưa được lấy ra, BN được chỉ định mổ hở lấy sonde JJ nhưng vì còn lo lắng và cân nhắc, BN quyết định đến BUH thăm khám.

Hình ảnh X Quang trước mổ

Tại Bệnh viện Đại Học Y Dược Buôn Ma Thuột, Bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp BUH chỉ định chụp cắt lớp vi tính CT hệ niệu có cản quang. Qua xem xét kết quả chụp cắt lớp vi tính CT, bệnh nhân được chẩn đoán thận trái bị teo nhỏ, JJ niệu quản bám sỏi, đầu dưới thông JJ đứt nhiều đoạn nằm trong bàng quang tạo thành nhiều sỏi bàng quang. 

Xét nghiệm nuôi cấy nước tiểu cho kết quả nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Sau khi bệnh nhân được điều trị hết nhiễm khuẩn dựa trên kết quả kháng sinh đồ, các bác sĩ tiết niệu – Khoa Ngoại tổng hợp BUH đã chỉ định can thiệp xâm lấn tối thiểu để điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp nội soi ngược chiều để tán sỏi và rút thông niệu quản bên trái. Phương pháp này sẽ tránh một cuộc  mổ với đường mổ dài cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn sau mổ.

Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong 90 phút, các bác sĩ đã sử dụng năng lượng laser tán hết sỏi bám quanh thông JJ, rút thông JJ qua nội soi. Bệnh nhân  phục hồi rất nhanh sau phẫu thuật, 8 giờ sau phẫu thuật bệnh nhân đã có thể tự sinh hoạt cá nhân bình thường.

Hình ảnh ống thông niệu quản được lấy ra ngoài sau phẫu thuật và phim xquang chụp lại sau mổ. 

Mục đích của việc đặt ống thông niệu quản (sonde JJ) và một số lưu ý

Qua trường hợp này, các bác sĩ tiết niệu Khoa Ngoại tổng hợp BUH có một vài lưu ý cho bệnh nhân về thông niệu quản để giúp bệnh nhân và gia đình hiểu rõ hơn về thông niệu quản (sonde JJ) như sau:

  • Thông niệu quản là một ống rỗng bằng chất dẻo được đặt vào niệu quản, thường được dùng trong phẫu thuật niệu khoa.
  • Mục đích đặt ống thông niệu quản (sonde JJ)
    • Lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang 
    •  Bảo vệ niệu quản, giúp niệu quản mau lành vết thương
    •  Nong rộng niệu quản 
    • Chống tắc nghẽn niệu quản 

Ống thông JJ thường được lưu trong cơ thể người bệnh từ 3 đến 12 tháng, tùy loại. Vì đặt lâu trong cơ thể, người bệnh cần lưu ý việc chăm sóc ống thông và ghi nhớ rút ống thông theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Tránh trường hợp để quên ống thông gây biến chứng bất lợi cho sức khỏe. 

Nguy cơ xảy ra khi để ống thông JJ để quá lâu

  • Tạo sỏi xung quanh ống thông hoặc dọc theo thân ống thông JJ
  • Nhiễm trùng
  • Tắc niệu quản
  • Suy thận

Dinh dưỡng và sinh hoạt trong và sau lúc lưu thông JJ

Trong quá trình lưu thông JJ, người bệnh cần lưu ý một số thông tin dinh dưỡng và sinh hoạt như sau:

  • Không có chế độ cữ ăn hay uống đối với người bệnh có lưu thông JJ
  • Uống trên 2 lít/ ngày
  • Vận động nhẹ, tránh khuân vác vật nặng
  • Tránh các vận động quá sức
  • Hoạt động thể dục thể thao nhẹ nhàng

Sau khi rút ống thông JJ: Người bệnh có thể về nhà (trừ trường hợp có bệnh lý  hẹp niệu quản phải nằm bệnh viện theo dõi thêm). 

  • Các triệu chứng khó chịu có thể xảy ra, tuy nhiên sẽ hết sau 2-3 ngày
  • Duy trì uống nước trên 2 lít/ ngày, uống liên tục trong ngày

Để lại một bình luận